Ngay từ khi hé lộ thiết kế, trụ sở mới mang tên Apple Park của "Táo khuyết" đã khiến nhiều người choáng ngợp bởi thiết kế và quy mô của nó. Nhìn vào thiết kế hình tròn bao phủ bởi kính của nó, nhiều người đã liên tưởng tới những con tàu vũ trụ. Một bí mật mới được hé lộ cho thấy tòa nhà với chi phí xây dựng lên tới 5 tỷ USD của Apple thực sự là một con tàu vũ trụ.
Theo cựu Giám đốc thiết kế Jony Ive, người vừa tuyên bố nghỉ việc tại Apple, Apple Park không thực sự được xây dựng trên bề mặt trái đất. Thay vào đó, nó nằm trên gần 700 đĩa thép không gỉ khổng lồ. Kết cấu này giúp bảo vệ nền móng của tòa nhà trước các thảm họa tự nhiên như động đất. Trong trường hợp xảy ra động đất, toàn bộ khuôn viên Apple Park có thể dịch chuyển tới 1,2 mét theo bất kỳ hướng nào trên những chiếc đĩa kể trên.
Một trong những đĩa thép không gỉ nâng đỡ nền móng của Apple Park
Trong cuộc phỏng vấn với The New York Times, Jony Ive cho biết khả năng chống động đất là một phần thiết yếu trong thiết kế của Apple Park. Ive chia sẻ đích thân sáng lập kiêm CEO quá cố Steve Jobs đã cùng với ông nghiên cứu giải pháp chống động đất cho Apple Park. Theo Ive, Jobs đã lấy cảm hứng từ giải pháp cách ly nền móng nhằm chống động đất của người Nhật.
Hiện tại, khoảng 9.000 tòa nhà tại Nhật sử dụng giải pháp cách ly nền móng. Trong khi đó, ở Mỹ chỉ có 175 tòa nhà, tính cả Apple Park.
Mô phỏng tác dụng của công nghệ chống động đất mà Apple Park đang áp dụng so với các tòa nhà thông thường
Apple Park hoàn thành vào đầu năm 2018 nhưng một số nhân viên Apple đã bắt đầu chuyển tới đây làm việc từ cuối năm 2017. Với thiết kế bao phủ bằng những tấm kính lớn cùng một nhà hát sức chứa 1.000 người, chi phí xây dựng của Apple Park khá đắt đỏ. Nó thậm chí còn có thể tự sản xuất điện bằng các tấm năng lượng mặt trời phủ kín phần mái.
Với chi phí xây dựng 5 tỷ USD và hơn 12.000 nhân viên làm việc tại đây, bao gồm cả CEO Tim Cook, chẳng có gì ngạc nhiên khi Apple muốn làm mọi cách để đảm bảo an toàn cho trụ sở mới của mình.