"Một cú lừa" về chuyện ăn chè đậu đỏ sẽ gặp được mối duyên đẹp
Lễ Thất Tịch còn có tên gọi là lễ Khất Xảo, lễ Trùng Thất,... là một trong những ngày lễ quan trọng trong truyền thống phương Đông, có khởi nguồn từ Trung Quốc.
Theo văn hóa lâu đời, biểu trưng cho ngày Thất tịch ở Trung Quốc là một hạt đậu màu đỏ, vốn có tên là đậu tương tư, đậu khổng tước. Trong tiếng Việt gọi là trạch quạch, kiền kiện, muồng cườm, cườm rắn.
Loại đậu này có hình dạng gần như là một trái tim, vỏ có màu đỏ bóng, màu không phai và rất cứng. Chính vì hình dáng và màu sắc như thế nên tại Trung Quốc, đậu tương tư thường được dùng làm vật trang trí hay quà tặng với ý nghĩa bày tỏ tình cảm với đối phương.
Đây là đậu tương tư của Trung Quốc.
Đậu tương tư thường được dùng làm vật trang trí và làm quà tặng.
Trong những năm gần đây, tại Việt Nam liên tục truyền tai nhau thông tin ăn chè đậu đỏ có thể khiến con đường tình duyên thay đổi và nhanh chóng có được người yêu. Thông tin này được cho là xuất phát từ Trung Quốc, tuy nhiên có thể do nhầm lẫn trong quá trình dịch thuật "đậu màu đỏ" thành "đậu đỏ" nên đã khiến nhiều người hiểu sai ý nghĩa.
Những dị bản về truyền thuyết Ngưu Lang - Chức Nữ
Tại Trung Quốc, lễ Thất Tịch được giới trẻ xem là ngày lễ Tình nhân Châu Á , bởi vì câu chuyện cảm động đằng sau ngày lễ này được lưu truyền đến hiện tại.
Tương truyền rằng, Ngưu Lang và Chức Nữ sẽ hội ngộ trong ngày mồng 7 tháng 7 âm lịch hằng năm. Câu chuyện này là một trong bốn truyền thuyết dân gian về tình yêu được biết đến nhiều nhất ở Trung Quốc. Truyền thuyết về Ngưu Lang và Chức Nữ cũng có rất nhiều dị bản khác nhau.
Trong quyển "Nguyệt Lệnh Nghiễm Nghĩa - Thất Nguyệt Lệnh" ghi chép: Ở phía Đông Thiên Hà có một nàng tiên tên là Chức Nữ, chính là con gái của Thiên đế. Nàng làm việc bên khung cửi từ ngày này sang ngày khác, dệt nên những bộ váy áo xinh đẹp nhưng lại không có thời gian chăm lo cho chính mình.
Thương xót cho cuộc sống cô độc của nàng, Thiên đế cho phép nàng lấy một vị thần chăn bò ở phía Tây Thiên Hà. Tuy nhiên, sau khi lấy chồng, Chức Nữ đã bỏ bê công việc dệt lụa của mình. Điều này khiến Thiên đế nổi giận và lệnh cho nàng trở về phía Đông Thiên Hà, mỗi năm chỉ cho phép họ gặp nhau một lần duy nhất.
Hình minh họa.
Theo một bản truyền thuyết được biết đến nhiều nhất, Ngưu Lang mồ côi từ bé và phải sống cùng vợ chồng anh trai. Sau khi ra ở riêng, trong tay anh chỉ có một con bò duy nhất làm kế sinh nhai, điều đặc biệt là con bò này chính là Kim Ngưu tinh bị giáng xuống trần.
Một hôm con bò đột nhiên nói với Ngưu Lang rằng, có mấy vị tiên nữ đang tắm ở đằng kia, nếu giấu đi váy áo của nàng tiên nào khiến nàng không thể về trời trước bình minh thì sẽ phải ở lại dương gian. Nghe lời con bò đặc biệt đó, Ngưu Lang đã đến và trộm áo của nàng tiên có tên là Chức Nữ. Nàng không có váy áo nên không thể về trời. Sau đó nàng chấp nhận trở thành vợ của người chăn bò Ngưu Lang.
Sau khi Thiên đế biết chuyện, ông rất tức giận và hạ lệnh áp giải Chức Nữ về trời. Ngưu Lang chạy theo thì bị Vương hậu rút trâm vàng vẽ nên dải ngân hà trên bầu trời ngăn cách 2 người. Nhưng chính chân tình giữa Ngưu Lang và Chức Nữ đã cảm hóa lũ chim hỉ thước (ác là), khiến chúng hợp lại thành cầu Hỉ Thước bắc qua dải ngân hà giúp họ gặp lại nhau. Lúc này, Thiên đế mới cho phép họ được gặp nhau mỗi năm một lần vào ngày mồng 7 tháng 7 âm lịch .
Nguồn: Sohu, Baidu