Đại dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp trên toàn thế giới và Việt Nam khi số ca nhiễm và tử vong chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt". Công tác điều trị cũng gặp nhiều khó khăn khi chưa có thuốc đặc hiệu, vaccine phòng ngừa vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm.
Gần đây, Trung Quốc và một số nước châu Âu đang áp dụng phương pháp sử dụng huyết tương của người khỏi bệnh Covid-19 để điều trị. Với những kết quả khả quan ban đầu, phương pháp này đang được xem xét và đưa vào áp dụng như một phương pháp tiềm năng, mở ra những hy vọng mới trong cuộc chiến chống lại Covid-19, đặc biệt là ở những bệnh nhân tiến triển nặng.
Trước thông tin này, nhiều người đặt ra câu hỏi liệu việc sử dụng huyết tương từ người khỏi bệnh có thực sự là một phương pháp điều trị hiệu quả và an toàn? Nguyên lý của phương pháp này ra sao và những người như thế nào thì đủ điều kiện để hiến tặng huyết tương?
Mới đây, PGS. TS. Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế đã có những chia sẻ để giải đáp những băn khoăn này của người dân.
Thưa ông, khái niệm phương pháp dùng huyết tương của người phục hồi được hiểu như thế nào?
PGS. TS. Nguyễn Huy Nga: Phương pháp dùng huyết tương dựa trên một khái niệm "miễn dịch thụ động" - tức là lấy huyết tương từ máu (dịch lỏng còn lại sau khi các tế bào máu được lọc ra) của bệnh nhân đã từng nhiễm Covid 19, được chữa khỏi thành công; hoặc là những người đang phục hồi.
Việc sử dụng huyết tương phải đảm bảo điều kiện an toàn, vệ sinh không chứa mầm bệnh sẽ giúp hệ miễn dịch trở nên khỏe mạnh hơn, từ đó tăng phản ứng chống lại virus ở người.
Người đủ điều kiện hiến huyết tương cần đảm bảo những yếu tố nào và đối tượng nào đủ điều kiện để nhận huyết tương?
PGS. TS. Nguyễn Huy Nga: Người đủ điều kiện hiến huyết tương là người phải đạt được yếu tố cần là khỏi bệnh Covid-19, sau xuất viện 14 ngày, trong độ tuổi 18-65 tuổi, thể trạng sức khỏe tốt. Với nam cần đạt cân nặng trên 50kg, nữ trên 45kg, không có các bệnh truyền nhiễm có thể lây truyền qua huyết tương như HIV/AIDS, viêm gan B, giang mai…
Người đã khỏi bệnh Covid-19 đăng ký hiến huyết tương sẽ được khám sàng lọc trước khi hiến để đảm bảo huyết tương đạt an toàn trước khi truyền cho bệnh nhân.
Đối tượng nhận huyết tương là người nhiễm Covid-19 nặng, trong độ tuổi từ 18 – 75 tuổi, sức đề kháng kém, không bị phản ứng với huyết tương người cho.
Nguyên lý của phương pháp sử dụng huyết tương?
PGS. TS. Nguyễn Huy Nga: Nguyên lý của phương pháp này được thực hiện dựa trên máu của người hiến được tách chiết để lấy huyết tương. Huyết tương này được truyền trực tiếp cho người bệnh. Các kháng thể trong huyết tương của người phục hồi sẽ trung hoà vi rút nCoV-2, hỗ trợ người bệnh giảm tải lượng vi rút, tăng sức đề kháng và đạt được kết quả khả quan trong quá trình phục hồi bệnh.
Hiến huyết tương có xảy ra tác dụng phụ không?
PGS. TS. Nguyễn Huy Nga: Phương pháp hiến huyết tương ít xảy ra tác dụng phụ, nếu người hiến có thể trạng sức khỏe tốt. Việc hiến huyết tương cũng giống như hiến máu nên không xảy ra những ảnh hưởng đến sức khỏe, nếu có chỉ là những phản ứng tại chỗ như: bầm tím trên da…
Phương pháp sử dụng huyết tương đã từng được áp dụng rộng rãi trước đây hay chưa?
PGS. TS. Nguyễn Huy Nga: Phương pháp này đã được áp dụng ở nước ngoài từ đầu thế kỷ 20 trong những trường hợp phòng ngừa và điều trị một số bệnh truyền nhiễm ở người. Ngoài ra, phương pháp này còn được sử dụng trong các đợt bùng phát dịch bệnh Ebola ở châu Phi và cả trong các vụ dịch SARS, MERS năm 2002 – 2003.
Bộ Y tế mới đây cũng đã phê duyệt nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng phương pháp "Đánh giá tính an toàn và hiệu quả bước đầu điều trị bệnh nhân COVID-19 thể trung bình, nặng và nghiêm trọng bằng huyết tương của người bệnh đã phục hồi" với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, bác sĩ của nhiều bệnh viện tuyến Trung ương như bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương…
Cho đến thời điểm hiện tại, thế giới vẫn đang loay hoay thử nghiệm nhiều loại thuốc khác nhau, song cũng không có hiệu quả. Việc điều trị vẫn phải dựa trên những triệu chứng điển hình để có phác đồ điều trị phù hợp với từng thể trạng sức khỏe của người bệnh. Vì vậy, việc sử dụng phương pháp huyết tương của người đã phục hồi được nhiều chuyên gia y tế đánh giá cao, góp phần mở ra những hy vọng và mang đến niềm tin quyết thắng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 còn nhiều khó khăn và phức tạp.
Xin cảm ơn ông.
Nền tảng TMĐT Lazada và Mạng xã hội Lotus đồng hành cùng chiến dịch truyền thông "Niềm tin chiến thắng" do Bộ Y tế phát động.
Chiến dịch truyền đi thông điệp đoàn kết, kêu gọi cộng đồng cùng chung tay hành động, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và xây dựng lối sống phù hợp, tạo thói quen có lợi cho sức khỏe, thiết lập cuộc sống trong trạng thái mới - bình tĩnh, lạc quan vừa chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế.
Chiến dịch sẽ diễn ra từ 6/8/2020 đến 30/9/2020 với nhiều hoạt động hấp dẫn trên Mạng xã hội Lotus và các kênh truyền thông số như các video hướng dẫn phòng dịch, tuyến bài viết, ghi nhanh, nhật ký, chia sẻ của các chuyên gia và y bác sĩ tuyến đầu chống dịch và đố vui có thưởng với nhiều phần quà hấp dẫn từ nhà tài trợ.