555 triệu năm trước, rẽ mặt đất mà đi là một con vật hình dáng giống giun, được các nhà khoa học đặt tên là Ikaria wariootia. Có thể nó mang hình dáng không giống ai, nhưng quá trình tiến hóa khắc nghiệt vậy đấy, khiến tổ tiên của động vật ngày nay chẳng giống gì con cháu của chúng cả.
Ikaria wariootia được cho là nguồn gốc của hầu hết các loài động vật đang sống, trong đó có cả con người.
Loài sinh vật hiện đã tuyệt chủng này là loài động vật đối xứng hai bên - bilaterian, tức là bên cạnh việc có phần đầu và phần đuôi như bình thường, cơ thể của chúng có phần bên trái và bên phải với cấu trúc hệt nhau. Loài giun Ikaria wariootia được cho là tổ tiên chung rõ ràng đầu tiên của đa số các động vật sống ngày nay.
Suốt hơn 100 triệu năm, việc tiến hóa đã đa dạng hóa động vật thành vô số chủng loài. Tuy nhiều là vậy, những sinh vật sống này vẫn phải xuất phát từ điểm khởi nguồn sự sống, tức là sẽ phải có một loài tổ tiên nào đó rồi qua quá trình tiến hóa, mới phân tách ra nhiều giống loài như ngày nay. Suốt nhiều thế kỷ, các nhà khoa học cố gắng đi ngược cây phả hệ động vật để tìm ra tổ tiên chung của con người với cún cưng trong nhà cũng như sói hoang trong rừng.
Dấu tích của những loài động vật đầu tiên xuất hiện nhiều tại bờ đá cổ đại gần Nilpene, miền Nam Châu Úc, dưới dạng những vết hóa thạch nhỏ như đường hầm được đào bởi một sinh vật bé xíu, những vết hằn trên đá này có tên khoa học là Helminthoidichnites. Hơn một thập kỷ nay, các nhà khoa học cố gắng tìm hiểu về sinh vật cổ đại có thể đào nên những đường hầm này, nhưng nỗ lực tìm kiếm hóa thạch của sinh vật bí ẩn vẫn vô hiệu.
Mò mãi không thấy, mà đến lúc tìm ra được thì lại chẳng khác nào đào được mỏ vàng. Nhóm nghiên cứu, được dẫn dắt bởi tiến sĩ mới lấy bằng Scott Evans, đã phát hiện được hơn 100 mẫu hóa thạch của loài giun cổ đại. Họ có được khám phá mới nhờ công nghệ quét 3D bằng laser. Khó có thể diễn ra niềm vui sướng của nhóm khảo cổ khi tìm ra được sinh vật được cho là tổ tiên của chính họ.
Theo nghiên cứu, con Ikaria wariootia có thể lớn tương đương kích cỡ một hạt gạo. Cái tên của nó được tạo thành từ hai phần: "ikaria" nghĩa là "nơi gặp mặt trong ngôn ngữ Adnyamathanha bản địa, còn "warioota" để chỉ nhánh sông Warioota chảy gần khu vực khảo cổ.
Ba mẫu hóa thạch của Ikaria wariootia.
Những con giun nhỏ bé này sống tại Kỷ Ediacaran, nhưng chúng không phải những loài động vật duy nhất tồn tại trong khoảng thời gian này. Chúng cũng không phải tổ tiên của MỌI loài động vật ta biết - bởi lẽ vẫn có những loài mang cơ thể không có tính đối xứng, ví dụ như con sứa hay hải miên, nhưng Ikaria wariootia vẫn nhiều khả năng là "loài đối xứng cổ đại nhất" từng được phát hiện.
Phân tích những rãnh trườn mà những con Ikaria wariootia để lại, có thể thấy chúng là sinh vật sống trong trầm tích nơi nước nông, có cách di chuyển tương tự như giun đất hiện đại, nhiều khả năng ăn xác sinh vật rơi xuống đáy nước hay các vật chất hữu cơ khác mà chúng tìm thấy trong nước. Nhìn vào đường đi của chúng, có thể nói Ikaria wariootia biết tìm tới nguồn thức ăn và oxy để sống, và có khả năng cảm nhận sự vật hiện hữu quanh chúng.
Nỗ lực tìm hiểu về sự sống cổ đại cũng giúp các nhà khoa học trong tiến trình kiếm tìm sự sống ngoài hành tinh. Thật vậy, một phần quỹ nghiên cứu tới từ chương trình nghiên cứu sinh học ngoài Trái Đất của NASA. Nếu như hiểu được quá trình hình thành sự sống phức tạp trên chính hành tinh ta đang đứng, ta sẽ ứng dụng được kiến thức này vào hành trình đi tìm sinh vật ngoài Trái Đất, hay ít ra là một môi trường có thê nuôi dưỡng sinh vật ấy.
Bên cạnh đó, việc phát hiện ra Ikaria wariootia sẽ là một dấu mốc lớn trong quá trình vẽ lại phả hệ động vật, nhiều khả năng đây mới chỉ là một trong nhiều khám phá có thể có được khi nghiên cứu hóa thạch từ Kỷ Ediacaran. Những khu vực khảo cổ ở miền Nam nước Úc, Trung quốc hay Nga sẽ cho ta thêm các câu trả lời khác nữa.