Trái Đất là một hành tinh đẹp trong hệ mặt trời và hiện tại nó là hành tinh duy nhất tồn tại một lượng nước khá lớn trên bề mặt của hành tinh. Nước trên bề mặt Trái Đất đã kết hợp với nhau tạo thành những đại dương rộng lớn. Bề mặt trái đất có thể được chia thành hai phần, biển cả và đất liền, do đó hình thành hai hệ sinh thái chính: hệ sinh thái biển và hệ sinh thái trên cạn.
Tổng diện tích bề mặt Trái Đất là khoảng 510 triệu km2, trong đó diện tích đại dương chiếm phần lớn. Tổng diện tích của các đại dương trên trái đất là khoảng 361 triệu km2, chiếm 71% tổng diện tích bề mặt Trái Đất, trong đó tổng diện tích đất liền chỉ là 149 triệu km2, chiếm khoảng 29% tổng diện tích hành tinh của chúng ta.
Nếu tỷ lệ diện tích đất liền và đại dương của Trái Đất bị đảo ngược, nghĩa là diện tích đất sẽ tăng lên 361 triệu km2 và diện tích đại dương sẽ co lại thành 149 triệu km2, thì môi trường địa lý của Trái Đất chắc chắn sẽ có sự thay đổi đáng kể.
Nếu tổng lượng nước trong các đại dương trên Trái Đất vẫn giữ nguyên như hiện tại thì chắc chắn rằng độ sâu trung bình của đại dương sẽ tăng lên rất nhiều do sự thu hẹp về diện tích bề mặt.
Hiện tại, độ sâu trung bình của đại dương trong khu vực là khoảng 3795 mét. Nếu diện tích bề mặt của đại dương giảm, độ sâu trung bình của đại dương sẽ vào khoảng 9194 mét, có nghĩa là độ sâu của nhiều đáy đại dương sẽ còn sâu hơn cả độ sâu trung bình của rãnh Mariana hiện tại. Và hiển nhiên việc khám phá và nghiên cứu về đáy đại dương của con người sẽ gặp thêm rất nhiều khó khăn so với hiện tại.
Rãnh Mariana, còn gọi là vực Mariana hay vũng Mariana, là rãnh đại dương sâu nhất đã biết, và điểm sâu nhất của nó là nơi sâu nhất trong lớp vỏ Trái Đất. Nó nằm trên phần đáy của khu vực tây bắc Thái Bình Dương, về phía đông quần đảo Mariana. Điểm sâu nhất có tọa độ 11°21' Bắc và 142°12' Đông. Rãnh Mariana kéo dài tới gần Nhật Bản. Rãnh này là ranh giới nơi hai mảng kiến tạo gặp nhau, là khu vực lún xuống ở đó mảng Thái Bình Dương bị lún xuống dưới mảng Philippines. Rãnh có chiều dài khoảng 2.550 km nhưng chiều rộng trung bình chỉ vào khoảng 69 km. Phần đáy của rãnh này thấp dưới mực nước biển một khoảng cách lớn hơn nhiều khi so với đỉnh Everest ở trên mực nước biển. Độ sâu tối đa của rãnh này là 11.034 mét dưới mực nước biển theo phép đo gần đây nhất. Khi tính đến vĩ độ của rãnh Mariana và sự lồi ra ở khu vực xích đạo của Trái Đất thì rãnh Mariana nằm ở khoảng cách 6.366,4 km tính từ tâm Trái Đất. Bắc Băng Dương, có độ sâu chỉ khoảng 4-4,5 km, nhưng tính từ đáy thì Bắc Băng Dương lại ở khoảng cách chỉ xấp xỉ 6.352,8 km từ tâm Trái Đất, tức gần tâm Trái Đất hơn so với điểm sâu nhất của rãnh Mariana 13,6 km.
Diện tích bề mặt đất liền của Trái Đất được mở rộng cũng đồng nghĩa với việc diện tích của tất cả các quốc gia trên thế giới cũng được mở rộng theo quy mô lớn hơn, diện tích đất của mỗi quốc gia có thể được mở rộng gấp 2,4 lần. Ví dụ, diện tích đất hiện tại của Nga là 17,09 triệu km2 và mở rộng 2,4 lần đã trở thành 41,06 triệu km2.
Khi diện tích đại dương trở nên nhỏ hơn và diện tích đất liền trở nên lớn hơn, ước tính số lượng các quốc gia ven biển sẽ giảm, trong khi số lượng các quốc gia không giáp biển sẽ tăng lên, và tổng chiều dài của bờ biển toàn cầu có thể sẽ ngắn hơn.
Nước mặn bao phủ một diện tích khoảng 360.000.000 km2 và thường được chia thành một số đại dương chính và những biển nhỏ hơn, trong đó đại dương chiếm khoảng 71% bề mặt và 90% sinh quyển. 97% lượng nước trên Trái Đất thuộc về đại dương và các nhà hải dương học đã phát biểu rằng hơn 95% đại dương thế giới chưa được khám phá. Tổng dung tích đại dương vào khoảng 1,35 tỷ km khối với độ sâu trung bình gần 3.700 m.
Từ góc độ địa lý tự nhiên, do diện tích đại dương giảm, lượng hơi nước bốc hơi vào khí quyển do ảnh hưởng của bức xạ mặt trời sẽ giảm và tổng lượng nước trong khí quyển cũng từ đó mà giảm theo, do đó tổng lượng mưa toàn cầu sẽ giảm.
Đồng nghĩa với điều đó là sẽ có nhiều khu vực trên thế giới nằm trong đất liền sẽ sở hữu khí hậu gần như tương tự với khu vực Trung Á ngày này - vùng nội địa cách xa biển và lượng mưa thưa thớt.
Do diện tích đất liền rất lớn, số lượng các khu vực nội địa sâu sẽ tăng lên rất nhiều. Hầu như không thể có hơi nước đại dương ở những khu vực nội địa này. Bề mặt của vùng đất sẽ bị chi phối bởi các vành đai tự nhiên sa mạc. Bởi vậy diện tích đất liền tăng lên như vậy thì cũng không hẳn là điều đáng mừng bởi sẽ có nhiều vùng đất bị sa mạc hóa và không đủ điều kiện cho con người sinh sống.
Sa mạc hóa là hiện tượng suy thoái đất đai ở những vùng khô cằn, gây ra bởi sinh hoạt con người và biến đổi khí hậu. Khuynh hướng sa mạc hóa gần đây đã tăng nhanh trên toàn thế giới phần vì áp lực dân số và nhu cầu trồng trọt và chăn nuôi. Ảnh hưởng lớn nhất của nạn sa mạc hóa là nét đa dạng sinh thái bị suy giảm và năng suất đất đai cũng kém đi.