Trong một vài năm gần đây, ngành công nghiệp anime bất ngờ nhận được sự quan tâm từ đông đảo khán giả trên khắp thế giới. Một số tựa phim còn lập kỷ lục doanh thu cao nhất mọi thời đại như Kimetsu no Yaiba hay Jujutsu Kaisen 0. Nhiều khán giả đã nhận xét rằng đây là thời kỳ hoàng kim của anime. Vậy điều gì đã giúp anime bùng nổ như vậy?
Câu trả lời hợp lý nhất có lẽ là nhờ vào sự phát triển của internet. Vào thời kỳ đầu, khi Internet mới xuất hiện, khán giả quốc tế gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với anime, để xem được một tập phim, họ phải truy cập vào các website có mã độc hoặc tải lậu. Đối với các kênh phân phối hợp pháp, số lượng phim khán giả có thể tiếp cận được cũng rất hạn chế. Do đó, trong một thời gian dài anime vẫn được biết đến nhưng không thực sự nổi lên như một hiện tượng.
Trước đây, fan quốc tế phải xem lậu hoặc dành tiền để mua vật phẩm và DVD series anime họ yêu thích. Các hệ thống bán lẻ như Walmart sẽ bày bán DVD anime với mức giá hợp lý, nhưng ngay cả với những cửa hàng lớn như Suncoast hay FYE thì sự lựa chọn không quá phong phú và không phải khán giả nào cũng có thể chi tiền mua DVD trên eBay hay Amazon. Đối với các fan nhỏ tuổi, vấn đề tài chính thực sự là một thách thức nếu muốn tiếp cận với anime.
Thế nhưng, nếu so sánh với thế fan của thập niên 80 và đầu thập niên 90, thì thế hệ fan 2000 vẫn còn khá thoải mái. Việc phân phối anime trong thập niên 80-90 vẫn diễn ra, nhưng chất lượng các series không được đánh giá cao. Rào cản về ngôn ngữ và công nghệ lồng tiếng cũng là trở ngại lớn. Bên cạnh đó, phần lớn khán giả quốc tế đều xem anime giống như một thể loại hoạt hình dành cho trẻ em, họ có thể mua ngẫu nhiên series anime nào đó cho chúng xem mà không cần bận tâm đến nội dung mà những nhân vật với tạo hình đầy màu sắc thể hiện. Khá nhiều người đã chia sẻ rằng họ vô tình được tặng những bản phim của Ninja Scroll hay Wicked City (vốn là các series chuyển thể dành cho người lớn), vì người tặng nghĩ rằng anime là hoạt hình thân thiện với trẻ em.
Sự chuyển mình của anime ở thị trường quốc tế bắt đầu từ thế hệ fan 2000, khi mạng Internet và truyền hình dần trở nên phổ biến. Dù vẫn bị xem là loại phim hoạt hình thân thiện với trẻ em, song anime đã được phát sau mỗi giờ học như một hình thức giải trí. Điều này góp phần làm tăng sự quan tâm từ khán giả trẻ tuổi dành cho anime, kể cả khi có một vài định kiến cho rằng anime phù hợp với những đứa trẻ ngổ ngáo. May mắn là quan điểm này dần được thay đổi khi Internet lẫn social media phát triển mạnh mẽ vào giai đoạn những năm 2010.
Hiện nay, lượng tiêu thụ anime đóng vai trò quan trọng trong việc biến nó trở thành một trào lưu mang tính toàn cầu. Sự ra đời của các nền tảng phim trực tuyến trả phí như Crunchyroll và Netflix đã làm thay đổi hoàn toàn cách thức tiếp cận của khán giả. Chỉ cần một khoản phí không đáng kể, khán giả có thể xem trọn bộ anime trên với chất lượng hình ảnh cao, không quảng cáo hay mã độc.
Mạng Internet cùng social media còn đem đến cơ hội cho khán giả được chia sẻ trải nghiệm, cảm nhận, bàn luận với các khán giả khác và thậm chí tương tác trực tiếp với đội ngũ làm phim. Nó giúp khán giả quốc tế có cảm giác như họ thực sự hòa mình vào thế giới của series anime yêu thích cũng như đóng góp phần nào cho sự thành công của series đó.
http://kenhtingame.com/tai-sao-anime-lai-co-the-tro-nen-noi-tieng-khap-the-gioi-20220407143420838.chn