Và đương nhiên, trong những công cuộc hay các dự án chuyển thể manga thành anime, hay là remake lại 1 bộ anime nào đó cho phù hợp với thuần phong mỹ tục ở 1 quốc gia nào đó cũng đều sẽ có drama khiến người ngoài cuộc như chúng ta cũng phải dở khóc dở cười khi biết đến. Vậy đó là những drama nào? Và nó có thú vị không? Cùng mình tìm hiểu nhé!
Sốc nặng trước bản remake Sailor Moon của Mỹ
Đầu những năm 90, trào lưu văn hóa Nhật và anime cũng như các bộ Super Sentai bắt đầu được du nhập ồ ạt vào Mỹ với hàng loạt các tác phẩm được phụ đề hoặc lồng tiếng để cho khán giả nơi đó dễ theo dõi. Thậm chí, những bộ Super Sentai còn được remake lại với dàn diễn viên cùng với bối cảnh Mỹ nhằm tạo ra cảm giác gần gũi, thân thuộc với người bản địa như Power Ranger. Giống như bao anh chị em của mình, Sailor Moon cũng được chào đón nồng nhiệt ở Mỹ và trở thành một cơn sốt nóng hổi tại đất nước tự do ấy vì có cốt truyện nói tới hình tượng nữ anh hùng kiên cường, dũng cảm – thứ đang vắng bóng ở các bộ phim hoạt hình Mỹ.
Tuy nhiên, do khác biệt về văn hóa và tư tưởng nên những khán giả Mỹ đã không thể thưởng thức bộ anime này một cách trọn vẹn. Thế nên, phần 5 của Sailor Moon đã không được tiếp tục công chiếu ở đất nước nữ thần tự do nữa khiến nhiều fan người Mỹ của bộ anime này cảm thấy tiếc nuối. Nắm bắt được điều này, Toon Makers đã đưa ra 1 ý tưởng khá táo bạo, chính là remake lại Sailor Moon với một tạo hình hoàn toàn mới và mang hơi hướng của Power Ranger. Ngay sau đó, studio này đã được quyền cấp quyền tạm thời để làm ra 1 bản demo dài 17 phút nhằm thuyết phục 20th Century Fox tiến hành sản xuất một seri chiếu hàng tuần vào năm 1994. Và từ đó cơn ác mộng của các otaku nói chung và fans Sailor Moon nói riêng đã chính thức bắt đầu.
Điều đáng nói nhất và cũng là thứ làm nên cơn ác mộng của các otaku cũng như fans của Sailor Moon đó chính là phần tạo hình nhân vật. Bản remake đã thay đổi đáng kể về vẻ ngoài của các nhân vật, những nữ chiến binh đã không còn vẻ đáng yêu, xinh đẹp trẻ trung nữa mà thay vào đó là một khuôn mặt nhìn như U20 – U30. Hai búi tóc đặc trưng và mái tóc dài tới chân của nữ chính Usagi cũng đã bị Toon Makers cắt bỏ đi không một chút thương tiếc, thay vào đó là một mái tóc xoăn chỉ dài tới eo khiến nhân vật vốn đã già nay còn già hơn.
Không chỉ có mình Usagi bị thay đổi, mà ngay cả những nữ thủy thủ khác cũng bị thay đổi quá nhiều, thậm chí là thảm hại hơn so với bản gốc. Điển hình như thủy thủ sao Thủy Ami – bộ não thiên tài của nhóm nữ chiến binh. Trong bản gốc, Ami xinh đẹp, thông minh, tài giỏi và hơn hết cô nàng rất lành lặn, nhưng khi được Toon Makers remake lại thì Ami lại trở thành một nữ chiến binh bị tật ở chân và phải ngồi xe lăn ngay cả trong khi chiến đấu. Tới cô nàng sao Hoả Rei cũng phải chịu chung số phận không khác gì chị em của mình, khi mà mái tóc dài mang đặc trưng thương hiệu Á Đông của cô nàng cũng bị cắt bỏ đi không chút thương tiếc, thay vào đó lại là một mái tóc ngắn cũn kĩn nhìn không khác gì con trai. Còn sao Mộc và sao Kim thì lại bị thay đổi quốc tịch thành người Châu Phi và Mỹ Latinh. Tạo hình của Tuxedo Mặt Nạ và chú mèo Luna cũng bị thay đổi quá khác biệt tới nỗi không ai có thể nhận ra và quên luôn cả bản gốc sau khi nhìn thấy.
Không chỉ tạo hình bị thay đổi quá nhiều mà ngay cả cách chiến đấu của các thủy thủ cũng bị Toon Makers sáng tạo quá mức tới nỗi ai nhìn cũng phải dở khóc dở cười khi các nữ chiến binh của chúng ta giờ đây phải cưỡi thuyền để chiến đấu. Nhưng cũng may là do chi phí để sản xuất bộ phim này quá lớn, vậy nên 20th Century Fox đã quyết định hủy bỏ dự án này, Toon Makers cũng bỏ xó ý tưởng sáng tạo đó và gần như là chìm hẳn. Tới năm 2016, người lãnh đạo công ty mới chính thức lên tiếng đã trả lại tác quyền cho đơn vị nắm giữ tại Nhật, và chấm dứt đi những chuỗi ngày lo sợ về một Sailor Moon phiên bản American sẽ càn quét nền công nghiệp anime.
