Chỉ vài chục năm trước, khi bạn hỏi câu này, có thể người dân tại nhiều nơi trên thế giới sẽ hỏi ngược lại bạn rằng giấy vệ sinh là gì? Tại Trung Quốc, việc sử dụng phổ biến giấy vệ sinh để lau mông xảy ra sau những năm 1980 và nó chỉ giới hạn ở các thành phố, ở hầu hết các vùng nông thôn, người ta sẽ dùng giấy báo, giấy sách bỏ đi... Tuy nhiên, câu hỏi ở đây là thời cổ đại không có giấy vệ sinh, người xưa giải quyết vấn đề này như thế nào?
Trên thực tế, theo nhiều ghi chép để lại thì thời Trung Quốc cổ đại người ta thường dùng thẻ tre hoặc vụn gỗ để giải quyết vấn đề này sau mỗi lần đi vệ sinh và theo nhiều thông tin không chính thống khác thì người ta còn dùng lá cây, đá, đất...
Trong suốt thời kỳ Hy Lạp - La Mã từ năm 332 trước Công nguyên đến năm 642 sau Công nguyên, người Hy Lạp và La Mã đã sử dụng một thứ gọi là Xylospongium - một thanh gỗ được buộc một miếng bọt biển để lau mông. Người ta thường tin rằng loại công cụ này được đặt trong nhà vệ sinh công cộng.
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng Xylospongium không được dùng để lau mông mà dùng để lau bồn cầu, tương tự như chổi vệ sinh hiện nay. Ngoài ra còn có nhiều ghi chép cho rằng người Hy Lạp và La Mã sử dụng một loại gốm gọi là Pessoi để lau mông, miếng gốm này thường có hình tròn hoặc hình bầu dục. Vật dụng cá nhân này đôi khi còn được họ khắc tên kẻ thù lên đó.
Còn tại khu vực Trung Đông người ta dùng chính đôi bàn tay của mình để hứng nước và giải quyết vấn đề, trong khi đó Nhật Bản cổ đại người ta thường dùng những que gỗ... Mãi tới năm 1857, những mẫu giấy vệ sinh đầu tiên được ra đời thì nó mới dần phổ biến như ngày nay.