Thời điểm cuối năm cũ, đầu năm mới luôn là cao điểm của thị trường tuyển dụng. Rất nhiều sinh viên bắt đầu tìm kiếm công việc để thực tập và làm thêm, cộng với một số lượng không nhỏ những người đã có kinh nghiệm đang chuẩn bị "nhảy việc", cả hai luồng nhân sự đông đảo này khiến cho mức độ cạnh tranh giữa các ứng viên ngày càng khó khăn hơn.
Ngày nay, các công ty không chỉ chú trọng vào bằng cấp, trình độ hay ngành nghề tốt nghiệp của ứng viên nhiều nữa. Bên cạnh đó, các nhà tuyển dụng thường xuyên phân tích năng lực, thành tựu và tiềm năng có thể khai thác trong mỗi thí sinh nhiều hơn. Do đó, độ khó và lắt léo của các câu hỏi phỏng vấn cũng ngày một được nâng cao để thông qua câu trả lời, người ta có thể đánh giá được cả năng lực hiện tại cũng như các yếu tố tiềm ẩn đằng sau mỗi người, ví dụ như là sự linh hoạt, sức sáng tạo, khả năng ứng biến, xử lý tình huống…
Đó là những thách thức mà bất cứ ai cũng phải vượt qua khi bước vào thị trường tuyển dụng, Tiểu Liên cũng vậy. Sau 2 năm làm việc tại một công ty truyền thông và cảm thấy không được lãnh đạo đánh giá đúng năng lực của mình, Tiểu Liên đã nộp đơn xin nghỉ việc tại đơn vị cũ và quyết định sẽ đi phỏng vấn ở một vài địa chỉ uy tín khác.
Tình cờ, Tiểu Liên nhận được điện thoại của một job hunter, đề xuất với cô một đơn vị truyền hình đang tuyển dụng biên tập viên chính cho mục Thời sự quốc tế. Vị trí khá lớn đồng nghĩa với việc phải chịu nhiều áp lực và trách nhiệm, thế nên, Tiểu Liên đã phải chuẩn bị rất kỹ từ tinh thần cho tới kiến thức chuyên môn. Cô cũng nhanh chóng nắm bắt sơ lược toàn bộ những sự kiện quốc tế đang diễn ra trong thời gian vài tháng trở lại đây để thêm phần nắm chắc khi đối mặt với người phỏng vấn.
Vào ngày phỏng vấn, Tiểu Liên đến địa điểm hẹn gặp và đã biểu hiện rất tốt. Cô dễ dàng vượt qua bài kiểm tra viết luận, tiếng Anh, IQ ban đầu và nhanh chóng lọt vào vòng phỏng vấn cuối cùng. Cùng có mặt với Tiểu Liên còn có vài ứng viên khác, ai nấy trông khá căng thẳng và lo lắng khi đối mặt với tổng cộng 5 vị phỏng vấn viên ngồi trong phòng.
Sau một vài vấn đề về kỹ năng chuyên môn, một quản lý bất ngờ đưa ra một câu hỏi tình huống cho tất cả mọi người: "Nếu bây giờ trong sa mạc có 2 cốc nước, một ly đựng nước tiểu của ngựa và một ly đựng nước tiểu của người. Bạn sẽ chọn uống cái nào trong điều kiện mình sắp chết khát?"
Một ứng viên khá bỡ ngỡ khi bắt gặp câu hỏi này, anh ta lúng túng đáp: "Tôi cảm thấy câu hỏi này không phù hợp gì với buổi phỏng vấn hôm nay cả. Nó cũng không có bất cứ liên quan gì tới vị trí mà chúng tôi đang ứng tuyển hết. Vì thế, tôi rất khó có thể đưa ra câu trả lời cho trường hợp này, cả hai đáp án đều chẳng ra sao cả".
Một ứng viên có vẻ dày dạn kinh nghiệm trả lời rằng: "Trong điều kiện sa mạc thiếu thốn nước uống, phải đối mặt với cái chết, tôi nghĩ mình có thể chấp nhận việc sử dụng nước tiểu của ngựa để vượt qua cơn khát. Dù gì thì còn sống mới còn hi vọng, tôi nhất định sẽ vượt qua một chút chướng ngại tâm lý để sống sót".
