Cái tên Genshin Impact đã không còn xa lạ với cộng đồng gamer năm vừa qua. Mặc dù cũng dính vào không ít drama, thậm chí là bị "phốt" nhái The Legend of Zelda: Breath of the Wild khi mới ra mắt, Genshin Impact vẫn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường game hiện nay. Thậm chí, tựa game này đã giật giải thưởng Best Mobile Game của năm 2021. Sự nổi tiếng này của Genshin lại "mở đường" cho nhiều tựa game ăn theo gây tranh cãi, một trong số đó là Tower of Fantasy.
Khi mới được ra mắt ở Trung Quốc, Tower of Fantasy (ToF) đã được hứa hẹn là bom tấn sẽ "soán ngôi" Genshin Impact. Đây là một game nhập vai của nhà phát hành Perfect World – Thế Giới Hoàn Mỹ. Tựa game có đồ họa, cơ chế chiến đấu, gacha và nhiều đặc điểm khác tương tự như Genshin.
Điều khác biệt lớn nhất với Genshin Impact là yếu tố công nghệ trong thế giới của ToF. Ngoài ra, tựa game này còn thuộc thể loại MMO, có chế độ PvP, điều không tồn tại ở cả Genshin lẫn Honkai.
Tuy nhiên ngay sau khi ra mắt, Tower of Fantasy đã dính một loạt "phốt" khiến người chơi thất vọng. Ở đây, chúng ta sẽ điểm lại một vài drama gây tranh cãi nhất của tựa game này.
1. Có tất cả nhưng không mảng nào xuất sắc
ToF khi ra mắt vào tháng 12 năm 2021 đã đạt được nhiều con số khủng, từ doanh thu đến lượng người chơi. Nhưng những con số này lại không phản ánh chất lượng thực sự của game.
Animation, skill và cơ chế chiến đấu của nhân vật đều dừng ở mức tạm ổn chứ chưa thể gọi là đã tay. Việc đánh boss cũng không đòi hỏi tư duy chiến thuật nào, mà chỉ spam đòn đánh. Cốt truyện của Tower of Fantasy vẫn chưa thể so sánh được với độ dày trong cốt truyện Genshin Impact, vốn luôn là thế mạnh của những game do miHoYo sản xuất. Nói ngắn gọn, gameplay của ToF dừng ở mức đủ để giải trí, chơi được, chưa đủ đột phá để trở thành hiện tượng.
2. Ngập trong Bug
Tất nhiên, đối với những người chơi bình thường thì các yếu tố trên không quan trọng lắm. Nhưng điều mà player muốn phớt lờ cũng không được là những bug vô cùng khó hiểu của tựa game này.
Một số người chơi sau khi trải nghiệm game nhận ra họ có thể nhận gấp đôi lượng vật phẩm bằng cách đăng nhập game trên thiết bị khác ngay khi vừa nạp tiền. Thậm chí, người chơi có thể mở trước phần thưởng kho báu cuối mỗi ải để xem có vật phẩm mình muốn, nếu không ưng thì... đăng nhập lại, và như vậy thể lực của họ không bị tiêu hao. Điều này áp dụng cho cả việc nâng cấp vũ khí, nếu rơi vào chỉ số không tốt có thể thoát ra, đăng nhập và nâng cấp lại.
Để tránh tình trạng này, nhà phát hành đã ra thông báo cấm người chơi đăng nhập trên thiết bị thứ hai, thay vì sửa bug trong game.
Ngày 10/2/2022, ToF tung ra bộ loot box chứa vật phẩm và skin nhân vật. Một số player thích táy máy đã phát hiện ra rằng, họ có thể dùng phần mềm thứ ba để thay đổi số lượng hộp muốn mở. Từ đó, người chơi có thể mở hàng nghìn hộp quà như thế và game thậm chí còn không báo lỗi.
Tài khoản với lượng vật phẩm quý giá khổng lồ như thế đã được rao bán tràn lan. Khi đó, nhà phát hành mới phát hiện ra bug này và đưa ra thông báo cho "bay màu" các tài khoản vi phạm. Tuy nhiên, player phát hiện ra các ID bị bạn là những tài khoản level thấp do nhân viên game tạo ra để "giết gà dọa khỉ", còn các tài khoản bất hợp pháp thì vẫn được rao bán bình thường.
3. "Mượn" review của Genshin Impact
Do bug ngập tràn mà nhà phát hành vẫn làm ngơ, tựa game bắt đầu bị người chơi đánh giá xấu. Có những thời điểm, rating game tụt xuống cực kỳ thấp, nhưng một thời gian ngắn sau đó, rating ToF đột ngột tăng lên một cách kỳ lạ.
Các đánh giá này kết thúc với dấu phẩy rồi dấu chấm một cách đều đặn, cho thấy chúng được tạo ra bởi bot.
Player Trung Quốc và Reddit đã phát hiện ra đó là vì ToF ăn cắp các review 5 sao của game khác và dùng bot để spam các nhận xét này. Mà cụ thể, các review "ăn cắp" này đều được lấy từ Genshin Impact. Một review thậm chí còn nhắc đến Yoimiya, nhân vật chắc chắn không có trong Tower of Fantasy.