Mặc dù khi nhắc đến hồn ma, chúng ta thường nghĩ tới "linh hồn con người", nhưng không nhất thiết phải như vậy.
Chuyện kể rằng trong 1 ngày tháng 4 rét buốt năm 1626, nhà khoa học Francis Bacon cùng bạn mình, bác sĩ Witherbone, đang ngồi xe ngựa qua quảng trường Pond và thảo luận về cách bảo quản thực phẩm. Ngài Bacon đã nảy ra ý tưởng về việc dùng tuyết để làm lạnh (đây chính là nguyên lý đầu tiên về việc dùng nhiệt độ thấp để bảo quản thực phẩm), song ông bạn của ông thì chỉ cười nhạo sáng kiến này.
Nói thôi là chưa đủ, ngài Bacon liền nhất quyết tiến hành thử nghiệm ngay tại đó. Ông nhảy xuống xe, chạy vô ngôi nhà ở gần đó để mua 1 con gà, nhờ người ta vặt sạch lông rồi quay lại quảng trường. Ông bỏ con gà vào trong túi, đổ tuyết vào đó và thế là tạo ra con gà đông lạnh đầu tiên trên thế giới.
Bác sĩ Francis Bacon tiến hành thí nghiệm.
Tuy nhiên, đang giữa chừng của cuộc thử nghiệm này thì bị nhiễm trùng và hệ quả là ông đã bị sưng phổi. Vài ngày sau đó (09-04), ông qua đời đột ngột tại Highgate, Anh và chẳng bao giờ có dịp để tiếp tục nghiên cứu thí nghiệm của mình. Vậy còn con gà đông lạnh thì sao?
Khác với bác sĩ Francis Bacon, con gà không chịu chấp nhận số phận dễ dàng như thế. Và không lâu sau đó, người dân xung quanh bắt đầu nghe thấy tiếng kêu the thé ma quái gần quảng trường Pond. Một số người thậm chí còn nhìn thấy 1 con gà trụi lông chạy long nhong trong công viên. Chuyện này kéo dài suốt nhiều năm, nhưng mỗi khi có ai đó lại gần thì con gà lại biến đâu mất.
Lần tái xuất gần đây nhất của con gà là vào năm 1970, khi 1 cặp đôi đang... hôn nhau thì bị phá đám bởi tiếng quang quác từ công viên. Mặc dù chẳng gây hại gì, nhưng dĩ nhiên là họ rùng mình đến nổi da gà rồi. Đó là câu chuyện của người phương Tây, vậy với người Việt Nam ta thì sao?
Những câu chuyện về ma gà vốn được lưu truyền trong cộng đồng người dân tộc vùng cao (phổ biến nhất là dân tộc Tày và Nùng), thuộc vùng núi phía Bắc hay các tỉnh Tây Nguyên. Được biết đến với nhiều cái tên khác nhau như Ma Chài, Ma Ngũ Hải… nó sẽ giúp chủ nhân, tức người nuôi ma trông nhà trông của. Hễ có kẻ nào cả gan lẻn vào trộm cắp, ma gà sẽ đuổi theo bất kể hắn ẩn thân thế nào. Nhẹ thì khiến cho hắn lên cơn điên dại, nặng thì mất mạng do bị con ma ăn hết ruột gan mà chết.
Theo như người xưa kể lại, ma gà thường sẽ ám vào các cô gái xinh đẹp, như 1 lời nguyền truyền kiếp. Nếu nhà ai đã có ma gà, thì ma gà đời này chết đi sẽ có ma gà đời sau thế vào. Loại ma này vốn là loại bùa phép bí ẩn có quyền năng lớn, cách luyện cũng không quá khó nhưng vẫn nguy hiểm vô cùng. Đồn rằng, nhà nào thờ ma gà thì thường có 1 cái chum cất giấu ở một nơi rất bí mật.
Một khi đã nuôi ma, ma sẽ là "sếp tổng". Hàng tháng, người nuôi phải làm lễ dâng đồ ăn (đặc biệt là thịt gà) cho nó. Vào dịp lễ Tết, gia chủ nuôi ma buộc phải... cúng cho ma trước rồi mới đến gia tiên. Làm việc lớn như xây nhà xây cửa, dựng vợ gả chồng cũng đều phải "thưa gửi" với ma trước. Nếu nó đồng ý, mọi việc mới thuận.
Điều nguy hiểm ở đây đó là không được làm trái ý nó, nhất là không được quên cho nó ăn. Khi đói, nó sẽ làm ra những chuyện không thể tưởng tượng được. Có thể ma sẽ nhập vào ai đó trong nhà đòi ăn (và ăn rất nhiều), nghiêm trọng hơn là bắt chính chủ nhà làm thức ăn.
Chuyện kể rằng, ngày trước, có một cô gái do không biết lai lịch nhà chồng mà được gả vào gia đình có nuôi ma gà. Hôm đó, cô dậy sớm quét dọn nhà cửa thì thấy có 1 chiếc chum ở góc nhà. Do tò mò, cô nhẹ nhàng mở nắp ra thì thấy giòi bọ nhung nhúc, kinh dị vô cùng. Quá ghê sợ, cô liền lấy nước sôi dội ào vào đấy để giết chúng. Nhưng khi lũ giòi chết, cả nhà chồng cô cũng chết theo nó.