Chắc hẳn game thủ nào cũng cảm thấy hứng thú với chiếc tháp viễn thông cá nhân này

Trong trường hợp các nhà mạng viễn thông gặp phải sự cố hay đứt cáp, chiếc tháp viễn thông cá nhân này chắc chắn sẽ là cứu cánh cho những người coi điện thoại là vật bất ly thân.

Nếu như bạn lo ngại về vấn đề liên lạc cá nhân sao cho an toàn và không tin tưởng sự bảo mật của các nhà mạng, thì bạn có thể chọn phương án giống như hai cậu sinh viên dưới đây, đó là tự xây dựng một tháp phát sóng mini.

Matthew May và Brendan Harlow là hai sinh viên vừa tốt nghiệp trường Champlain tại Vermont, Mỹ, và họ đã quyết định thực hiện đồ án tốt nghiệp của mình với ý tượng tự tạo ra một tháp mạng điện thoại cá nhân bỏ túi riêng. Mặc dù thiết bị của họ chỉ là phiên bản thử nghiệm – với khoảng cách phát sóng chỉ vỏn vẹn khoảng 20 mét – nhưng vậy cũng là đủ để cho chúng ta thấy việc xây dựng một mạng di động nhỏ của riêng mình là điều hoàn toàn khả thi.

“Đây không phải là phương án thay thế cho mạng viễn thông quốc tế, đương nhiên. Bạn có thể coi nó giống như hệ thống bộ đàm, nhưng có đầy đủ các dịch vụ gọi điện, nhắn tin… như của các nhà mạng, để sử dụng cho việc liên lạc trong hộ gia đình.” – Matthew May chia sẻ.

Để tạo ra mạng điện thoại cá nhân này, May và Harlow cần có một chiếc máy vi tính bỏ túi Raspberry Pi, một màn hình cảm ứng LCD, một thiết bị phát sóng Radio mang tên bladeRF, thẻ SIM trắng có thể được lập trình, và một chiếc USB lập trình SIM. Tất cả những thiết bị này đều có thể dễ dang được đặt mua qua mạng internet.

Theo lời của hai cậu sinh viên, thì việc lắp đặt thiết bị tỏ ra hết sức dễ dàng. Tuy nhiên, cái khó nằm ở việc làm sao để có thể tối ưu sao cho các phần mềm và các thành phần khác nhau của thiết bị có thể liên lạc với nhau nhanh chóng và hiệu quả.

“Chúng tôi phải thử đi thử lại hết sức nhiều lần, bởi công nghệ này không có quá nhiều tài liệu để nghiên cứu,” Harlow cho biết. “Chúng tôi gặp nhiều rắc rối trong việc lập trình SIM, và kiếm được những chiếc SIM phù hợp để lập trình cũng là cả một vấn đề.”

Vấn đề tiếp theo mà họ gặp phải là tìm cách để cải thiện khả năng phát sóng của bladeRF, và cuối cùng đã phải chọn giải pháp thay thể ăng ten khác mạnh hơn cho thiết bị. Thế nhưng, cả May và Harlow đã vượt qua mọi khó khăn cản trở, để xây dựng thành công một trạm thu phát tín hiệu di động với đầy đủ chức năng. Thậm chí, nếu trạm thu phát này kết nối với mạng Internet, thì bạn hoàn toàn có thể dùng các dịch vụ mạng như bình thường.

Nhóm sinh viên này cho biết, họ nghĩ công nghệ này có thể sẽ hữu ích trong những tình huống khẩn cấp, khi mà các nhà mạng viễn thông gặp sự cố hay quá tải. Nếu như các lực lượng phản ứng nhanh có một mạng lưới tín hiệu riêng như vậy, thì họ luôn có thể liên lạc với nhau một cách nhanh chóng nhất.

Tổng hợp