Bí ẩn mật mã Kryptos thách thức cả nhân loại, đến các chuyên gia CIA cũng phải 'quy hàng'

Kryptos là một trong những mật mã khó nhằn nhất trong lịch sử.

Nếu có dịp tới thăm tổng hành dinh Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) tại Langley, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy rất ấn tượng với bức phù điêu đầy chữ cái ở cổng tòa nhà này. 

Tuy nhiên, bức phù điêu tưởng như vô nghĩa đó lại chứa đựng một bí mật chưa từng được phá giải trong suốt 30 năm qua. Tác phẩm thách thức tất cả các nhà phân tích mật mã, cả nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp... với độ khó gần như tuyệt đối.

Bí ẩn mật mã Kryptos thách thức cả nhân loại, đến các chuyên gia CIA cũng phải quy hàng - Ảnh 1.

Cận cảnh bức phù điêu mật mã Kryptos chưa được phá giải trong suốt 30 năm qua.

Được biết, tác phẩm điêu khắc có tên Kryptos được tạo ra bởi nghệ sĩ Mỹ Jim Sanborn và được đặt trước trụ sở CIA vào năm 1990. Từ đó, các chuyên gia giải mã của Cơ quan này cũng như các nhà giải mã trên khắp thế giới đã cố gắng tìm ra ý nghĩa ẩn sau 1.800 ký tự, xếp chồng lên nhau tạo thành chiêu cao 3,6m.

Mặc dù nhiều người đã thành công trong việc giải mã 3 đoạn đầu, phần cuối cùng vẫn là một ẩn số không thể lý giải hợp lý cho tới ngày nay. Các chuyên gia đã thử mọi phương pháp như tìm gợi ý trong sách, đổi vị trí ký tự, mã nhị phân, hoán đổi ngôn ngữ hay thậm chí là mã Morse. Nhưng tới nay vẫn chưa ai có thể tìm ra ý nghĩa của 97 ký tự ở phần 4 của phù điêu Kryptos.

Điều đáng nói là 3 phần đầu của mật mã Kryptos được giải chỉ trong vòng 8 năm đầu sau khi được đặt tại Langley. Kể từ đó, việc giải mã gần như không có tiến triển gì. Lý do là vì 2 phần đầu khá dễ, ai có kinh nghiệm giải mã đều có thể tìm ra. Phần thứ 3 có hóc búa hơn nhưng không làm khó được nhiều người. Phần 4 chính là thứ mà mọi người đang chật vật và được coi là gần như không thể phá.

Bí ẩn mật mã Kryptos thách thức cả nhân loại, đến các chuyên gia CIA cũng phải quy hàng - Ảnh 2.

Toàn văn mật mã Kryptos được khắc trên tấm phù điêu.

Trong vòng 30 năm qua, phần 4 của mật mã Kryptos đã được nhiều chuyên gia từ CIA, NSA cũng như người nghiệp dư trên khắp thế giới nghiên cứu tỉ mỉ. Thậm chí còn có hẳn một tổ chức Kryptos quốc tế gồm hàng nghìn nhà giải mã trên khắp thế giới nhằm hợp sức hóa giải câu đố hóc búa này. Hằng năm, nhiều người còn tới gặp Jim Sanborn với hy vọng có được sự gợi ý của ông. Tuy nhiên, họ đều phải tay trắng trở về trước sự kín miệng của tác giả.

Trên thực tế, Sanborn đã hai lần bật mí về chuỗi mật mã của ông. Một vài năm trước ông đã cho biết rằng ký tự 64 đến 69 (NYPVTT) có nghĩa là "BERLIN". Không lâu sau, ông lại tiết lộ rằng ký tự từ 70 đến 74 trong đoạn mật mã dịch ra là "CLOCK". Nếu ghép lại, đoạn ký tự này có nghĩa là "BERLIN CLOCK" (tạm dịch: đồng hồ Berlin). Dẫu vậy, mật mã này vẫn còn rất hóc búa với tất cả mọi người.

Bí ẩn mật mã Kryptos thách thức cả nhân loại, đến các chuyên gia CIA cũng phải quy hàng - Ảnh 3.

Hiện mật mã Kryptos vẫn thách thức toàn bộ các chuyên gia lẫn những người đam mê mật mã khắp thế giới

Jim Sanborn giờ đã 70 tuổi và nhiều người hỏi sẽ ra sao nếu ông qua đời mà mật mã chưa được giải hoàn toàn. Vị chuyên gia cho biết ông đã viết lời giải ra giấy và để trong hộp bí mật. Ông đã chuyển chiếc hộp cho một người đáng tin cậy để có thể xác nhận trong trường hợp ai đó phá được mật mã.

Hiển nhiên là tới nay không ai biết nội dung đoạn cuối của mật mã Kryptos là gì, có nhiều suy đoán là phải dựa vào những gợi ý của 3 phần trước. Nhiều người cho rằng đoạn kết của mật mã sẽ mở ra một câu đố lớn hơn.

Có một sự thật là bức tường Kryptos là mật mã đầu tiên do Jim Sanborn tạo ra. Tuy vậy, ông đã làm rối trí vô số chuyên gia mật mã giàu kinh nghiệm trong hàng thập kỷ.

Kryptos là quần thể điêu khắc do nghệ sĩ người Mỹ Jim Sanborn chế tác, tọa lạc tại khuôn viên của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) ở Langley, Virginia. Kể từ khi được khai trương vào ngày 3 tháng 11 năm 1990 thì đã có nhiều suy đoán về ý nghĩa của bốn thông điệp được mã hóa ẩn chứa bên trong nó. Trong số bốn thông điệp này thì ba thông điệp đầu tiên đã được giải, còn thông điệp thứ tư thì vẫn là một trong những mật mã chưa được giải mã nổi tiếng nhất trên thế giới. Tác phẩm điêu khắc này liên tục lôi cuốn sự quan tâm của các nhà phân tích mật mã, cả nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp, vào việc nỗ lực giải mã đoạn thông điệp thứ tư này.

Theo Internet, wikipedia