Câu Long hay cá trê khổng lồ là một trong bốn quái thú từ thời xưa, thường xuất hiện trong truyền thuyết ở vùng đất Hội An. Điểm đặc biệt của Câu Long là độ nổi tiếng của nó không chỉ gói gọn ở phạm vi Việt Nam mà còn vươn tầm sang tận Nhật Bản xa xôi. Người Nhật đã gọi Câu Long là Namazu, cho rằng chính nó gây ra những trận động đất dữ dội ở đất nước của mình.
Truyền thuyết về Câu Long
Tương truyền, từ thuở xa xưa người Nhật cho rằng ngoài đại dương có loài thủy quái khổng lồ thuộc giống cá trê. Thân mình của nó lớn đến nỗi nằm ở Nhật Bản, lưng vắt qua khe nước ở Hội An (Việt Nam) và phần đuôi ngả về Ấn Độ. Con quái vật này có tên Namazu hay Câu Long.
Mỗi khi Câu Long quẫy mình, nước Nhật sẽ bị động đất và Hội An cũng rung chuyển đến mức dân chúng không thể bình yên buôn bán. Truyền thuyết còn kể thêm Câu Long bị thần linh giam giữ trong lớp bùn trải phía dưới các hòn đảo của Nhật, thế nên nó mới thường nằm im, tuy nhiên khi các vị thần không cảnh giác thì nó sẽ quẫy mình và gây ra những trận động đất kinh hoàng.
Sức mạnh của Câu Long rất khủng khiếp, thế nên chỉ có thần sấm sét Kashima mới đủ sức chế ngự nó. Tuy nhiên, Câu Long không phải yêu quái, vì vậy người ta không thể tận trừ. Kết quả là thần Kashima phải canh giữ Câu Long thường xuyên, thỉnh thoảng khi thần mệt mỏi hay phân tâm thì Câu Long sẽ lại trở mình tạo ra động đất, thậm chí có cả núi lửa phun trào, gây ra đại họa.
Người dân quan niệm rằng thông qua thảm họa mà mình gây ra, Câu Long trừng phạt sự tham lam của con người. Nó sử dụng các trận động đất để phân chia lại tài sản, của cải cho ngang bằng nhau. Vì thế, Câu Long còn được xem như vị thần của cải.
Truyền thuyết về Câu Long ở Chùa Cầu Hội An
Vì người Nhật Bản không xem Câu Long là yêu quái, thế nên không có cách để diệt trừ tận gốc loài sinh vật này. Người ta chỉ có thể chế ngự chúng bằng cách thanh kiếm của thần sấm sét Kashima.
Khi sang Việt Nam buôn bán và giao thương ở phố Hội, các thương gia Nhật Bản cũng thường xuyên phải đối phó với cảnh lụt lội. Để người Nhật, người Hoa và người Việt được yên ổn làm ăn, không phải lo nạn thiên tai, các thương nhân này đã áp dụng kinh nghiệm tại quê nhà để trấn áp Câu Long.
Truyền thuyết kể rằng họ đã tìm một thầy phong thủy giỏi để xem thế đất, sau đó chọn chỗ xây lên ngôi Chùa Cầu. Vị trí xây chùa phải nằm ở phần lưng của Câu Long. Hai đầu cầu có đặt đôi tượng thần Khỉ và thần Cho – vốn là hai vị thần bảo hộ theo quan niệm của người dân Nhật Bản. Hình dáng ngôi chùa xây trên cầu bắc qua hai bờ mô phỏng lại hình ảnh cây kiếm của thần Kashima đâm xuống lưng Câu Long, khiến nó không thể vùng vẫy, quẫy mình gây ra tai họa được nữa.