Tại Nhật Bản có không ít những địa điểm ma quái, kỳ lạ, các truyền thuyết đô thị rùng rợn và hiện tượng siêu nhiên không thể giải thích. Đôi khi, các câu chuyện này còn trở thành các mẩu tin tức xuất hiện trên truyền thông. Nhiều ghi chép về hiện tượng tâm linh được lưu truyền rất rộng rãi ở Nhật Bản, thậm chí xuất hiện trên các tờ báo như The Japan Times, để lại những bí ẩn không lời giải.
Đầu tiên phải kể đến câu chuyện lạ lùng xảy ra vào năm 2014 tại vùng Fukuoka, ban đầu chỉ là một hiện tượng kỳ lạ, nhưng nhanh chóng trở thành tin tức khiến người người hoang mang, sợ hãi.
Tại trường trung học Yanagawa, Fukuoka, vào ngày 30.6, các lớp học vẫn đang hoạt động bình thường. Nhưng đến khoảng 10 giờ trưa hôm đó, một nữ sinh bất chợt cười ngặt nghẽo, không ngừng nghỉ giữa lớp, người tái nhợt, rồi sau đó ngã xuống sàn nhà và co giật. Sự việc kỳ lạ xảy ra trước mặt những học sinh khác và cả giáo viên.
Vài phút sau đó, khi các học sinh khác đang náo loạn và chạy đến chỗ người bạn đã ngất của mình, hai học sinh khác có các biểu hiện tương tự, rồi dần dần con số tăng lên. Thậm chí các học sinh ở lớp khác chạy đến xem cũng bị "lây". Các học sinh này đều gào thét, co giật, mê sảng, rồi sau đó như rơi vào hôn mê, cơ thể tê liệt. Cuối cùng, có tổng cộng 27 học sinh – đều là nữ, cùng bị ảnh hưởng.
Trường học tạm đóng cửa ngày hôm đó, và nhà trường hoàn toàn không biết chuyện gì đã xảy ra. Những học sinh khác bắt đầu kể về sự việc này trên internet, câu chuyện trở nên "viral", "trending" trên mạng xã hội một thời gian. Nhiều người cho rằng đây là một vụ quỷ ám tập thể, các nữ sinh đều có chung biểu hiện như gào thét, cười không kiểm soát, co giật, nói những thứ như "Chết đi!" hay "Giết tôi đi!".
Đây không phải lần đầu tiên, hiện tượng "quỷ ám tập thể" này được ghi nhận. Một trường học nhỏ ở thị trấn Palomino, Colombia cũng từng xảy ra sự việc tương tự, thậm chí có cả video. Sáu học sinh đồng loạt ngất xuống, rồi bắt đầu khóc lóc hay gào thét, rên rỉ. Trong trạng thái mất kiểm soát, một nữ sinh còn gào lên những điều như "Tôi sẽ giết chết chúng!"
Tại Peru, trường học Elssa Perea Flores cũng từng xảy ra việc này, nhưng số lượng học sinh lên đến hơn 80. Xa xưa hơn và kỳ bí hơn là ở những vụ xét xử phù thủy tại Salem, hay vụ việc ở Tanganyika năm 1962. Các học sinh đã rơi vào tình trạng kỳ lạ, cười không ngừng nghỉ trong suốt 16 ngày trời. Tình trạng này lan sang những trường khác và cuối cùng là các khu làng lân cận. Hàng nghìn trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch, 14 trường học buộc phải ngưng hoạt động. 18 tháng sau khi xuất hiện, dịch cười điên dại mới dần lắng xuống.
Những nhà trừ tà và nhà nghiên cứu tâm linh gọi đây là hiện tượng quỷ ám tập thể. Tuy nhiên, nhiều người có cách giải thích khoa học hơn, đó là hiện tượng cuồng loạn tập thể. Những học sinh này có thể bị căng thẳng, hoảng loạn vì việc học hành, dẫn tới việc "bùng phát" thành hiện tượng như trên.
Chứng cuồng loạn tập thể (mass hysteria), ngày nay được biết đến với tên gọi rối loạn phân ly, là thuật ngữ cho trường hợp nhiều người biểu hiện cùng một triệu chứng cuồng loạn về thể chất và tâm thần. Các triệu chứng nhanh chóng lan rộng khắp cộng đồng, trong thị trấn hay sang những thành phố khác.
Vậy nhưng, không phải ai cũng tin vào lời giải thích này. Liệu cuồng loạn tập thể có phải câu trả lời thực sự hay không? Rất khó để chắc chắn, tuy nhiên, đây dường như là lời giải thích thỏa đáng nhất bên cạnh lý do "quỷ ám".
Bạn đọc có thể thảo luận, trao đổi thêm về hiện tượng này cũng như các tác phẩm kinh dị khác tại ĐÂY.