Theo thông tin được công bố Trung tâm Nghiên cứu Vật thể gần Trái Đất (CNEOS), các thiên thạch này được xếp vào nhóm thiên thạch cỡ nhỏ, với đường kính trung bình khoảng 20m.
Cụ thể, vào ngày 7/12 vừa qua, thiên thạch có tên gọi 2020 XB1 với đường kính hơn 21m đã tiếp cận Trái đất ở khoảng cách 3,1 triệu km. Đây được coi là khoảng cách "gần" theo tiêu chuẩn ở lĩnh vực thiên văn. Vào hôm qua (8/12), hai thiên thạch có tên gọi là 2018 PK21 và 2020 WK3 cũng đã được phát hiện bay qua cách Trái đất khoảng 4,6 triệu km và 3,8 triệu km.
Trong khi đó, sẽ có thêm 2 thiên thạch nữa bay ngang qua Trái đất vào ngày hôm nay (9/12) và 11/12. Cụ thể, thiên thạch 2020 XD với đường kính ước tinh là 26 m (xấp xỉ đài Khải Hoàn Môn ở Paris) sẽ tiếp cận hành tinh chúng ta ở khoảng cách 4,8 triệu km. Cuối cùng, vào ngày 11/12, thiên thạch 2020 VC7 có đường kính tương đương với tháp nghiêng Pisa ở Ý ( 55m) sẽ bay ngang qua Trái Đất ở khoảng cách 5,6 triệu km.
Nhìn chung, do khoảng cách tiếp cận khá xa và đường kính nhỏ, các thiên thạch này đều không có khả năng gây ra thiệt hại nếu chúng lao vào bầu khí quyển.
Từ cuối thế kỷ 20, NASA đã khởi động Chương trình quan sát Vật thể gần Trái đất nhằm tìm kiếm và theo dõi sự chuyển động của các vật thể có quỹ đạo di chuyển gần Trái đất. Tổng cộng, NASA đã phát hiện và phân loại khoảng 25.000 vật thể ở gần trái đất (NEO). Tuy nhiên, không phải lúc nào cơ quan này cũng theo dõi và cảnh báo kịp thời các thiên thạch có khả năng gây ra thiệt hại.
Vào ngày 13/11, một thiên thạch cỡ nhỏ có tên 2020 VT4 đã bay sượt qua Trái Đất ở khoảng cách chỉ 386 km,, nhưng không hề được bất kỳ cơ quan hàng không vũ trụ nào phát hiện vào thời điểm đó. Khoảng cách này gần hơn cả Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS hay mạng lưới vệ tinh Internet Starlink của SpaceX.
Đặc biệt, 2020 VT4 cũng chính là thiên thạch tiếp cận gần với Trái Đất nhất từ trước đến nay, gần hơn rất nhiều so với kỷ lục 2.950m mà thiên thạch 2020 QC từng thiết lập vào ngày 16/8. Khoảng 15 tiếng sau khi bay qua Trái Đất, thiên thạch này mới được quan sát bởi Hệ thống Cảnh báo Cuối cùng về Va chạm giữa Trái Đất và Tiểu hành tinh (Atlas) vào sáng sớm ngày thứ Bảy, 14 tháng 11.
Vào tháng 2/2013, một thiên thạch có đường kính chỉ 18m đã phát nổ trên bầu trời thành phố Chelyabinsk (Nga), gây ra thiệt hại đáng kể. Theo ước tính, năng lượng sinh ra từ vụ nổ thiên thạch ở Chelyabinsk gấp 33 lần năng lượng từ quả bom nguyên tử dội xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản.
Đã có khoảng 1.491 người dân thành phố Chelyabinsk bị thương trong vụ việc, chủ yếu do kính vỡ bởi tác động của sóng xung kích phóng thích từ vụ nổ, hoặc bị bỏng da bởi luồng ánh sáng chói lóa có cường độ gấp 30 lần ánh sáng mặt trời. Ít nhất 112 người phải nhập viện và 2 trường hợp bị tổn thương nghiêm trọng.
Tham khảo Russia Today