Những câu chuyện cổ tích đôi khi không chỉ được viết ra nhờ vào trí tưởng tượng của tác giả mà dựa trên những câu chuyện có thật ngoài đời. Đơn cử như Người đẹp và quái vật được viết nên dựa trên chuyện tình yêu đau khổ có thật của một cặp đôi và tác giả chỉ thêm thắt một vài tình tiết giả tưởng. Bạch Tuyết và 7 chú lùn cũng là một ví dụ tương tự.
Chuyện cổ tích Bạch Tuyết và 7 chú lùn là tác phẩm của anh em nhà Grimm ra đời vào đầu những năm 1800 và trở thành một trong những biểu tượng văn hóa đại chúng sau khi được Disney dựng thành phim vào năm 1937. Đó là câu chuyện về nàng Bạch Tuyết bị mẹ kế hãm hại phải vào rừng sống cùng nhà với 7 chú lùn. Lúc này, Bạch Tuyết vẫn bị mẹ kế tìm đến, cho ăn quả táo độc rồi chìm vào giấc ngủ ngàn thu. Cô được đánh thức bởi nụ hôn của một chàng hoàng tử và từ đó cả hai sống hạnh phúc mãi mãi về sau.
2 người phụ nữ đó là Margaretha von Waldeck và Maria Sophia Margaretha Catharina von Erthal. Sở dĩ nói họ là nguồn cảm hứng của Bạch Tuyết và 7 chú lùn là bởi vì cuộc đời họ có nhiều sự tương đồng với những gì anh em nhà Grimm kể trong chuyện. Trong khi Margaretha đến từ một thị trấn nhỏ ở Đức thì Maria là nàng công chúa của nước Đức, sinh ra và lớn lên trong tòa lâu đài Lohr.
Margaretha sinh ra ở ngôi làng nhỏ có tên là Waldeck và chuyển đến Brussels sinh sống vào năm 17 tuổi theo yêu cầu của mẹ kế. Trong một lần tình cờ, chàng Hoàng tử Phillip II của Tây Ban Nha nhìn thấy cô gái Margaretha xinh đẹp và quyết tâm muốn cưới nàng làm vợ.
Đáng tiếc, cuộc tình của Hoàng tử và cô gái thường dân không nhận được nhiều sự ủng hộ, trong số những người phản đối có cả bố của Hoàng tử Phillip II. Năm Margaretha lên 21 tuổi, cô bất ngờ qua đời, có vẻ như là tự tử nhưng nhiều bằng chứng lịch sử cho thấy gia đình hoàng gia đã đứng sau cái chết của cô gái trẻ. Tại đây, một điểm khác với câu chuyện của nàng Bạch Tuyết là Margaretha không bị mẹ kế giết hại bởi vì thời điểm đó bà đã qua đời. Margaretha đã chết trước khi cô có thể cưới được tình yêu của đời mình là chàng hoàng tử Phillip II.
Một nhân vật được cho là truyền cảm hứng cho chuyện cổ tích Bạch Tuyết và 7 chú lùn khác là Maria, nàng công chúa sống trong lâu đài Lohr vào thế kỷ 18. Maria cũng có một người mẹ kế và người đàn bà này cũng ghen tị với sự nổi tiếng của con gái riêng của chồng. Điều này khiến cuộc đời của Maria trở nên khá khó khăn.
Mẹ kế Maria cũng sở hữu một chiếc gương thần là món quà mà bố cô dành tặng cho bà. Chiếc gương này có thể phát ra âm thanh nhưng là âm thanh được dựng sẵn chứ không hề thần kì như trong chuyện cổ tích. Món đồ này được chế tạo vào năm 1720 và hiện vẫn đang được trưng bày ở lâu đài Lohr nay đã là một bảo tàng.
Nguồn cảm hứng của 7 chú lùn
Ở quê hương của Margaretha, những đứa trẻ có hoàn cảnh khốn khó phải làm việc trong những mỏ đồng. Hầu hết chúng đều bị suy dinh dưỡng dẫn đến cơ thể còi cọc và không lớn nổi trông như người lùn. Ngoài ra, Waldeck từng có một người đàn ông bị bắt vì bán táo độc cho trẻ em. Chi tiết này khá giống với quả táo độc của mụ mẹ kế đưa cho nàng Bạch Tuyết để đầu độc cô.
Trong khi đó, nơi Maria ra đời có những mỏ than vô cùng nhỏ nằm dưới 7 ngọn núi và chỉ có người sở hữu vóc dáng nhỏ bé mới có thể tiếp cận được. Công nhân mỏ đồng ở đây là những người đàn ông thấp bé, đội chiếc nón nổi bật phòng trường hợp xảy ra bất trắc thì dễ dàng được nhận ra và ứng cứu. Chính vì vậy nên trông họ không khác gì 7 chú lùn trong bộ phim hoạt hình mà Disney sản xuất dựa trên chuyện cổ tích của anh em nhà Grimm.
Năm 1994, một học giả tên Eckhard Sander đã cho ra đời cuốn sách có tựa đề là Snow White: Is it a Fairy Tale? (tạm dịch: Bạch Tuyết: Liệu đây chỉ là một câu chuyện cổ tích?). Trong đó, ông Eckhard tin rằng câu chuyện Bạch Tuyết và 7 chú lùn đã lấy nguồn cảm hứng từ cuộc đời của Margaretha với hàng loạt những chi tiết tương đồng với cô như mẹ kế, quả táo độc, những đứa trẻ thợ mỏ. Ngoài ra, Margaretha cũng có một mái tóc vàng óng hệt như trong chuyện. Cũng chính ông Eckhard là người nói rằng Margaretha bị đầu độc, bằng chứng là chữ viết tay trong lá thư tuyệt mệnh đã chỉ ra rằng cô nàng đang run rẩy, triệu chứng gây ra bởi thuốc độc.
Tuy nhiên, tất cả những thông tin trên đều chỉ là giả thiết không được kiểm chứng. Được biết, anh em nhà Grimm đã đi khắp nước Đức để tìm hiểu các câu chuyện dân gian và viết lại chúng thành những mẩu chuyện nhỏ. Nhiều khả năng nàng Bạch Tuyết là nhân vật tổng hợp từ các mẩu chuyện của nhiều người phụ nữ chẳng hề liên quan đến nhau. Hoặc anh em nhà Grimm đã tổng hợp những câu chuyện dân gian được mọi người truyền miệng nhau để cho ra đời tác phẩm Bạch Tuyết và 7 chú lùn. Đáng tiếc hậu thế không bao giờ biết được sự thật là gì.
(Nguồn: Ranker)