Đây là 7 lời khuyên tôi luôn bỏ ngoài tai khi chơi game, và chắc chắn bạn cũng thế (Phần 1)

Khi chơi game, có những thứ nghe qua thì rất đơn giản và có lợi – cho chính các gamer, nhưng nói thẳng là 99% chả gamer nào thèm quan tâm đến mấy thứ đó. Bạn không tin ư? Vậy hãy để tôi liệt kê ra 7 điều mà chúng ta gần như không thèm quan tâm khi chơi game.

1. Đọc điều khoản cho người dùng

 Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Điều đầu tiên và cũng là điều quen thuộc nhất đó là những điều khoản sử dụng (User Agreement). Có khá nhiều game đưa mục này vào ngay đầu game lần đầu tiên chơi và yêu cầu chúng ta làm một cái thao tác vô nghĩa bậc nhất là hỏi: “Bạn có chấp nhận các điều khoản chúng tôi đưa ra không?” rồi có hai tùy chọn “Accept” và “Decline”. 100% chúng ta sẽ nhấn “Accept”, chắc chắn rồi (chứ nếu mà nhấn “Decline” thì còn mở game ra làm quái gì?).

Và tất nhiên, tất cả chúng ta sẽ nhấn “Accept” mà không thèm đọc lấy một dòng của mớ điều khoản đó – xin lỗi, tôi không thừa thời gian để đọc mấy cái này, tôi muốn chơi game! Nắm bắt được cái tâm lý đó của gamer nên nhiều studio hoặc là cho phép gamer nhấn “Accept” ngay khi mục User Agreement hiện lên, hoặc là đưa nó thành một mục trong menu game, hoặc bỏ hẳn ra game cho nhanh.

Nhưng dĩ nhiên, cũng có những game chơi lầy khi… bắt chúng ta phải kéo đến hết đống điều khoản sử dụng mới được nhấn “Accept”, ví dụ như Dark Souls III hay Dragonball Fighter Z. Tất nhiên là chúng ta chả thèm đọc đâu, studio họ cũng thừa biết, nhưng vẫn muốn troll gamer theo kiểu trời ơi đất hỡi như vậy, để làm gì, cho vui chứ còn làm gì!

2. Ngồi đủ xa màn hình để tránh gây hại cho mắt

 Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Cái này thì hên xui, với PC gamer thì gần như tất cả đều phải ngồi gần màn hình mới chơi được game bằng chuột và bàn phím rồi (hoặc nếu bạn dùng gamepad thì khác). Bên console gamer thì cũng hên xui, ai có controller có dây thì ngồi… không xa cho lắm, còn controller không dây thì ngồi xa xa cũng được. Nhưng mà có một sự thật là rất nhiều người chơi game toàn ngồi gần màn hình nhất có thể (tôi cũng thế thôi).

Lý do khách quan là màn “hơi hơi” bé, không ngồi gần thì nhìn được cái gì đâu? Lý do chủ quan là ngồi gần cho nó tăng độ kịch tính khi chơi game. Tất nhiên không phải tất cả chúng ta đều như vậy nhưng… rõ ràng ngồi gần gần màn hình chơi game nó có cảm giác “phê” hơn, đúng không? (Và tất nhiên đừng ngồi gần quá theo kiểu mặt cách màn hình 20cm)

3. Nghỉ một lúc sau khoảng 1-1,5 tiếng chơi game

 Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Đây cũng là một lời khuyên khi chơi game khá vô dụng. Chúng ta vẫn thường được bảo là khi làm một việc quá lâu thì cách độ 1-2 tiếng nên đứng dậy vươn vai hay tạm nghỉ 10-15 phút chẳng hạn? Ừ thì điều đó có thể đúng khi chúng ta học tập (thực ra lúc học 30 phút đã muốn đứng dậy luôn rồi) hay làm việc, còn với chơi game á?

Không, không và không nhé! Đang giữa trận chiến, đang đánh boss, đang mải đi khám phá, làm quest hay đang tìm đường chẳng hạn, căng thẳng như thế thì ai mà nghĩ đến chuyện đứng dậy làm mấy trò vớ vẩn như vươn vai hay hít thở, đúng không? Vả lại, hầu như khi chơi game chúng ta thường bị cuốn hút đến mức ngồi chơi liền tù tì 3-4 tiếng là bình thường, gần như chả ai nghĩ đến việc tạm nghỉ khi chơi game cả.

4. Chơi game trong một căn phòng đầy đủ ánh sáng

 Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Một lời khuyên nữa liên quan đến vấn đề về mắt, chúng ta vẫn thường được khuyên là làm gì thì làm, hãy làm ở nơi có đủ ánh sáng cho đỡ hại mắt. Thường thì chuyện này vốn không có vấn đề gì lớn lắm, nhưng nếu như chúng ta chơi game trong một căn phòng tràn ngập ánh nắng mặt trời thì hệ quả là ánh sáng sẽ chiếu lên màn hình và gây lóa, ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm game, nhất là nếu như chúng ta chơi những game tăm tối kiểu như Metro hay Batman Arkham thì chỉ tổ phá hỏng cảm giác.

Kể cả nếu có chơi những game đồ họa tươi sáng như Far Cry hay Horizon Zero Dawn thì những tia nắng chiếu lên màn hình cũng gây khó chịu không kém. Hơn nữa, chúng ta thường có thiên hướng tắt hết sạch điện đóm đi và chơi game trong một căn phòng tối để có thể tập trung tối đa vào game – cũng như khi xem phim ở rạp vậy.