Ấy vậy mà mới đây, Netflix đã khiến nhiều wibu cảm thấy bức xúc thậm chí là muốn quay lưng lại với nền tảng phim lớn này chỉ vì dự án anime ngắn dài 3 phút mang tên Dog & The Boy, được sản xuất bởi Wit studio. Chuyện sẽ không có gì to tát cho tới khi Wit studio cũng như Netflix đã quyết định sử dụng công nghệ AI để tạo ra background xuyên suốt cả bộ anime này. Bên cạnh những lời khen về background của bộ phim thì đa số cư dân mạng đều lên tiếng chỉ trích Netflix vì đã dùng trí tuệ nhân tạo thay vì thuê hoạ sĩ thật cho dự án.
Để xoa dịu người hâm mộ, Wit studio cho biết họ vẫn sử dụng các hoạ sĩ vẽ tranh để lên ý tưởng và phác họa bố cục thô cho background. Tuy nhiên, lời giải thích ấy chỉ khiến mọi người càng thêm gay gắt với dự án này hơn bởi trong phần credit, Netflix không hề để tên bất kì hoạ sĩ nào tham gia vào dự án hỗ trợ cho AI mà chỉ ghi 1 cách sơ sài là “+ human”. Chính vì vậy đã khiến nhiều khán giả cho rằng, Netflix đang xem thường công sức của những người hoạ sĩ chân chính, những người đã dành thời gian và công sức cho tác phẩm của mình.
Ngoài ra khi công bố dự án, Netflix đã khẳng định đây là 1 nỗ lực thử nghiệm nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động cho ngành công nghiệp Anime. Thế nhưng, đa số mọi người đều không hài lòng với câu trả lời này của Netflix và cho rằng họ chỉ đang cố tìm cách để không phải bỏ tiền ra cho những người hoạ sĩ. Sau sự việc xảy ra, nhiều Khán giả đã liên tục tuyên bố trên Twitter rằng họ sẽ không xem cũng như không ủng hộ dự án mới này của Netflix.
Điều khiến các hoạ sĩ cũng như những người yêu thích anime trở nên phẫn nộ như vậy là bởi vì thực trạng ngành công nghiệp sản xuất anime hiện nay đang là một trong những ngành công nghiệp có xu hướng tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây. Hiệp hội hoạt hình Nhật Bản AJA cho biết, ngành công nghiệp này đã đạt mức tăng trưởng 13% từ năm 2021 đến năm 2022 và có tổng doanh thu cán mốc là 20,6 tỷ USD. Chứng tỏ anime sẽ là một thị trường béo bở cho các nền tảng như Netflix hoặc Disney. Tuy nhiên, trái ngược với những con số hào nhoáng ở trên, ngành công nghiệp này cũng có những mặt trái tiêu cực, đó là lạm dụng lao động và trả lương rất thấp cho nhân viên và những người họa sĩ.
Sự phát triển chóng mặt của anime đòi hỏi nhân lực cho ngành này phải đạt được khối lượng công việc khổng lồ trong một khoảng thời gian ngắn để có thể thỏa mãn nhu cầu của người xem. Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất phim, họ còn phải sản xuất thêm nhiều sản phẩm liên quan khác như quà tặng, móc khoá hay những món đồ có liên quan tới các nhân vật anime khiến khối lượng công việc trở nên nhiều thêm. Theo khảo sát của cơ quan an toàn và sức khỏe nghề nghiệp Hàn Quốc, hơn 300 hoạ sĩ webtoon tại Hàn Quốc đã gặp vấn đề về thể chất, tâm lý và tinh thần do làm việc quá tải. Dẫu công việc chồng chất, thế nhưng số tiền mà các họa sĩ anime nhận được cho tác phẩm của mình lại khá thấp so với công sức mà họ đã bỏ ra. Theo hiệp hội hoạt hình Nhật Bản AJA, vào năm 2021, hoạ sĩ anime sẽ nhận được mức lương thấp nhất là 200 USD 1 tháng. Đối với những họa sĩ hạng Top, mức lương cũng chỉ có thể đạt từ 1400 đến 3800 USD 1 tháng. So sánh với những con số 20,6 tỷ USD khổng lồ ở trên thì số tiền mà các hãng phim bỏ ra cho hoạ sĩ thật quá bèo bọt.
