Ảnh chụp bên trong não của một đứa trẻ hay đọc sách và một đứa trẻ xem điện thoại, máy tính... khiến cha mẹ giật mình

Kết quả nghiên cứu cho thấy, trẻ được cha mẹ cho đọc sách thường xuyên có khả năng đọc hiểu và phát triển ngôn ngữ gấp nhiều lần trẻ nghiện dùng thiết bị điện tử.

Vì công việc bận rộn mà nhiều bậc cha mẹ thường đưa cho con điện thoại thông minh hay máy tính bảng để con cái tránh làm phiền phụ huynh làm việc. Nhiều người coi đây là biện pháp trông trẻ tối ưu, tuy nhiên, họ lại không biết đó chính là một trong những cách kìm hãm sự phát triển não bộ của trẻ trong 5 năm đầu đời.

Theo nghiên cứu của Trung tâm Khám phá khả năng đọc và đọc hiểu của Bệnh viện Nhi Cincinnati (Ohio, Mỹ) đã cho thấy não bộ của trẻ xem nhiều màn hình điện thoại sẽ kém phát triển nhận thức và khó khăn đọc viết sau này. Nghiên cứu được thực hiện trên 47 trẻ độ tuổi mầm non khỏe mạnh chia làm 2 nhóm: đọc sách và xem điện thoại, máy tính... trung bình 2 tiếng/ngày.

Ảnh chụp bên trong não của một đứa trẻ hay đọc sách và một đứa trẻ xem điện thoại, máy tính... khiến cha mẹ giật mình - Ảnh 1.

Đây là bên trái và phía trước não bộ của trẻ thường xuyên được bố mẹ đọc sách cho nghe. Phần màu đỏ cho thấy sự gia tăng của chất trắng có tổ chức ở khu vực chịu trách nhiệm khả năng ngôn ngữ và đọc hiểu.

Ảnh chụp bên trong não của một đứa trẻ hay đọc sách và một đứa trẻ xem điện thoại, máy tính... khiến cha mẹ giật mình - Ảnh 2.

Đây là bên trái và phía trước não bộ của trẻ hay xem thiết bị điện tử. Phần màu xanh cho thấy sự kém phát triển lan rộng và sự thiếu tổ chức của chất trắng cũng ở chính khu vực hỗ trợ việc học tập của trẻ.

Đây là những bằng chứng rõ nét nhất trong việc so sánh cho trẻ nhỏ đọc sách và xem ti vi quá nhiều sẽ ảnh hưởng khác biệt như thế nào. Tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ John Hutton khẳng định: "Đây là giai đoạn quan trọng nhất trong sự hình thành phát triển não bộ của trẻ. Bởi trẻ vừa sinh ra có nhiều nơ ron thần kinh hơn bất kỳ giai đoạn nào trong suốt cuộc đời. Tùy vào sự chăm sóc của cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến sự liên kết giữa các nơ-ron này với nhau".

Chất xám não chứa các tế bào giúp điều khiển các hoạt động cơ thể. Còn chất trắng được tạo thành từ các sợi, thường được phân phối thành các bó gọi là các dải, hình thành các kết nối giữa các tế bào não và phần còn lại của hệ thần kinh.

Việc tăng và tổ chức chất trắng trong não bộ rất quan trọng đối với khả năng giao tiếp và khả năng học hỏi. Khi chất trắng không được tổ chức tốt sẽ khiến hệ giao tiếp bị ảnh hưởng và làm chậm lại việc học kiến thức mới của trẻ nhỏ.

"Trẻ em được sinh ra với rất nhiều tế bào thần kinh nhưng cơ bản, đó là những tế bào rỗng", tiến sĩ John Hutton chia sẻ, "Tùy vào các cuộc nói chuyện, sự khám phá và chăm sóc của cha mẹ mà các tế bào này dần được lấy đầy và củng cố nên bộ não trẻ".

Với kinh nghiệm của Tiến sĩ Hutton, những trải nghiệm đầu đời sẽ "làm cứng" các kết nối trong não của trẻ. Những thứ gì không được sử dụng tốt đều bị não cắt tỉa và chết đi. "Mặc dù bộ não có thể được thay đổi và phát triển ở mọi lứa tuổi nhưng nó sẽ hiệu quả nhất vào những năm đầu đời, khi mà trong giai đoạn này, nơ ron thần kinh sẽ được sinh ra nhiều nhất. Đó là lý do mà có được các trải nghiệm thời thơ ấu là rất quan trọng".

Ngoài việc quét não, những đứa trẻ tham gia nghiên cứu cũng được kiểm tra nhận thức. Khi đến giờ chiếu, những đứa trẻ sử dụng thiết bị điện tử hơn 1 giờ mỗi ngày có kỹ năng đọc viết kém hơn, khả năng sử dụng biểu cảm ngôn ngữ và gọi tên các đối tượng giảm đi. Kết quả này đối lập hoàn toàn so với những đứa trẻ được cha mẹ cho đọc sách thường xuyên.

"Chúng tôi thấy được những mặt không tốt từ việc xem điện thoại thường xuyên lên một đứa trẻ, cụ thể là ảnh hưởng đến khả năng ngôn ngữ, đọc hiểu của trẻ. Mặt khác, những hoạt động có lợi cho các phần khác nhau của não bộ, kích thích trí tưởng tượng như chơi đồ chơi, đi ra ngoài khám phá thiên nhiên sẽ phù hợp với một trẻ mẫu giáo hơn là ngồi trước màn hình điện thoại", Tiến sĩ Hutton bày tỏ.

(Nguồn: CNN)