Trung Quốc cắt bỏ ngực của những cô nàng BB trong Kobayashi San Chi No Maid Dragon
Nếu việc Mỹ remake lại một bộ anime để cho phù hợp với tư tưởng và nền văn hoá của họ thì Trung Quốc lại có một cách làm tuy nhẹ nhàng nhưng lại rất tàn bạo đối với những anh chàng otaku, đó chính là biến BB thành những “bức tường” chỉ để có thể giúp Kobayashi San Chi No Maid Dragon vượt qua bài kiểm tra và được chấp thuận trong việc công chiếu bộ anime đó ở Trung Quốc. Chính hành động này đã khiến cho nhiều otaku đặc biệt là các chàng trai phải sốc nặng vì các waifu BB đầy quyến rũ của mình đã phải phẫu thuật để trở thành những “bức tường” không một chút quyến rũ nào cả.
Từ đó bộ anime đã trở thành trò cười của các fan khi luôn bị đem ra để so sánh giữa bản Nhật và bản Trung. Điển hình là trong 1 phân cảnh, Ilulu đã nâng ngực của mình lên để cho 1 cô bé xem về độ khủng bố của nó và giải thích rằng, đó là túi đựng lửa rồng. Nhưng khi qua bản Trung Quốc thì chúng ta chỉ thấy cô nàng đang nâng không khí nhưng câu thoại thì vẫn như vậy. Điều này khiến nhiều người vừa cảm thấy buồn cười lại cảm thấy khó hiểu với những ai chưa coi bản gốc vì không biết Ilulu đang nâng cái gì trong không khí. Dù cho trông Ilulu có vẻ cân đối hơn khi trở thành “bức tường”, tuy nhiên BB chính là điểm đặc trưng khiến bao anh phải mê mẩn của cô nàng, giờ mất đi có anh chàng nào mà không tiếc cơ chứ!
Mọi chuyện không chỉ dừng ở đó, ở phân cảnh opening và Ending của Kobayashi San Chi No Maid Dragon, thay vì biến BB thành “bức tường” thì Trung Quốc đã quyết định chèn những khối lập phương hoặc hình tròn để che đi những “tâm hồn to khủng” ấy của các nhân vật BB. Nhìn những hình ảnh đó khiến nhiều người muốn bực cũng không bực được vì sự hài hước tới độ kỳ cục của các khối hình học.
Tokyo Babylon 2021 của Clamp khi chuyển thể bị tố là đạo nhái trang phục
Trong giới otaku, không ai là không biết tới “bà hoàng tổ lái”, “chúa tể drop”, “nữ hoàng lý do” Clamp. Mỗi một bộ truyện của Clamp, các nhân vật đều được sở hữu cho mình những bộ trang phục lộng lẫy mà ngay cả những Fashion Designer cũng phải ngả mũ thán phục, còn các cosplayer thì đều khóc thét mỗi khi hoá thân thành các nhân vật trong đa vũ trụ Clamp. Nhờ vậy mà Clamp còn được mệnh danh là nhà thiết kế thời trang của giới mangaka. Ấy vậy mà, ngay chính bộ anime kỷ niệm 30 năm ra mắt của nhóm Clamp lại bị tố là đạo nhái trang phục, khiến nó bị hoãn và không được công chiếu đúng như dự định.
Lỗi này không phải từ nhóm tác giả Clamp mà lỗi do nhà sản xuất Gohands studio, khi mà bản gốc có nguyên dàn trang phục lẫy lừng do chính Clamp tạo ra, nhưng Gohands lại không thèm lấy mà đi bê nguyên trang phục của người khác vào tác phẩm khiến nó bị tố. Điển hình như nhân vật Hokuto Sumeragi, chị gái sinh đôi của Subaru có bộ trang phục nhìn giống y đúc và được cho là dựa trên bức ảnh quảng cáo của thành viên nhóm K-pop Yeri của nhóm Red Velvet, cũng như nhiều nguồn khác mà không được phép. Tới cả bộ đồ của Subaru cũng bị nghi là ăn cắp ý tưởng từ trang phục của búp bê Volks. Ngoài ra còn có nhiều bộ trang phục khác cũng bị tố là đạo nhái. Từ đó, Clamp đã chính thức hủy bỏ hợp đồng với Gohands và sẽ khởi động lại dự án với một nhà sản xuất khác. Chẳng qua chúng ta sẽ không biết được dự án kỷ niệm 30 này sẽ phải mất thêm bao nhiêu năm nữa mới được coi mà thôi!