Mặc dù chỉ cách các siêu đô thị hiện đại như Osaka và Nagoya vài giờ đi tàu, Ise-Shima vẫn giữ nguyên được nét hoang sơ, mộc mạc đẹp đến nao lòng: một bán đảo với bờ rừng, làng chài và đảo nhỏ xanh ở vịnh Thái Bình Dương.
Mang vẻ đẹp yên bình hiếm có nên Ise-Shima thu hút hơn 6 triệu lượt khách du lịch hành hương đến thăm đền thờ Thần đạo Ise Jingu linh thiêng hàng năm. Còn những người yêu thiên nhiên đến đây để "vực dậy tinh thần" tại Vườn quốc gia Ise-Shima.
Hình ảnh Vườn quốc gia Ise-Shima
Đặc biệt hơn cả, Ise-Shima được xem như "thành trì vĩ đại" cuối cùng của khoảng 600 nữ thợ lặn. Họ được gọi chung với cái tên Ama - tiếng Nhật có nghĩa hải nữ hay người phụ nữ của biển.
Người phụ nữ của biển cả
Ama là từ chỉ những phụ nữ ở Nhật Bản làm nghề lặn tự do. Đây là một nghề có từ lâu đời và mang đậm bản sắc truyền thống. Các Ama - người được ví như mỹ nhân ngư của Nhật Bản - có thể lặn sâu đến 10m, bơi xa bờ hàng cây số mà không hề có ống thở, chân vịt... Nhiều người cho rằng họ có thể làm được điều đó là nhờ... ân sủng của nàng tiên cá.
Từ xa xưa, phụ nữ Nhật sống rải rác trên các bán đảo làm nghề lặn mò bào ngư, sò, ngọc trai, rong biển kiếm sống. Họ sử dụng kỹ thuật đặc biệt, lặn tới độ sâu 30m và nín thở được trong vòng hai phút.
Truyền thuyết về các Ama có thể có từ 2.000 năm trước. Nghề này từng phát triển mạnh trên khắp Nhật Bản. Họ lặn xuống biển để thu thập hải sản (cung cấp cho dân làng và cả khu vực Ise-Shima. Bào ngư được xem là lễ vật quý báu dâng lên các vị thần tại những ngôi đền thờ Thần đạo. Chẳng hạn như đền Ise Jingu.
Lao mình vào những vùng nước tối, lướt qua những rặng san hô và rừng tảo bẹ, các Ama có thể nín thở khá lâu. Họ mặc bộ đồ lặn, thường là trang phục màu trắng để bảo vệ mình khỏi cái lạnh và - người ta tin rằng - chúng còn nhằm xua đuổi cá mập đói. Người Nhật tin rằng phụ nữ phù hợp với công việc lặn hơn nam giới bởi có lớp mỡ dày trên cơ thể. Chính đặc điểm này giúp họ ở dưới nước lâu hơn và bắt hải sản bằng tay hiệu quả hơn.
Những nữ thợ lặn tại Ise-Shima thường đeo khăn Tenugui và mang chiếc mũ len trắng có thêu biểu tượng ngôi sao gọi là Seiman
Biểu tượng Seiman có ý nghĩa là người phụ nữ đã thực hiện chuyến lặn biển an toàn. Trên chiếc mũ còn có hình ảnh chín vạch thẳng vẽ đan xen gọi là Doman. Đó là biểu tượng cho chiếc lưới đánh cá. Doman là bùa hộ mệnh để những người phụ nữ xua đuổi ma quỷ và mối đe dọa dưới biển sâu, ví dụ như cá mập.
Những nữ thợ lặn tại Ise-Shima thường đeo khăn Tenugui và mang chiếc mũ len trắng có thêu biểu tượng ngôi sao gọi là Seiman
Mang theo thùng gỗ nặng 5kg, Ama lặn xuống độ sâu 10m để tìm kiếm và thu hoạch bào ngư, nhím biển và các loài nhuyễn thể khác nhờ kinh nghiệm, trực giác trong khi phải len lỏi qua rong biển. Họ phải thực hiện chuỗi động tác thành thục và nhịp nhàng vì chỉ có thể nín thở trong khoảng 50 giây. Công việc này đòi hỏi rất nhiều về năng lực thể chất và sức mạnh ý chí.
Vì tính chất công việc, những "người phụ nữ của đại dương" có tính cách rất mạnh mẽ và được kính trọng hơn nam giới. "Các bậc tiền bối đã dạy tôi về ý thức trách nhiệm và sự chu đáo với người khác. Khi nghĩ về những điều này, tôi rất vui vì đã trở thành một Ama", Mitsuhashi Mayumi, người trở thành Ama từ năm 30 tuổi, cho biết.
Truyền thống đẹp dần mai một
Hiện vẫn còn nhiều người theo nghề lặn biển này nhằm duy trì một truyền thống đã có từ lâu đời. Tuy nhiên, con số đã giảm mạnh, từ 8.000 người sau Thế chiến II xuống còn 2.000 người vào thời điểm hiện tại.
Shuzo Kogure, chuyên gia về Ama, nghiên cứu viên thuộc Đại học Khoa học Hàng hải và Công nghệ Tokyo cho hay lịch sử nghề Ama ở Nhật có từ hàng ngàn năm trước. Những người phụ nữ ở các vùng quê xa xôi, không có công việc ổn định, nên họ chọn làm Ama để nuôi sống gia đình.
Họ thường học kiến thức lặn cơ bản từ lúc nhỏ tuổi. Và rồi, các kỹ năng, kinh nghiệm cứ được truyền lại từ đời bà sang đời mẹ, đến cả đời cháu gái. Tuy nhiên, ngày nay, thế hệ trẻ đang dần rời đi để theo đuổi sự nghiệp ở các thành phố lớn.
Cách duy nhất để bảo tồn truyền thống, họ phải tìm cách tăng thu nhập cho các Ama. Một số người lưng đã còng đi theo tuổi tác, cho biết công việc này lương thấp, nhiều nguy hiểm.
Nếu công việc không suôn sẻ, các Ama chỉ kiếm được khoảng 2.000 yen (khoảng 414.000 đồng)/ngày, con số quá thấp cho những rủi ro đến tính mạng.
Bên cạnh đó, sự suy giảm về số lượng của loại rong biển có tên Arame, nguồn thức ăn chính của bào ngư cũng khiến sản lượng thu hoạch của các Ama bị giảm đi.
Các quy định của chính phủ nhằm bảo vệ đa dạng sinh học môi trường biển cũng là một trong các yếu tố tác động đến thu nhập của Ama. Chưa hết, họ cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hoạt động đánh bắt hải sản của tàu thuyền.
Ngày nay, các Ama không chỉ lặn biển, họ còn mở dịch vụ đón du khách tại những căn lều truyền thống của mình. Tại đây, họ phục vụ các món hải sản vừa lấy lên từ lòng biển cả, tươi ngon đến bất ngờ.
Nguồn: Tổng hợp
https://afamily.vn/chuyen-ve-nhung-phu-nu-bi-an-tren-bien-ca-nhat-ban-vi-nhu-my-nhan-ngu-huong-an-sung-cua-nang-tien-ca-20220512160509323.chn