Bằng chứng cho thấy Nữ Nhi Quốc trong "Tây Du Ký" hoàn toàn không phải chỉ sản phẩm tưởng tượng

Nếu bạn vẫn tin rằng đất nước toàn phụ nữ này chỉ là sản phẩm tưởng tượng thì những tư liệu từ lịch sử sẽ khiến bạn phải ngỡ ngàng: Hóa ra thực sự có một "Nữ Nhi Quốc" trong lịch sử.

Đối với những người yêu thích tác phẩm "Tây Du Ký" của văn hào Ngô Thừa Ân, hẳn kiếp nạn mà ba thầy trò Đường Tăng gặp phải ở Nữ Nhi Quốc để lại rất nhiều ấn tượng vì sự đặc biệt hiếm có. Song, nếu bạn vẫn tin rằng đất nước toàn phụ nữ này chỉ là sản phẩm tưởng tượng thì những tư liệu từ lịch sử sẽ khiến bạn phải ngỡ ngàng: Hóa ra thực sự có một "Nữ Nhi Quốc" trong lịch sử.

Nữ Nhi Quốc – đất nước của chị em

Trong "Tây Du Ký", Nữ Nhi Quốc được miêu tả là nơi phong cảnh hữu tình, chỉ có phụ nữ mà không có đàn ông. Người dân ở đây sinh con theo cách rất đặc biệt, đó là uống nước sông Mẫu Tử để tự thụ thai. Ở phiên bản phim 1986, bốn thầy trò Đường Tăng sau hành trình gian nan đã dừng chân ở nơi này cũng như mắc vào kiếp nạn với một nữ yêu pháp lực cao cường. Sau bao sự việc, cả bốn người đã hạ được yêu quái và cứu được nữ vương điện hạ của đất nước này.

Bằng chứng cho thấy Nữ Nhi Quốc trong Tây Du Ký hoàn toàn không phải chỉ sản phẩm tưởng tượng - Ảnh 1.

Miêu tả trong tác phẩm danh tác nổi tiếng của văn hào Ngô Thừa Ân khiến cho nhiều độc giả lẫn người hâm mộ cứ ngỡ rằng vùng đất kỳ lạ này chỉ là sản phẩm hư cấu, không có thật. Tuy nhiên, theo những nghiên cứu gần đây của các học giả, có rất nhiều bằng chứng cho thấy rằng Nữ Nhi Quốc thật sự tồn tại trong lịch sử, hơn thế nữa còn biết được chính xác vị trí tương ứng của nó trên bản đồ hiện đại.

Đông Nữ Quốc – Nguyên mẫu đời thực trong lịch sử của Nữ Nhi Quốc

Dựa theo miêu tả cũng như bản đồ địa lý, các nhà nghiên cứu khám ra rằng Nữ Nhi Quốc nằm ở vị trí dưới chân núi Thiên Sơn, thuộc địa khu Turfan, vùng Tân Cương, Trung Quốc. Trùng hợp là trong lịch sử, nơi này từng thuộc lãnh thổ của một đất nước có tên Đông Nữ Quốc.

Bằng chứng cho thấy Nữ Nhi Quốc trong Tây Du Ký hoàn toàn không phải chỉ sản phẩm tưởng tượng - Ảnh 2.

Theo cuốn sách Đường Thư, đất nước Đông Nữ Quốc này là một bộ lạc Tây Khương. Miêu tả chi tiết còn chỉ thêm rằng Đông Nữ Quốc phía Đông giáp với huyện Mậu (thuộc Tứ Xuyên ngày nay), phía Đông Nam giáp với thị trấn Nhã An (cũng thuộc Tứ Xuyên). Nhà cửa ở Đông Nữ Quốc được xây dựng theo lối kiến trúc tháp rộng, nhiều tầng cao. Nữ vương cai trị ở đất nước này thường cư trú trên tầng tháp cao nhất là tầng thứ 9, còn dân chúng sống ở những tầng thấp hơn, chẳng hạn như ở tầng 4 và tầng 5.

Bằng chứng cho thấy Nữ Nhi Quốc trong Tây Du Ký hoàn toàn không phải chỉ sản phẩm tưởng tượng - Ảnh 3.

Cũng giống như Nữ Nhi Quốc trong tiểu thuyết, Đông Nữ Quốc coi trọng nữ giới hơn nam giới. Chị em phụ nữ ở đất nước này thường được trọng vọng, trong khi đàn ông bị bắt làm nô dịch. Trải qua lịch sử nhiều lần di cư cũng như đấu tranh sinh tồn với các bộ lạc khác trong khu vực, Đông Nữ Quốc dần biến mất khỏi bản đồ. Tuy nhiên, tập tục của Đông Nữ Quốc vẫn còn được lưu truyền lại cho đến tận ngày nay trong một bộ phận nhỏ cộng đồng người dân ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.

Bằng chứng cho thấy Nữ Nhi Quốc trong Tây Du Ký hoàn toàn không phải chỉ sản phẩm tưởng tượng - Ảnh 4.

Những điểm trùng hợp về vị trí địa lý cũng như thiết chế xã hội của Đông Nữ Quốc với Nữ Nhi Quốc trong Tây Du Ký đã khiến nhiều học giả tin rằng đây chính là hình mẫu thực tế của vương quốc của riêng phái nữ này.