Đến phiên Tiểu Liên, cô hít một hơi thật sâu và trả lời với nụ cười tự tin: "Vì tất cả có 2 cốc nước, một ly đựng nước tiểu của ngựa và một ly đựng nước tiểu của người, vậy tổng cộng là 4 sự lựa chọn. Tất nhiên, tôi sẽ chọn 2 cốc nước để uống rồi".
Quả thật, trong câu hỏi tình huống này có một kẽ hở mà nhà tuyển dụng đã cố tình đưa ra để xem có ứng viên nào nắm bắt được không. Đó là, anh ta đã thay đổi cách diễn đạt khiến câu hỏi trở nên tối nghĩa hơn, dễ nhầm lẫn hơn, lại dùng từ "cốc nước" khác với "ly nước" để nhấn mạnh sự khác biệt.
Nếu như câu hỏi được diễn đạt thành "có 2 ly nước, trong đó một ly đựng nước tiểu ngựa, một ly còn lại đựng nước tiểu người" thì rõ ràng, chỉ có 2 ly nước xuất hiện trong đề bài. Nhưng với cách thay đổi câu từ như vậy, bên cạnh "2 cốc nước" có thêm "1 ly nước tiểu của ngựa" và "1 ly nước tiểu của người", vậy là có thể xuất hiện tới 4 sự lựa chọn cho ứng viên.
Có thể thấy rằng, mỗi một công ty không chỉ thuê năng lực bề ngoài của nhân viên, họ còn muốn khai thác cả tiềm lực trí tuệ bên trong. Một tư duy mềm dẻo, linh hoạt với sức sáng tạo tuyệt vời là những điều không thể thiếu để phát triển nên những thành tựu trong tương lai.
Khác với người suy nghĩ phân tích, thường được dẫn dắt bởi logic và hệ quả, người có suy nghĩ linh hoạt rất mạnh trong những tình huống họ phải bứt phá giới hạn và thử những điều mới.
Tác giả Leonard Mlodinow, đồng thời cũng là một bác sĩ và nhà biên kịch nổi tiếng, đã viết trong cuốn sách "Sự đàn hồi: Suy nghĩ linh hoạt trong thế giới không ngừng biến động" của mình như sau:
"Suy nghĩ linh hoạt không chỉ dành cho nghệ sĩ hay nhà văn mà còn dành cho tất cả mọi người ở những ngành nghề khác. Đó là khả năng mà mỗi người đều có thể trui rèn. Tất cả chúng ta đều có thể trở thành người xử lý rắc rối nếu chúng ta muốn sinh tồn và phát triển trong thế giới biến động ngày nay. May mắn thay, đó là kỹ năng có sẵn trong não người".
Theo cách mà tác giả phát huy năng lực tư duy, thay vì chỉ nhìn vấn đề từ trên xuống dưới, hay giãn tâm trí mình ra và thử thay đổi liên tục với nhiều góc nhìn khác nhau như từ dưới lên trên. Mỗi một phương thức tiếp cận đều có thể dễ ta đến với những quy trình và phương thức tư duy khác nhau, linh hoạt hơn, rộng khắp hơn, kích thích sự sáng tạo và tưởng tượng nhiều hơn.
Trong khi suy nghĩ phân tích logic sẽ đạt tác dụng lớn khi cần giải quyết vấn đề mà mình đã từng gặp phải với những kỹ năng và phương pháp mà mình đã có, thì ngược lại, suy nghĩ linh hoạt sẽ giúp chúng ta nhiều hơn khi phải đối mặt với một khó khăn, rắc rối mới mà bản thân ta phải tự tìm kiếm cách thức giải quyết.
Đây cũng là lý do mà những ông lớn công nghệ như Uber, Google, Microsoft… có "sở thích" đưa ra những câu hỏi tình huống khó nhằn để làm nổi bật suy nghĩ linh hoạt của các ứng viên, từ đó tìm ra năng lực sáng tạo và thích nghi của họ.