Ở thời kỳ cổ đại, những loài khủng long luôn có những vũ khí độc đáo của riêng chúng để có thể chống lại kẻ thù, và khủng long bọc giáp chính là 1 trong số những loài như vậy đấy. Vậy trong bài hôm nay, hãy cùng điểm lại top 5 sự thật kỳ thú về những sinh vật này nhé.
1. Khủng long bọc giáp sẽ làm gì để ngăn cuộc tấn công
Nói là bọc giáp, nhưng đừng bao giờ hiểu là chúng có giáp bọc toàn thân nhé. Những chiếc áo giáp này vốn gồm những mảnh xương nhỏ và tròn ở trên đầu, cùng những phần xương rộng và có hình chữ nhật ở trên vai và lưng. Về cơ bản thì, chiếc áo giáp đó bao bọc cơ thể chúng từ đầu đến đuôi lẫn cả 2 bên sườn, nghĩa là toàn bộ phần phía trên gần như đều được bảo vệ.
Để tận dụng lợi thế này, chúng sẽ nằm phục trên mặt đất và khiến cho kẻ thù buộc phải lựa chọn 2 trường hợp, đó là lập tức buông bỏ hoặc có thể thử cắn 1 phát vào chiếc mai cứng cáp đó. Dĩ nhiên là, chẳng có con nào dại đến mức muốn gãy răng cả rồi.
2. Là điểm mạnh, nhưng cũng là điểm yếu
Tạo hóa sinh ra mọi thứ đều có quy luật bù trừ, có điểm mạnh thì sẽ có điểm yếu, và khủng long bọc giáp cũng chẳng hề ngoại lệ, cụ thể là với loài Ankylosaurus. Nhược điểm của bộ giáp này chính là quá nặng, đồng nghĩa với việc chúng không thể đứng được bằng 2 chân sau trong bất cứ tình huống nào. Vậy nên, chúng chỉ có thể gặm những cây bụi, cỏ và những cành cây thấp mà thôi, tựa như những chiếc máy xén cỏ vậy.
Bên cạnh đó, mặc dù có lớp giáp làm từ những mảnh xương cứng cáp nhưng răng của Ankylosaurus thì lại tương đối yếu. Do đó, chúng có xu hướng nuốt chửng thức ăn thay vì nhai như những loài thú ăn cỏ hiện nay.
3. Không phải chỉ có 1 vũ khí
Như đã nói ở ý đầu tiên, đúng là toàn bộ phần phía trên gần như đều được bảo vệ bởi giáp xương, nhưng phần bụng thì không. Nói cách khác, đây chính là phần duy nhất dễ bị tổn thương trên cơ thể chúng. Trong trường hợp của Ankylosaurus, khi 1 con khủng long săn mồi muốn lật ngửa chúng lên hoặc tấn công từ đằng sau, chúng sẽ phản kích lại bằng 1 cú quật đuôi.
Ankylosaurus có 1 chiếc "chùy" hình tròn ở cuối đuôi, được cấu tạo bởi xương và đủ cứng để đập vỡ xương ống chân của 1 con khủng long T-REX. Euoplocephalus - 1 loài khủng long thuộc họ Ankylosaurus sở hữu "chiếc chùy" dưới đuôi nặng tới 30 kg, trong khi thực tế thì chúng còn có thể nặng hơn thế.
Dĩ nhiên, vũ khí đáng sợ này chỉ được chúng dùng với mục đích tự vệ. Về cơ bản thì, Ankylosaurus là loài sinh vật ăn thực vật tương đối hiền lành, bởi chúng chẳng có lý gì lại thích đi gây gổ đánh nhau như đám khủng long ăn thịt cả.
4. Loài khủng long nào có phần giáp cứng nhất?
Danh hiệu này chắc chắn phải thuộc về Nodosaurus - 1 loài khủng long bọc giáp tới từ châu Mỹ, thuộc họ Nodosaur. Chiếc áo giáp của loài này vốn là loại dày nhất, gồm hàng trăm mảnh xương vuông vắn dính chặt vào nhau. Tuy nhiên, chúng lại là loài duy nhất trong họ Nodosaur không hề có gai, mà chỉ có những mấu xương lồi lên xếp xen kẽ nhau như những cục u bằng xương mà thôi. Đây chính là nguồn gốc của cái tên Nodosaurus, nghĩa là "thằn lằn gù".
5. Gai? Vừa công vừa thủ chăng?
Ngoài những mảnh xương gồ ghề trên lưng, 1 số loài khủng long bọc giáp còn sở hữu những chiếc gai dài sắc nhọn trên lưng. Mỗi loài khác nhau thì cách bố trí gai cũng sẽ khác nhau. Trong họ Nodosaur, khủng long Edmontonia châu Mỹ có gai ở vai và 2 bên sườn; khủng long Polacanthus (hay còn được gọi là bò sát nhiều gai) và Hylaeosaurus châu Âu thì lại có gai mọc ngang ở mạn sườn và dọc theo đuôi.
Loài khủng long Edmontonia.
Trong khi đó, Euoplocephalus thuộc họ Ankylosaurus thì lại sở hữu cả những mảng xương ở trên mi mắt. Khi bị tấn công, chúng sẽ khép lại và kẻ địch sẽ không thể làm tổn thương mắt của chúng.