Game thẻ bài Sử Hộ Vương là đề tài "hot" nhất trên mạng xã hội nhiều ngày qua. Bắt đầu từ một dự án năm 2018 của hai Founder Phạm Vĩnh Lộc và Hồ Phương Thảo, Sử Hộ Vương là tên card game lấy cảm hứng từ các nhân vật lịch sử có thật của Việt Nam.
Theo các founder, game hướng đến mục đích lan truyền cảm hứng lịch sử cho người trẻ Việt. Bên cạnh đó, card game có thể là hình thức giải trí tốt giúp giới trẻ "offline", có nhiều cảm hứng hơn với môn sử. Thể loại card game rất thịnh hành ở nhiều nước lớn trên thế giới, thậm chí đến bây giờ.
Vì mục đích nhân văn này mà khi tham gia chương trình "Thương vụ Bạc Tỷ" mùa 3 vừa qua, Sử Hộ Vương đã được Shark Nguyễn Thanh Việt ủng hộ. Shark Việt, một doanh nhân thành đạt cho rằng sự đổi mới trong cách tiếp cận lịch sử là vô cùng khuyến khích.
Vĩnh Lộc và Phương Thảo đề nghị vọi vốn 1 tỷ đồng đầu tư vào dự án Sử Hộ Vương. Sử Hộ Vương đã được lưu hành trên thị trường và sau 10 ngày bán, thì có tới 6.000 bản được tiêu thụ. Chỉ từ 300 triệu tiền gây quỹ suốt gần một năm, Sử Hộ Vương đã thu về 800 triệu.
Nhưng các Shark – những doanh nhân, tỷ phú thành đạt, nói gì về "thương vụ" này?
Điểm gây tranh cãi trong chương trình và cả mạng xã hội chính là tạo hình nhân vật. Mặc dù lấy tên nhân vật lịch sử như Hồ Xuân Hương, Lý Chiêu Hoàng, Quang Trung, Nguyễn Ánh, hay các truyền thuyết, tích cổ của việt Nam, đồ họa nhân vật lại theo phong cách truyện tranh Nhật Bản. Các thần tượng anh hùng có người tóc trắng, có người tóc xanh, trang phục xẻ ngực, quấn vải, thậm chí mặc Âu phục.
Sự thật là tranh cãi của các cư dân mạng đã bắt đầu từ nhiều tháng trước, khi hình tượng nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương trong game được hoàn thành.
Theo nhiều cư dân mạng, tạo hình này quá phản cảm, hở hang, đậm chất Nhật Bản và vì thế tai tiếng của Sử Hộ Vương ngày một lan rộng.
Ngoài ra, còn có các tạo hình khác của những nhân vật như Chử Đồng Tử, Nguyễn Ánh, Nguyễn Huệ cũng gây tranh cãi vì bị cho là không phù hợp, giống như chỉ vẽ một nhân vật và tự gán tên vào. Thậm chí còn bị fan gán ghép với nhau.
Shark Liên nói rằng: "Những nhân vật lịch sử mà các bạn vẽ không giống nhân vật thật. Như Nguyễn Huệ chẳng hạn, tôi thấy như là truyện tranh Nhật Bản." Nguyễn Du thì được shark Hưng ví là giống Lãng tử Yến Thanh, một nhân vật Trung Quốc.
Đáp lại lời nhận xét này, Phương Thảo hỏi lại với một thái độ gay gắt: "Có anh chị nào đã từng nhìn thấy Nguyễn Huệ thực sự không ạ?" Câu hỏi này khiến nữ founder "5 điểm sử" của Sử Hộ Vương nhận được không ít "gạch đá."
Bên cạnh tạo hình, nội dung của Sử Hộ Vương cũng đã gây bao "drama" trên mạng xã hội. Đậm chất sử Việt, nhưng người dùng app Sử Hộ Vương lại bắt gặp vài đoạn nội dung hoàn toàn sai, thậm chí "lai ngoại."
Chẳng hạn như, lịch sử ghi nhận Quang Trung và nhà Nguyễn có mối thù oán khủng khiếp, nhưng trong Sử Hộ Vương, cả hai lại có "tình cảm sâu đậm."
Hay trong một đoạn hội thoại khác, lại sử dụng ngôn ngữ của Nhật Bản như "senpai", "keikaku."
Kết thúc chương trình, Shark Liên đồng ý đầu tư 1 tỷ đồng và xin giấy phép nội dung cho Sử Hộ Vương, tuy nhiên các founder đã thẳng thắn từ chối. Lý do bởi Shark Liên ngỏ ý thay đổi các tạo hình và nội dung của card game này để đảm bảo giá trị thuần túy của lịch sử, phù hợp văn hóa Việt.
Với cách hoạt động hiện nay của Sử Hộ Vương – dự án gây quỹ lớn nhất của Comicola, thì không ai có thể chắc chắn nó có phát triển được hay không, khi đến cả giới trẻ cũng "tẩy chay."