Ai trong chúng ta cũng đều từng đăng ký tài khoản (trò chơi điện tử, ngân hàng,...), thanh toán trực tuyến, hay làm các phiếu khảo sát... Với một số người, cung cấp thông tin là điều hiển nhiên để thực hiện những công việc trên. Nhưng trong kỷ nguyên của công nghệ hiện nay, thông tin cá nhân là thứ cực kỳ quan trọng và bạn cần sử dụng nó một cách thông minh.
Những cuộc tranh luận về quyền riêng tư đang ngày càng diễn ra với mật độ dày đặc hơn, đa số tập trung vào cách mà các công ty lớn kiểm soát thông tin "cá nhân" của khách hàng, trong đó bao gồm: số CMND, lịch sử tín dụng, giao dịch tài chính, hồ sơ y tế... Đây là những thông tin có thể dễ dàng mô tả lại cuộc sống của bạn.
Tuy nhiên, theo giáo sư Michael Kearns thuộc Đại học Pennsylvania, người chuyên nghiên về khoa học máy tính, thì những thông tin có giá trị nhất mà các công ty thu được đó là dữ liệu gợi ý (Intimate data).
Dữ liệu gợi ý bao gồm những quan điểm, thái độ, niềm tin và tâm trạng mà thông thường bạn sẽ không ghi vào bất kỳ loại hồ sơ nào. Tuy nhiên, chúng lại được tìm thấy từ những hành vi trực tuyến của bạn. Ví dụ như: những bài đăng mà bạn "like" trên Facebook, những bức ảnh mà bạn chia sẻ, những video bạn đã xem, hàng hóa mà bạn mua online, những truy vấn tìm kiếm của bạn (trên Google chẳng hạn), vị trí của bạn...
Với sự tiến bộ vượt bậc trong học máy (machine learning), học sâu (deep learning) và mạng lưới thần kinh (neural networks), thì những thông tin này dễ dàng được lọc, vẽ ra các mô hình, mô tả lại cuộc sống, mong muốn, xu hướng... của bạn. Nói cách khác, những thông tin vô hại này có thể kết hợp lại với nhau và mô tả về cuộc sống của chính bạn. Và không ai khác, chính các công ty lớn đang nắm giữ những thông tin này!
"Những thông tin giá trị nhất không thể tính bằng đơn vị bit", giáo sư Kearns nói trong một sự kiện ở DC.
Không chỉ công ty sở hữu truy cập được thông tin cá nhân, mà một số các tổ chức khác khi được quyền truy cập những thông tin này, họ "có thể đưa ra tất cả các suy luận về bạn và hoàn cảnh sống của bạn, hay thậm chí những thứ mà cả chính bản thân bạn cũng không biết".
Giáo sư Kearns cho rằng các nhà hoạch định chính sách cần phải kết hợp với những kỹ sư chuyên về học máy, những người có hiểu biết chi tiết về cách mà dữ liệu được liên kết với nhau. Để từ đó, theo dõi sự phát triển trong việc phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, để đề ra được những chính sách phù hợp.
Mặc dù rất nhiều công ty công nghệ và viễn thông nói rằng họ hướng đến ích lợi cao nhất của khách hàng, và minh bạch trong cách sử dụng dữ liệu cá nhân. Nhưng hầu hết mọi người không có cách nào để hiểu một cách thấu đáo và đầy đủ mỗi khi chúng ta tích vào ô vuông "tôi đồng ý với các điều khoản trên". Dữ liệu của chúng ta vẫn đang được ghép nối lại với nhau mà chúng ta thậm chí còn không hề biết.
Hy vọng rằng trong tương lai, nhận thức về an toàn thông tin cá nhân sẽ được nâng cao hơn nữa. Trong khi chờ đợi sự vào cuộc của các nhà hoạch định chính sách, cách tốt nhất là chúng ta nên tự bảo vệ bản thân bằng cách sử dụng thông tin cá nhân của mình một cách thật khôn ngoan.