Rõ ràng, việc chửi thề được coi là một hành vi không đẹp ở nhiều nơi – như phiên tòa, trường học, và nơi công sở. Nhưng theo một nghiên cứu mới phân tích về hành vi này và tính thẳng thắng thì những người hay “thô tục” lại có vẻ đáng tin cậy hơn.
Báo cáo của nghiên cứu cho biết: “Những bằng chứng xác thực thu được qua các nghiên cứu cho thấy mối quan hệ tích cực giữa hành vi báng bổ với sự trung thực là rất rõ rệt”.
Gilad Feldman từ đại học Maastricht (Hà Lan) đã chỉ đạo một nhóm nghiên cứu giải quyết một sự mâu thuẫn mang tính xã hội, đó là mối quan hệ giữa việc chửi thề và sự thẳng thắn.
Một mặt, hành vi chửi thề là một điều cấm kỵ và những người hay chửi thề nhiều khả năng sẽ phá vỡ các chuẩn mực xã hội khác, trong đó gồm có hành vi dối trá – và vì thế việc chửi thề được cho là có liên quan đến sự suy đồi về đạo đức.
Mặt khác, những câu chửi thề lại có liên hệ tích cực với sự thẳng thắn trong một số tình huống cụ thể – chẳng hạn, những người bị vu cáo về những việc xấu mình không làm thường có khuynh hướng chửi thề trong quá trình thẩm vấn hơn so với những người phạm tội và chối tội.
Trong một nỗ lực giải quyết cuộc tranh cãi này, các nhà nghiên cứu trước hết đã tìm hiểu về hành vi chửi thề bằng cách yêu cầu 276 người đưa ra tần suất chửi thề của mình, lập danh sách những từ mình hay dùng để chửi, và giải thích họ có cảm xúc như thế nào khi chửi thề (giận dữ, xấu hổ, hay lo lắng).
Sau đó, những người này được hỏi về tính trung thực của mình và phải đánh giá tính trung thực của bản thân bằng bảng câu hỏi Eysenck – mô hình tâm lý cơ bản được tạo ra năm 1985. Kết quả cho thấy, theo mô hình Eysenck, những ai hay khẳng định chắc chắn (VD: khẳng định họ luôn làm những gì mình đã nói là sẽ làm) thì thường là những kẻ nói dối.
Tiếp đó, các nhà nghiên cứu phân tích khoảng 70.000 tương tác trên mạng xã hội giữa những người tham gia ở các nước khác nhau, đánh giá tần suất những từ chửi thề trong các status so với thông số khác về sự trung thực. Kết quả cho thấy hành vi chửi thề và sự trung thực có mối liên hệ cực kỳ chặt chẽ, và những người sử dụng nhiều từ chửi thề hơn thường trung thực hơn trong các status trên Facebook của mình.
Cuối cùng, các nhà nghiên cứu phân tích hành vi chửi thề ở cấp độ xã hội.
Họ xem xét các phân tích đồng nhất năm 2012 ở 48 bang trên nước Mỹ, rồi so sánh với điểm số chửi thề của người dân ở mỗi bang trong nghiên cứu về Facebook của mình (29.701 người tham gia). Kết quả cho thấy có một sự tương quan rõ rệt giữa việc chửi thề thường xuyên của người dân với điểm số của bang.
“Chúng tôi dự định sẽ tìm được câu trả cho các tranh cãi về mối liên hệ giữa hành vi chửi thề và sự trung thực“, các nhà nghiên cứu cho biết. “Trong 3 nghiên cứu cả ở cấp độ cá nhân lẫn cấp độ xã hội, chúng tôi đều thấy tần suất chửi thề cao có liên quan mật thiết với sự trung thực”.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cảnh báo mọi người rằng không phải cứ ai hay chửi thề cũng là người trung thực về mọi khía cạnh. Sự dối trá trong nghiên cứu chỉ giới hạn ở việc “tạo ra nhận thức sai lầm về một thực tế” chứ không đề cập đến tư cách đạo đức thực sự. Vì thế, những người liên tục chửi thề vẫn có thể phạm phải những sai lầm nghiêm trọng về đạo đức – có điều khi lên mạng thì họ không giả vờ mà thôi.