Tại sao các "bom tấn" làng game cứ chuyển thể thành phim là lại thất bại thảm hại?

Tuy có nhiều điêm thuận lợi, thế nhưng không phải tựa game nào chuyển thể thành phim cũng thành công.

Khi chuyển thể một tựa game lên màn ảnh rộng, điểm thuận lợi đầu tiên mà các nhà làm phim có được đó chính là nguồn nhân vật phong phú. Không cần phải tốn thêm chi phí và thời gian để sáng tạo nhân vật, họ hoàn toàn có thể dồn tài nguyên vào những công đoạn khác. Điều thứ hai đó chính là lượng khán giả thị trường. Có thể nói ngay khi phim chỉ còn trong giai đoạn thai nghén thì họ đã có sẵn một lượng khán giả trung thành rồi. Đó chính là fan của tựa game mà họ sắp chuyển thể.

Tại sao các bom tấn làng game cứ chuyển thể thành phim là lại thất bại thảm hại? - Ảnh 1.

Thám tử Pikachu là tác phẩm thành công hiếm hoi trong thời gian trở lại đây.

Tuy có nhiều điêm thuận lợi như vậy, thế nhưng không phải tựa game nào chuyển thể thành phim cũng thành công. Có thể kể đến ngay những cái tên như: Tekken, Super Mario Bros, Assassin Creed,… Vậy lý do tại sao dẫn đến việc này? Chúng ta có thể xét đến những nguyên nhân chính sau đây.

Kịch bản phim đi quá xa so với cốt truyện chính của game

Đây có thể được cho là nguyên nhân chính dẫn đến việc phim chuyển thể từ game rất dễ thất bại. Hãy nhìn vào những lợi thế mà những bộ phim chuyển thể có được, chúng ta thấy một trong số đó là lượng fan trung thành của tựa game chính. Khi chơi một tựa game, điều làm bạn lôi cuốn nhất chính là cốt truyện.

Suôt hành trình phá đảo game, bạn hẳn phải rất quen thuộc với câu chuyện mà nó vẽ ra rồi. Điều này thật khó chấp nhận khi có ai đó muốn bẻ cong sự thật đó. Và đây chính là điểm yếu của các bộ phim chuyển thể từ game. Không biết vô tình hay cố ý mà đôi khi họ lại dẫn khán giả vào một câu chuyện hoàn toàn khác xa với thế giới game quen thuộc.

Tại sao các bom tấn làng game cứ chuyển thể thành phim là lại thất bại thảm hại? - Ảnh 2.

Hãy nhìn vào “Tekken”, thậm chí đạo diễn của series game này, ông Katsuhiro Harada, còn lên tiếng phản ứng há gay gắt:”Bộ phim Hollywood đó thật kinh khủng. Chúng tôi không thể giám sát một bộ phim như vậy được. Đó là một bản hợp đồng tồi tệ, chúng tôi không hề hứng thú với bộ phim đó”.

Người hâm mộ của trò chơi chắc chắn sẽ bối rối với những gì đang xảy ra. Rất nhiều nhân vật và câu chuyện gốc của họ đã thay đổi rất khác so với những gì mà họ được trải nghiệm ở phiên bản video game.

Quá cố gắng bám theo chủ đề và câu chuyện của game

Phải nói là phàm ở đời thì cái gì quá cũng không tốt. Làm phim dựa trên game mà có cốt truyện đi quá xa cũng thất bại, mà cố gắng bám sát theo game thì cũng thất bại nốt. Đúng vậy, đã có không ít những bộ phim trở nên nhạt nhẽo và khá “vô duyên” khi cố gắng bám theo lối mòn trong game.

Tại sao các bom tấn làng game cứ chuyển thể thành phim là lại thất bại thảm hại? - Ảnh 3.

Alita là một trong những tác phẩm hiếm hoi có sự thành công nhất định.

Nên nhớ, một tựa game có cốt truyện hoàn hảo đòi hỏi người chơi phải bỏ thời gian ít nhất hàng giờ đồng hồ mới có thể khám phá hết. Còn ở trên màn ảnh rộng, thời gian mà bạn có chỉ vỏn vẹn khoảng 2 tiếng đồng hồ. Như vậy việc bê nguyên xi cốt truyện trong game lên phim thì thật sự rất khó khăn. Ấy vậy mà vẫn có một số tựa phim lại bỏ qua điều này và bất chấp cố đấm ăn xôi chỉ vì quá chiều lòng fan hâm mộ. Nghệ thuật thì phải sáng tạo, đó chính là thứ mà những cái tên như: Assassin Creed, Max Payne, Mortal Kombat: Annihilation đã không có được để đi đến thành công.

Xây dựng hình tượng nhân vật thảm hại

Còn gì tồi tệ hơn khi bạn bỏ tiền ra rạp để chứng kiến những idol trong game của mình bị bôi tro trét trấu một cách trơ trẽn? Đây là lý do đáng trách nhất, vì việc giữ hình tượng của một nhân vật trong game lên phim hết sức đơn giản. Nhưng thật bất ngờ khi vẫn có một số tựa phim lại mắc phải sai lầm nghiêm trọng đó, về khoản này thì không thể bỏ qua Street Fighter.

Tại sao các bom tấn làng game cứ chuyển thể thành phim là lại thất bại thảm hại? - Ảnh 4.

Trong game Street Fighter, thường thì khi chuẩn bị xuất ra một chiêu thức nào đó, nhân vật sẽ làm một động thái hoặc hô một tiếng giống như niệm thần chú vậy. Nó giống như một nét đặc trưng riêng của từng nhân vật mất rồi. Thế mà khi lên phim, thật thất bại khi thấy một Cammy hô to “Cannon Spike” và rồi chỉ xuất ra một cú đá bình thường; hoặc Ryu hét lên “Hadouken” mà chỉ có một đòn đẩy tay thay vì một cú chưởng đầy uy lực như trong game. Nói đến đây thôi cũng hiểu nó khó chấp nhận đến mức nào rồi.

Tại sao các bom tấn làng game cứ chuyển thể thành phim là lại thất bại thảm hại? - Ảnh 5.

Một cái tên khác đáng chú ý cho sai lầm này chính là bộ phim Sonic sắp được công chiếu. Khỏi cần nói cũng biết được hình tượng Sonic đã bị các nhà làm phim phá hủy đến mức nào.

Việc chuyển thể từ một tựa game thành một tác phẩm trên màn ảnh rộng đòi hỏi vị đạo diễn phải hết sức khéo léo, vừa phải dung hòa được nội dung, lại vừa phải sáng tạo sao cho không đi quá xa so với cốt truyện của game. Đó là một thách thức lớn mà ít phim nào làm được.