Không chỉ vậy, khi có sự giúp đỡ của AI, nhà sản xuất anime giảm bớt được phần nào gánh nặng công việc khi mà chỉ với một vài thao tác đơn giản là đã có thể dễ dàng chuyển đổi hình ảnh manga sang anime, hay nâng cao độ phân giải cho video một cách nhanh chóng mà vẫn đảm bảo được chất lượng cũng như thời gian, mức giá thì lại rất hợp lý. Ngoài ra, AI cũng đem đến nhiều lợi ích cho các fan anime đó là nó có thể đẩy nhanh quá trình làm ra anime cũng như tiết kiệm chi phí. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất có thể tạo ra nhiều anime hơn và những manga không quá nổi tiếng cũng sẽ có nhiều cơ hội được chuyển thể thành phim hơn, từ đó người xem có thể có nhiều lựa chọn để thỏa mãn nhu cầu của mình.
Chính vì sự tiện lợi và hoàn thành công việc một cách nhanh chóng cũng như mức giá phải bỏ ra quá hợp lý như vậy, nên các công ty lại muốn sản xuất ra nhiều anime hơn dẫn tới nhân lực phải làm việc cật lực hơn để hoàn thành nhiều dự án với deadline khó thở, lương của họa sĩ và nhân viên thì vốn đã thấp mà giờ đây lại trở nên bấp bênh hơn nữa bởi không còn ai muốn bỏ tiền ra để thuê họa sĩ khi mà đã có AI lo liệu tất cả. Vì vậy, cứ tưởng sự ra đời của AI sẽ giúp các họa sĩ và nhà sản xuất đỡ phần nào công việc, nhưng ngược lại chính sự tiện lợi này mới khiến họ càng trở nên áp lực hơn.
Về mặt tích cực, AI phần nào có thể giảm thiểu khối lượng công việc cho các nhà sản xuất anime, giúp việc sản xuất anime trở nên dễ thở hơn và chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích mà AI mang lại. Tuy nhiên, chính vì điều đó mà nhiều nhà sản xuất và những người xem anime lại không hề ủng hộ việc sử dụng AI bởi nó đang dần khiến cho những người họa sĩ chân chính bị mất đi công việc mưu sinh của mình. Nghiêm trọng hơn là AI đang được xem là vi phạm bản quyền sở hữu của những người nghệ sĩ này. Hầu hết các bức vẽ được tạo ra từ AI đều dựa vào tranh ảnh có sẵn từ các hệ thống lớn có bộ sưu tập tranh khổng lồ tới từ các họa sĩ khác nhau nhưng lại không hề trả cho họ một đồng nào khi sử dụng chất xám và sự sáng tạo của họ. Vào tháng 1 vừa qua, 1 nhóm họa sĩ đã kiện các hệ thống AI vì vi phạm bản quyền sở hữu của họ. Tuy nhiên, do không có bằng chứng cụ thể nên rất khó để các hoạ sĩ có thể khởi kiện thành công.
Không chỉ vậy, nhiều fan anime/manga cho rằng, AI tuy tạo ra được nhiều bức tranh đẹp một cách nhanh chóng nhưng vẫn không thể thay thế và đẹp bằng những nét vẽ truyền thống đầy độc đáo và sáng tạo của người họa sĩ. Nếu AI thực sự thay thế hoàn toàn những người họa sĩ trong ngành anime thì việc bị bào mòn trong lối tư duy sáng tạo sẽ thật sự xảy ra. Những bộ anime có nét vẽ đặc trưng, độc đáo đánh dấu cho tên tuổi của tác giả bộ anime ấy sẽ không còn mà thay vào đó là những nét vẽ trông rất giống nhau dễ gây nhàm chán cho người xem trong một thời gian dài.
Có thể nói, trong những năm gần đây, AI đang ngày càng phát triển và trở nên ưu việt hơn. Từ một công cụ hỗ trợ, trí tuệ nhân tạo đang dần cạnh tranh với con người trong nhiều lĩnh vực nói chung và anime nói riêng. Nhưng AI vẫn không thể thay thế hoàn toàn con người được. Bởi nếu điều đó thật sự xảy ra sẽ dễ gây suy thoái dân số nhân loại. AI càng phát triển đồng nghĩa nhiều người sẽ bị thất nghiệp, nền kinh tế trở nên khó khăn hơn và không còn ai muốn lập gia đình và sinh con nữa chỉ để có thể giảm tải áp lực kinh tế cho bản thân. Từ đó, không chỉ bị suy thoái trong lối tư duy và sáng tạo, mà ngay cả dân số cũng bị giảm nhanh. Vì vậy, việc dân tình wibu bức xúc và phản ứng gay gắt với Dog & The Boy của Netflix chỉ vì sử dụng AI xuyên suốt cả bộ phim là điều dễ hiểu. Bởi AI chỉ nên là công cụ hỗ trợ chứ không nên dùng nó để thay thế cho con người, đặc biệt là trong những ngành cần sáng tạo như anime.