Trong một năm ngành ô tô thế giới u ám khi nhu cầu mua xe mới và đi lại sụt giảm trầm trọng, Tesla nổi lên như một điểm sáng khi vươn lên trở thành nhà sản xuất ô tô có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới, vượt qua hàng loạt các ông lớn như Toyota, GM hay Volkswagen. Mức độ tăng giá như tên lửa của cổ phiếu Tesla đã khiến CEO Elon Musk có lúc vươn lên trở thành người giàu nhất thế giới vài ngày trước.
Nhưng không chỉ giá trị vốn hóa, cổ phiếu Tesla còn làm người ta kinh ngạc bởi một chỉ số quan trọng khác: tỷ số Giá trên Thu nhập (P/E hay Price-to-Earnings). Chỉ số này cho thấy thời gian nhà đầu tư sẽ hòa vốn khi mua cổ phiếu của công ty (thường tính bằng năm) nếu lợi nhuận không đổi – hay nói cách khác, nó cũng là số năm công ty cần có được mức thu nhập bằng với giá trị vốn hóa.
Với trường hợp của Tesla, theo ước tính của các nhà phân tích, chỉ số P/E của công ty đang ở mức 1.674,2 – nghĩa là nếu lợi nhuận hàng năm của công ty không thay đổi, Tesla sẽ phải hoạt động trong hơn 1.600 năm mới đạt đến mức giá trị vốn hóa hiện tại.
Nói cách khác, hiện tại, nếu nhà đầu tư nào mua cổ phiếu của Tesla với hy vọng được hưởng lợi tức từ khoản đầu tư của mình, họ sẽ phải chờ hơn 1.600 năm mới có thể hoàn vốn với mức lợi nhuận hiện tại của Tesla.
Không lạ khi nhìn vào các kết quả kinh doanh hiện tại của Tesla. Trong quý 3 vừa qua, (từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2020), doanh thu của Tesla đạt 8,8 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Dù lợi nhuận ròng tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, công ty cũng chỉ đạt mức 331 triệu USD, xấp xỉ 3% trên tổng doanh thu cả quý. Mức lợi nhuận này không mấy hấp dẫn, nhưng đây vẫn là quý có kết quả kinh doanh tốt kỷ lục của Tesla trong nhiều năm nay.
Đây cũng là lý do các nhà phân tích ước tính có thể mất đến hàng nghìn năm để hoàn vốn đầu tư đối với cổ phiếu Tesla.
Nhưng điều gì khiến cổ phiếu Tesla lại có mức giá cao đến như vậy dù doanh thu và lợi nhuận thấp? Trên thực tế giá trị cổ phiếu không hoàn toàn phản ánh kết quả kinh doanh hiện tại của công ty, nó phản ánh kỳ vọng của người mua vào công ty trong tương lai.
Cho dù mới chỉ sản xuất được gần 500.000 xe trong năm 2020 – kém xa so với các nhà sản xuất ô tô truyền thống – nhưng tốc độ tăng trưởng của Tesla, cả về doanh thu và lợi nhuận trong năm 2020 đều đang ở mức 2 con số, đây là điều các hãng ô tô truyền thống không thể làm được. Với việc Tesla đang dẫn đầu thị phần xe điện thế giới, các nhà đầu tư càng kỳ vọng cao hơn vào cổ phiếu này.
Hơn nữa, theo phân tích trên trang Newstatesman, một yếu tố khác thúc đẩy đà tăng giá điên cuồng của cổ phiếu Tesla là sự xuất hiện của các ứng dụng giao dịch cổ phiếu trực tuyến. Trong thời gian đại dịch, các ứng dụng này giúp người dùng dễ dàng mở tài khoản và giao dịch ngay cả khi không được ra khỏi nhà.
Và một trong những cổ phiếu được lựa chọn nhiều nhất chính là Tesla. Sự nổi tiếng của ông Musk, sự ưa chuộng của người dùng trẻ với một thương hiệu xe mang đậm tính công nghệ, cũng như mức độ giao dịch dễ dàng trên ứng dụng, … các yếu tố này đang làm giá cổ phiếu của Tesla tăng với tốc độ tên lửa từ khi đại dịch lan rộđến nay.
Nhưng với nhiều người, tham gia vào cổ phiếu Tesla giống như một canh bạc mà ngay đến CEO Elon Musk cũng không biết chính xác mức giá của nó là bao nhiêu. Vào giữa năm, chính ông Musk cũng từng đăng dòng tweet nói rằng, cổ phiếu Tesla đang quá cao. Nó lập tức thổi bay 14 tỷ USD giá trị vốn hóa của công ty nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, nó nhanh chóng quay lại mức giá cao này và thậm chí còn tăng cao hơn nữa.
Tham khảo Jalopnik