Facebook ngắc ngoải tại chính quê hương mình: Cứ 4 người thì có 1 người xóa hoàn toàn ứng dụng

Một sự thật đáng buồn dành cho ông vua mạng xã hội Facebook hiện nay.
Facebook ngắc ngoải tại chính quê hương mình: Cứ 4 người thì có 1 người xóa hoàn toàn ứng dụng - Ảnh 1.

Trong lúc cư dân mạng Việt Nam vẫn coi Facebook là một trong những ngôi nhà tinh thần thứ hai, nơi có thể trút bầu tâm sự với biết bao bạn bè thì tại chính quê hương Mỹ của mình, thương hiệu của Mark Zuckerberg lại đang trải qua những dấu hiệu suy thoái nghiêm trọng hơn bao giờ hết kể từ thời điểm gặp scandal lớn nhất lịch sử hồi tháng 3 vừa qua.

Cụ thể, hãng phân tích và nghiên cứu Pew Research Center đã thực hiện một cuộc điều tra số liệu tập trung từ tận tháng 5-6 trên hơn 4.500 người trưởng thành ở Mỹ.

Để rồi cuối cùng phát hiện ra rằng một bộ phận lớn trong số họ đều đang có xu hướng giảm hứng thú sử dụng Facebook, cũng như việc hạn chế hơn những quyền hạn và ưu ái cá nhân dành cho mạng xã hội này.

Trong đó: 54% đã thay đổi ngay lập tức các quyền truy cập riêng tư của mình một cách kín kẽ hơn, 42% đã "tạm dừng" không dùng Facebook trong vài tuần hoặc hơn, và 26% đã xóa hoàn toàn ứng dụng Facebook khỏi điện thoại - đồng nghĩa rằng cứ 4 người thì chắc chắn có 1 người đã dứt bỏ được cám dỗ từ app Facebook.

Facebook ngắc ngoải tại chính quê hương mình: Cứ 4 người thì có 1 người xóa hoàn toàn ứng dụng - Ảnh 2.

Được biết, kể cả khi scandal lớn trên chưa xảy ra, số liệu từ năm ngoái tại Mỹ cũng cho thấy một tín hiệu đáng lo ngại về Facebook: 64% giới trẻ (khoảng 18-29 tuổi) đã dần tự chỉnh sửa quyền hạn thông tin cá nhân, và 44% thì đã xóa ứng dụng Facebook mobile - trong khi đây là đối tượng quan trọng nhất mà Facebook hướng tới khai thác.

Facebook ngắc ngoải tại chính quê hương mình: Cứ 4 người thì có 1 người xóa hoàn toàn ứng dụng - Ảnh 3.

Mark Zuckerberg đi điều trần sau scandal vào hồi tháng 3 vừa qua.

Đây chắc chắn là hệ quả của việc Facebook để lộ dữ liệu của hàng chục triệu người dùng cho Cambridge Analytica hồi đầu năm, dẫn đến việc lòng tin của người dùng ngày một lung lay. Dù cho có nhiều biện pháp khắc phục và cập nhật mới đã được đưa ra, có vẻ như Facebook vẫn chưa thực sự hồi phục hoàn toàn danh tiếng của mình.

Tuy nhiên, điều đáng nói nằm ở chỗ vụ việc với Cambridge Analytica chỉ là một ngòi nổ mở màn, báo hiệu thêm nhiều góc khuất dần được phanh phui hoặc lục lại từ trước tới nay, chẳng hạn như vấn nạn tin giả mạo nhưng lại có sự tiếp tay và giật dây thành một chuỗi có tổ chức từ bên ngoài, hoặc các hậu quả của "truyền thông bẩn"...

Hậu quả ban đầu là phong trào #deleteFacebook nổi lên dậy sóng trong cộng đồng người dùng, kéo theo nhiều động thái theo sau.