Bất cứ một quốc gia nào từng tham chiến chắc chắn việc chế tạo áo giáp rất quan trọng. Trong các cuộc chiến, áo giáp chính là phần không thể thiếu để bảo vệ các binh sĩ khi giao chiến trước khả năng sát thương của vũ khí. Chúng được thiết kế đơn giản hay cầu kỳ đều phụ thuộc vào mức độ phát triển kỹ thuật, công nghệ của các nền văn minh. Nhiều người cho rằng, những bộ áo giáp làm từ sắt hoặc thép mới đảm bảo an toàn. Nhưng, người Trung Quốc thời xưa lại không nghĩ vậy, họ cho rằng áo giáp giấy mới là lựa chọn tốt nhất.
Theo Ancient Origins, người phát minh ra nghề làm giấy là thái giám Thái Luân. Sách "Hậu Hán thư – Thái Luân truyện" ghi: "Từ xa xưa, chữ viết đa phần được viết trên thẻ tre, có người viết trên lụa nên gọi là chỉ (giấy). Lụa thì đắt tiền còn thẻ tre thì nặng, không thuận tiện cho con người. Thái Luân liền nảy ra ý tưởng sử dụng vỏ cây, cây gai dầu, vải cũ và lưới đánh cá để làm giấy". Nhờ công lao của Thái Luân, kỹ thuật và nguyên liệu làm giấy đã không ngừng phát triển qua các triều đại, trong đó, đặc biệt nhất phải kể tới việc tận dụng giấy làm thành áo giáp.
Đáng ngạc nhiên là, những bộ áo giáp bằng giấy và lụa cũng được nhắc tới trong nhiều ghi chép cổ đại. Trong cuốn sử ký Tề Kỉ Hạ - Đông Đôn Hầu từng đề cập, áo giáp giấy được sử dụng vào thời Đường Huyền Tông. Vào thời đó, ngoài áo giáp sắt, các loại khác được làm từ vải, lụa, gỗ. Ở thời nhà Đường, áo giáp của binh lính không chỉ mạnh mẽ, vững chắc mà còn phải đảm bảo yếu tố lộng lẫy và đẹp đẽ. Thậm chí, nhiều bộ áo giáp còn được vẽ hoa văn và sơn son thếp vàng.
Áo giáp giấy bắt đầu được sử dụng với quy mô lớn vào thời nhà Đường và Tống. Sau đó, nó còn trở thành một trong những loại áo giáp tiêu chuẩn của quân đội nhà Tống và nhà Minh với hơn 30.000 bộ được dùng mỗi lần ra trận. Trong tài liệu lịch sử có ghi chép về việc nhiều vị quan lại địa phương đã viết sớ xin đổi 100 bộ giáp sắt lấy 50 bộ áo giáp giấy cao cấp. Vậy ưu điểm của áo giáp giấy là gì?
Người phát minh ra áo giáp giấy là Từ Thương, một tiết độ sứ nhà Đường. Đáng tiếc, không có nhiều thông tin chi tiết về cách chế tạo áo giáp giấy của Từ Thương. Duy nhất chỉ có "Tân đường thư" ghi: "Mũi tên không thể xuyên thủng áo giáp giấy." Trong ghi chép của sổ tay quân sự thời nhà Minh, áo giáp giấy có tay và mũ bằng bông, giấy và mây. Hay trong "Võ Bị Chí" và"Luận về sự chuẩn bị sẵn sàng của quân đội" năm 1621, chỉ huy hải quân Mao Nguyên Nghi giải thích rằng đối với những người lính ở miền nam "lựa chọn tốt nhất cho bộ binh là áo giáp giấy, trộn với nhiều loại lụa và vải". Các ghi chép thời nhà Thanh lại dành sự ưu ái cho giấy Hàn Quốc vì độ dẻo dai.
Trong ghi chép của quân lính ở tỉnh An Huy, nơi nổi tiếng về sản xuất giấy, áo giáp giấy được xếp từ những miếng vảy hình tam giác. Chúng được làm từ 10 - 15 lớp giấy được làm từ vỏ cây dâu tằm. Ngoài ra, chúng còn được tẩm thêm nhựa thông và một số loại nhựa cây khác. Áo giáp giấy của quân đội nhà Minh lại được làm bằng giấy cực mềm dẻo, nhẹ được xử lý và đập cho đến khi mềm ra, dày ba tấc, mỗi miếng vuông đóng bốn đinh, tên hay súng đạn khó xuyên thủng.
Từ những thông tin đó, kênh Discovery's MythBusters đã thực hiện nhiều cuộc thí nghiệm để kiểm tra khả năng bảo vệ của áo giáp giấy. Trong quá trình thử nghiệm, nhóm thực hiện chương trình đã tạo ra hai loại áo giáp bằng giấy. Một loại được tẩm nhựa thông, một loại không. Giấy được sử dụng để làm nên áo giáp dày khoảng 13mm. Sau đó, các chuyên gia đã thử sử dụng nhiều loại vũ khí để thực hành trên chiếc áo giáp, bao gồm gươm, súng lục của thế kỷ 18 và loại súng côn xoay của thế kỷ 19. Họ đã rất bất ngờ bởi áo giáp giấy có thể chống lại tên và kiếm hiệu quả hơn áo giáp bằng thép và sắt.
Nguồn: Ancient Origins.