"Mặt em hớn hở suốt ngày/ Thêm huyền giấu mặt, giấu mày nơi đâu/ Rụng đuôi mà mất cả đầu/ Thì thành sấm động hay tàu bay kêu". Bạn có biết trong kho tàng tiếng Việt, có chữ gì "kỳ lạ" như vậy không?
Câu hỏi mới nghe có vẻ khó nhằn, trên thực tế, nếu để ý kĩ những dữ liệu được cho thì lại rất dễ đoán. Thứ nhất, "mặt em hớn hở" có khiến bạn liên tưởng đến chữ nào không? Đó chính là vui, mừng, hạnh phúc. Thứ hai, "giấu mặt, giấu mày" có thể nghĩ tới các chữ như lấp, vùi. Thứ ba, khi mất đầu mất đuôi thì thành tiếng sấm hay tiếng tàu bay.
Từ những yếu tố này, làm một phương pháp loại trừ, đáp án đã từ từ hiện ra. Từ được nhắc đến ở đây là Vui (Vui/vùi/ù). Quả thật, dù là tiếng mẹ đẻ đi nữa thì tiếng Việt với mỗi chúng ta chưa bao giờ là ngôn ngữ "dễ xơi" cả.
Và giờ cũng thử tài với loạt câu đố chữ sau đây, trả lời hết IQ của bạn không phải dạng vừa đâu nhé!
Câu 1: Không huyền, là vị của hạt tiêu/ Có huyền, công việc sớm chiều nhà nông/ Mất đuôi, ăn có ngon không/ Dầm tương, dân chúng ruộng đồng dùng quen? Hỏi là chữ gì?
Câu 2: Không huyền hạt nhỏ mà cay/ Có huyền vác búa đi ngay vào rừng. Là chữ gì?
Câu 3: Cắt đuôi thì điếc tai anh/ Cắt đầu thành quả trên cành cây cao/ Không ai cắt xén thì sao? Lênh đênh mặt nước chẳng bao giờ chìm. Là chữ gì?
Câu 4: Bà già thì thích/ Trẻ nít không ưa/ Mất huyền, con vật cày bừa cho ta/ Thiếu đầu là của ông già/ Bay mũ thành thứ dân ta ăn nhiều/ Là chữ gì?
Câu 5: Em thường đè cổ trâu bò/ Làm cho chúng phải chăm lo kéo cầy/ Ét sì đem ráp vào đây/ Thì ra là một vật trên tay anh cầm. Là chữ gì?
Đáp án: 1 - Cay, cày, cà; 2 - Tiêu, tiều; 3 - Nổ - ổi - nổi; 4 - Trầu, trâu, râu, rau; 5 - Ách, sách.