Open-world được lòng người chơi nhờ việc tạo ra một thế giới rộng lớn, mô phỏng chân thực từ môi trường đến địa hình, cách cảnh quan địa lý… Câu hỏi thú vị mà nhiều game thủ đặt ra là kích thước của bề mặt thế giới trong open-world liệu có thể rộng được đến đâu? Thế giới này có gì thú vị so với một trò chơi bình thường?
Từ thế giới không có giới hạn
Kích thước map game của một số tựa game đình đám
Các game thủ đều đồng ý rằng trên lý thuyết, map của một open-world game hoàn toàn có thể trải rộng không giới hạn. Hai ví dụ điển hình được kể đến là No Mans Sky và Elite Dangerous với các bản đồ mô phỏng lại toàn bộ vũ trụ cùng thiên hà tương ứng. Điều này vẫn đúng khi ngay cả trong các trò chơi được thiết lập không dựa trên không gian cụ thể, kích thước bản đồ của chúng không còn tồn tại yếu tố giới hạn.
Tuy nhiên, song song với các tựa game có map không giới hạn, cũng có không ít các tựa game với map giới hạn, và thường giới hạn này cũng khá lớn. Daggerfall là một trong số các tựa game như vậy. Bản đồ đầy đủ của game rộng 62.000 dặm vuông, tương đương với ½ kích thước của Vương quốc Anh khi trò chơi ra mắt vào năm 1996. Song Daggerfall cũng được xem như ví dụ cho việc không phải cứ mở map to là tốt. Dù đã rất cố gắng trong việc thiết lập thế giới, nhưng tựa game này vẫn gánh chịu vô số chỉ trích vì vẽ ra hẳn một thế giới đồ sộ nhưng các yếu tố đều mờ nhạt, trống rỗng và không mang ý nghĩa gì quan trọng trong game.
Đến cái "bẫy rộng lớn"
Có lẽ trường hợp của Daggerfall đã trở thành bài học để đời cho các nhà phát triển game sau này rút kinh nghiệm. Hai tựa game đình đám là Skyrim và GTA V được xây dựng trong một thế giới khiêm tốn hơn nhiều, bù lại từng chi tiết trong thế giới đó đều được khắc họa rất tỉ mỉ, từ đó tạo cho người chơi cảm giác đó là thế giới thực và vô cùng to lớn. Cách làm "liệu cơm gắp mắm" của hai tựa game đều gặt hái được thành công, bởi người chơi thực sự đắm chìm trong open-world, họ háo hức bẻ cua vì biết đâu đấy sẽ có một trận chiến thú vị diễn ra.
Nhưng tại sao có rất ít tựa game mở map vô hạn hoặc thậm chí là mô phỏng thế giới thực với tỉ lệ 1:1? Câu trả lời không nằm những giới hạn trong thế giới thực chứ không phải thế giới game.
Với mỗi một dặm vuông trong map open-world, đội ngũ thiết kế phải mô phỏng lại từng cái cây ngọn cỏ, điều này đòi hỏi một kinh phí khổng lồ. Thế giới càng đẹp mắt, mô phỏng cảnh quan, địa danh thú vị, gameplay độc đáo, các sinh vật tương tác chân thật… đòi hỏi cả thời gian lẫn công sức.
Minecraf hiện đang là một trong số những tựa game có map gần như vô hạn, đơn giản vì cả cộng đồng lớn tham gia xây dựng nó
Một tính toán nho nhỏ về kinh phí lẫn thời gian cần có để Rockstar thực hiện map open-world mô phỏng tỉ lệ 1:1 nước Mỹ trong GTA đã cho thấy rằng để mở bản đồ có kích thước gấp 50 hoặc thậm chí 200.000 lần so với bản đồ trong GTA 5, với chất lượng tương đương, cần đến 1 triệu năm cùng khoảng 50 tỉ đô la. Mỗi tòa nhà, mỗi chiếc xe, từng NPC, con đường, bụi rậm, tảng đá… trong open-world đều đòi hỏi được thiết kế riêng rồi đưa vào, vì thế cần cả vốn liếng lẫn nhân lực và thời gian hùng hậu để phát triển. Như vậy, có thể thấy rằng không phải vô cớ mà các franchise game open-world đình đám hiện nay phần lớn đều đến từ những công ty game lớn.
Nói tóm lại, map open-world có thể mở rộng đến vô hạn nhưng quá trình tạo ra map lại bị giới hạn.