Sự khác nhau giữa wibu và otaku

Từ trước đến nay, fan cứng của các bộ anime/manga đều luôn tự xem mình là một otaku.

Nhưng trong những năm gần đây, từ wibu lại rầm rộ lên và bị thay thế cho từ otaku. Vậy wibu là gì? Và nó với otaku có gì giống và khác nhau? Cùng mình đi tìm hiểu nhé! 

Otaku

Otaku là thuật ngữ dùng để ám chỉ những người Nhật Bản phát cuồng với thế giới anime/manga của họ, những người đam mê thực sự và có hiểu biết sâu rộng về thế giới này. Thông thường, những otaku thường chỉ quan tâm đến đam mê cũng như sở thích của mình chứ không gây ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Ở Nhật Bản, otaku được xem là một từ ngữ khá tiêu cực và họ bị kỳ thị bởi những người xung quanh. Còn ở các nước khác như Việt Nam hay Mỹ thì thuật ngữ này lại mang một ý nghĩa tích cực hơn, được tôn trọng hơn và nó thường được các fan cứng của anime/manga sử dụng và họ tự hào khi là một otaku. 

Wibu

Wibu trên thực tế cũng giống như otaku, cũng dùng để ám chỉ những người yêu thích anime/manga. Nhưng 2 từ ngữ này cũng có vài điểm khác nhau. Nếu otaku là để chỉ những người Nhật bị phát cuồng bởi anime/manga của chính họ thì wibu là từ dùng để ám chỉ những người phương Tây (không phải người Nhật) bị phát cuồng về anime/manga cũng như văn hoá của Nhật Bản. 

Wibu là một từ do người Việt tạo ra dựa trên từ gốc của phương Tây là weeaboo, và tiền thân của từ này là wapanese. 

Wapanese là một thuật ngữ thường được xuất hiện ở nhiều quốc gia phương Tây vào khoảng những năm đầu của thế kỷ 21 và được phổ biến rộng rãi trên internet vào năm 2005. Wapanese được rút gọn từ white Japanese (Nhật da trắng) hoặc wannabe Japanese (kẻ học đòi người Nhật), dùng để ám chỉ những người bị ám ảnh bởi văn hoá Nhật như anime/manga. Thực tế, từ này không có hàm ý xấu, kỳ thị, phân biệt hay coi thường một ai, nó chỉ đơn giản là dùng để chỉ một số đối tượng bị ảnh hưởng bởi nền văn hoá nước khác.

Năm 2004, wapanese gây nhiều tranh cãi trên diễn đàn otaku 4chan đến mức admin phải tìm một từ khác ít sắc thái miệt thị hơn, và họ chọn đại một từ được cắt nghĩa trong bộ truyện tranh The Perry Bible Fellowship đang nổi thời đó chính là từ weeaboo sau được người Việt gọi tắt thành wibu. 

Sau đó, wibu nhanh chóng được thay thế cho wapanese và được áp dụng với mục đích sỉ nhục cũng như thể hiện sự khó chịu của bản thân dành cho những wapanese trước đó. Từ lúc đấy trở đi, wibu bắt đầu được sử dụng với mục đích là kỳ thị đối với những người ám ảnh quá mức về văn hóa Nhật Bản cũng như các fan cứng của anime/manga. 

Đối với phương Tây, một người bị gọi là wibu khi họ thể hiện ra hành động thái quá với những việc liên quan tới sở thích của mình, những hành động được xem là quá cuồng nhiệt và gây ảnh hưởng tới những người xung quanh họ, giống như hành vi tôn thờ văn hoá Nhật quá mức mà sẵn sàng gây chiến với những ý kiến trái chiều với mình. 

Nhưng khi về Việt Nam, wibu lại là một từ được sử dụng theo cách tiêu cực hơn. Wibu được người Việt sử dụng để phân biệt,kỳ thị và sỉ nhục những người có niềm đam mê với văn hóa Nhật Bản và hay hành động quá khích, thường tự xưng mình là otaku, nói chuyện phải pha lẫn tiếng Nhật hoặc hành động như những nhân vật trong các bộ anime/manga giống phương Tây. 

Nhưng tiêu cực hơn ở chỗ là từ này bị người Việt lạm dụng quá mức và sử dụng nó cho các fan anime/manga, dù họ không làm gì ảnh hưởng tới người khác hay không hành động quá mức như trên, mà chỉ đơn giản là để avatar hình nhân vật 2D thôi cũng đã bị gọi là wibu và bị xem thường cũng như bị chửi rủa. Và điều đáng nói ở đây, là dù cho người bị gọi là wibu có giải thích cỡ nào nhưng người chửi vẫn không hề muốn nghe mà vẫn liên tục thốt ra những câu từ không hề dễ nghe. 

Không những thế, từ wibu này còn trở thành một hiệu ứng đám đông lớn khủng khiếp trên khắp các động mạng. Bất cứ ở nơi đâu, chúng ta cũng sẽ thấy từ wibu này xuất hiện theo nhiều cách khác nhau.

Cách đối phó khi bị gọi là wibu

Dù vào những tháng cuối của năm 2019 và đầu 2020, số người sử dụng từ wibu theo chiều hướng tiêu cực cũng đã giảm nhiều, nhưng nó vẫn còn được nhiều người sử dụng vô tội vạ và vấn đề này vẫn đáng để lên tiếng. Tuy nhiên, để thay đổi suy nghĩ của những đối tượng này là một điều rất khó, bởi họ hành động như một con robot được lập trình sẵn và không cần suy nghĩ trước khi nói. Nhưng điều đó không có nghĩa là những fan anime/manga không thể đối phó và ứng xử với những thành phần này. 

Khi bị miệt thị là một wibu trên mạng xã hội chúng ta có thể ứng xử theo 2 cách. Cách đầu tiên, hãy wibu hết có thể. Bởi khi bị miệt thị là wibu thì lời nói và sự giải thích của bạn sẽ chẳng đi về đâu vì đối phương vốn sẽ không tâm. Chính vì vậy, hãy xuôi theo chiều gió và wibu hết sức có thể để bản thân không phải bực tức cũng như mệt mỏi vì phải cãi tay đôi với những người không muốn nghe mình nói. Cách này có thể biến bạn thành main chính trong một cuộc chiến đồng thời cũng biến bạn thành chủ của một rạp xiếc đang hoạt động.

Cách thứ 2 là lơ những thành phần đó đi. Bởi thay vì ở lại tốn thời gian phân bua với người không muốn nghe mình nói thì bạn hãy rời đi để không phải rước thêm sự bực bội cũng như thời gian và tâm sức của mình vào một cuộc tranh cãi không có hồi kết và cũng chẳng thể đi tới đâu. Hãy lơ nó đi và quay trở lại với cuộc sống của mình.