Khi nhắc đến những trang truyện tranh tuổi thơ, người ta thường nghĩ ngay đến Doraemon hay Dragonballs - 7 viên ngọc rồng, Conan,… Đó rõ ràng là một phần tuổi thơ của bao thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam và cả thế giới. Nhưng có một đầu truyện khác mà khi nhắc đến sẽ khiến nhiều người phải bồi hồi, đó chính là Lucky Luke, chàng cao bồi bắn nhanh hơn chính cái bóng của mình. Lucky Luke thật sự đã trở thành huyền thoại trong tim rất nhiều thế hệ, nhưng tiếc thay ngày nay người ta đã bắt đầu quên dần đi sự tồn tại của anh chàng rồi!
Lucky Luke là chàng cao bồi, nhân vật chính trong bộ truyện tranh cùng tên do họa sĩ người Bỉ Morris sáng tác từ năm 1946. Những truyện Lucky Luke đầu tiên được in trên báo Spirou, tiếp đó là Pilote, trước khi được phát hành dưới dạng tập truyện tranh. Lucky Luke thành công rực rỡ trong khoảng 1957 đến 1977 với sự tham gia viết kịch bản của René Goscinny. Ở Việt Nam, Lucky Luke được dịch và phát hành bởi Nhà xuất bản Trẻ.
Với cái tài "bắn nhanh hơn cái bóng của mình", Lucky Luke rong ruổi khắp miền Tây để bảo vệ cho công lý và lẽ phải. Đồng hành với anh luôn là Jolly Jumper, được mệnh danh là chú ngựa chạy nhanh nhất miền Viễn Tây. Cặp bài trùng Lucky Luke cùng Jolly Jumper đã gây không ít tràng cười cho độc giả với tính cách hài hước và dí dỏm của mình.
Ngoài ra, trong truyện còn có một nhân vật cũng được các fan yêu thích, đó chính là Rantanplan - Chú chó ngốc hơn chính cái bóng của mình. Đây cũng là một cây hài ăn tiền của truyện Lucky Luke. Rantanplan là một chú chó của trại giam, và được giao cho nhiệm vụ canh giữ anh em Dalton - phản diện chính của bộ truyện.
Bổi cảnh chính của Lucky Luke là miền Tây nước Mỹ cuối thế kỷ 19. Cũng có khi xuất hiện những cảnh ở bờ Đông và cả bên ngoài nước Mỹ như Canada và México. Giống như các bộ phim cao bồi, hình ảnh thường thấy trong Lucky Luke là những đồng cỏ, các thị trấn, quán rượu, các chuyến xe lửa... và nhà tù, nơi trú ngụ thường xuyên của anh em nhà Dalton.
Tuy nói về miền Tây, nhưng Lucky Luke rất ít bạo lực. Các sự kiện được thể hiện một cách hài hước theo kiểu truyện tranh. Ví dụ như kết thúc vụ đấu súng O.K Corral mà không có ai chết hay bị thương. Tên cướp Billy the Kid cũng chỉ bị Lucky Luke phạt đánh vào mông và tiếp tục xuất hiện trong những tập khác.
Hình ảnh 4 anh em nhà Dalton, chú chó Rantanplan cùng với cặp bài trùng Lucky Luke xuất hiện trên những trang truyện tranh màu thật sự đã đi vào tiềm thức của biết bao thế hệ tuổi trẻ Việt Nam. Những ký ức ấy thật sự khó quên và luôn khiến bất cứ ai phải bồi hồi khi chợt nhớ về. Tuy nhiên, thật đáng tiếc khi những hình ảnh ấy đang dần trôi vào quên lãng. Giờ mà đi hỏi những ai thuộc thế hệ 8x về cái tên Lucky Luke thì chắc cũng chỉ nhận về một câu trả lời: "A! Hồi đó mình có đọc truyện này nè. Lâu rồi không thấy ai nhắc nữa nhỉ!"
Có thể nói vào thời điểm lúc tựa truyện Lucky Luke được phát hành ở Việt Nam cũng là lúc mô típ hình tượng anh hùng cao bồi đang dần suy thoái. Ấy vậy mà Lucky Luke lại có một sự thành công rực rỡ tại Việt Nam. Một phần có lẽ vì những nét vẽ dí dỏm của tác giả,kết hợp cùng những câu truyện, hình ảnh đậm chất miền Viễn Tây nước Mỹ đã gợi nên trí tò mò của bao thanh niên Việt Nam. Đó là sự tài tình mà biên kịch và tác giả Lucky Luke mang lại.
Chúng ta có thể vô tình đánh mất đi một phần kỷ niệm của tuổi thơ, nhưng hãy cứ để nó đi vào tiềm thức của mỗi người. Để mỗi khi nhắc lại, nó sẽ lại gợi nhớ cho chúng ta về một thời cắp sách đến trường mà trong chiếc cặp lúc nào cũng có sự hiện diện của anh chàng cao bồi Lucky Luke.
Để rồi mỗi khi cầm trên tay những trang truyện ấy, chúng ta sẽ lại nhớ đên cái cảm giác mong chờ một hình ảnh quen thuộc luôn xuất hiện ở trang cuối. Đó chính là hình ảnh chàng cao bồi cô đơn với chiếc mũ trắng cùng áo gile đen đi về phía cuối chân trời, và cất lên bài ca: Tôi là gã cao bồi nghèo đơn độc, rong ruổi trên đường dài xa quê hương, mà đường về nhà còn xa. Một bài hát thấm đượm nỗi đơn độc!