Ngôn ngữ cơ thể là một phương pháp hiệu quả và rất quyền lực để truyền đi những thông điệp đằng sau lời nói.
Và bạn biết không, ngôn ngữ cơ thể cũng được xem là mánh khóe tâm lý. Bằng những cử chỉ, dáng hình và cử động phù hợp, bạn có thể làm tăng tính thuyết phục của bản thân khi tỏ rõ sự tự tin dù bên trong cảm thấy rất căng thẳng hay mệt mỏi.
Sau đây là một chuỗi những bí kíp cần có về ngôn ngữ cơ thể, để đảm bảo được sự tự tin khi nói chuyện cho chúng ta.
1. Giao tiếp ánh mắt
Theo Michael Ellsberg - chuyên gia ngôn ngữ cơ thể, giao tiếp ánh mắt là công cụ quan trọng nhất khi trò chuyện. Việc cứ lảng tránh ánh mắt của nhau sẽ làm giảm lòng tin, sự đồng cảm, và sự chú ý của đối phương. Tuy nhiên, cũng cần chú ý không nên nhìn vào mắt quá nhiều, tránh tạo cảm giác... gây hấn.
Một người kiểm soát được giao tiếp ánh mắt tốt sẽ dễ dàng cho thấy sự tự tin của bản thân, qua đó tăng tính thuyết phục cho câu chuyện của mình.
2. Nên nghiêng về phía trước một chút
Nên nghiêng về phía trước một chút khi trò chuyện
Trong một cuộc trò chuyện riêng, bạn có thể cân nhắc tư thế này: ngồi thoải mái, hơi nghiêng về phía người đối diện.
Tư thế này cho thấy bạn đang chú ý vào những gì đối phương nói. Hơn nữa, nó cũng thể hiện sự tự tin của bản thân khi cố gắng xóa đi rào cản giữa 2 người.
Ngược lại nếu ngả về sau sẽ làm tăng khoảng cách, và thể hiện sự thiếu quan tâm đến câu chuyện.
3. Giữ đầu thẳng
Nhìn chung, những người có thói quen cúi đầu khi trò chuyện thường mang tính cách hướng nội. Dáng hình này thường được mô tả là thiếu tự tin, thiếu tự trọng. Ngược lại, ngẩng đầu khi trò chuyện cho thấy sự tự tin, đáng tin cậy và tự hào về bản thân.
4. Đứng thẳng, tư thế cởi mở
Đây là tư thế cần chú ý, đặc biệt là trong các dịp phỏng vấn xin việc. Nếu muốn cho nhà tuyển dụng thấy mình đang tự tin, dáng lưng của bạn cần phải thẳng và trông thật thoải mái. Tốt hơn hết là kéo vai về sau để ngực ưỡn ra, đầu ngẩng lên.
Tư thế lưng gù, căng thẳng, vai co về phía trước và cúi đầu thì ngược lại, dễ cho thấy sự bất an, căng thẳng và gượng ép.
Ngoài ra, bạn hãy để ý đến vị trí chân của mình - nên cách nhau ra một chút. Khi sử dụng tay để mô tả, hãy cố gắng làm nó rộng một chút để thể hiện sự cởi mở.
5. Đừng giấu tay
Nếu muốn người đối diện thấy được sự tự tin của bản thân, hãy đảm bảo đôi bàn tay luôn hiện diện, đừng đút vào túi.
Việc đút tay vào túi quần sẽ cho thấy sự căng thẳng, bất an - vì phải vậy nên mới muốn giấu, phải không? Hãy để tay một cách thoải mái, và ở vị trí có thể quan sát.
6. Đôi chân hướng về đối phương
Cử chỉ này thường ít được xem trọng, nhưng thực ra nó rất quan trọng. Trên thực tế, con người ta thường hướng đôi chân vào người họ chú ý - có thể là bạn thân hoặc người được xem là lãnh đạo. Nếu để ý đến chi tiết này, bạn sẽ tạo cho đối phương cảm giác câu chuyện của mình đang được chú ý đến, và họ sẽ chia sẻ thoải mái hơn.
7. Mỉm cười
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thần kinh, một nụ cười kèm theo cái nhướn mày nhẹ nhàng sẽ giúp đối phương cảm thấy được đồng cảm, và làm tăng niềm tin trong họ.
Về cơ bản khi trò chuyện, chúng ta sẽ muốn hướng đến một người thân thiện, sẵn sàng lắng nghe, thay vì ai đó cảm thấy không thoải mái và xa cách.
Nguồn: BS, VT.co