Tại Việt Nam, phát triển boardgame vẫn còn là một lĩnh vực mới mẻ, nhiều tiềm năng cũng nhiều rủi ro, đặc biệt là khi có sự xuất hiện của các yếu tố văn hóa dân gian Việt. Rút kinh nghiệm từ các dự án trước để có hướng đi đúng đắn, nhà phát triển boardgame Thần Tích đã có nhiều nỗ lực đáng công nhận để mang đến một tựa game đậm chất Việt mà không thiếu đi sự sáng tạo, gameplay hấp dẫn.
Tại Việt Nam, phát triển boardgame vẫn còn là một lĩnh vực mới mẻ, nhiều tiềm năng cũng nhiều rủi ro, đặc biệt là khi có sự xuất hiện của các yếu tố văn hóa dân gian Việt. Rút kinh nghiệm từ các dự án trước để có hướng đi đúng đắn, nhà phát triển boardgame Thần Tích đã có nhiều nỗ lực đáng công nhận để mang đến một tựa game đậm chất Việt mà không thiếu đi sự sáng tạo, gameplay hấp dẫn.
Thần Tích được giới thiệu là một boardgame lấy yếu tố kỳ ảo, thần thoại, cổ tích Việt làm bối cảnh chính. Trong quá trình thực hiện, team làm game Thần Tích gặp không ít thử thách, gian nan, nhưng KEIG Studio vẫn không ngừng nỗ lực xây dựng một thế giới thần thoại Việt hoàn chỉnh.
Mới đây, KenhTinGame đã có một buổi phỏng vấn với nhà sản xuất Lê Mạnh Cương để được nghe những chia sẻ về quá trình hoàn thiện game Thần Tích.
PV: Chào Cương, bạn có thể giới thiệu qua về bản thân mình được không?
Lê Mạnh Cương: Trước đây, mình học kiến trúc trường Xây Dựng, sau đó nghỉ học chuyển qua làm game. Trong 5 năm mình chủ yếu là mobile game, vẽ minh họa các nhân vật. Sau 5 năm, mình chuyển qua làm cho công ty sản xuất Dota 2, thiết kế trang phục cho khoảng hơn 20 nhân vật trong game này, cũng gọi là có chút tiếng tăm ở cộng đồng Dota 2.Tiếp sau đấy, mình chuyển qua làm cho một công ty Nhật trong một dự án cardgame của Marvel Studio. Mình bắt đầu thích card game và ước mơ làm một dự án cardgame dựa trên các nhân vật thần thoại, cổ tích Việt Nam, mà trong đó các nhân vật đều có sức hấp dẫn như nhân vật Marvel.
PV:Bạn có thể giới thiệu về dự án Thần Tích? Từ đâu mà Cương lại đưa ra quyết định khởi động dự án "Thần Tích"?
Lê Mạnh Cương: Trước đây, mình ấp ủ ước mơ biến các nhân vật thần thoại, cổ tích Việt Nam trở nên hấp dẫn, có thể sánh ngang với Thor, Zeus hay các nhân vật trong những thần thoại khác trên thế giới. Mình muốn xây dựng một thế giới mà các nhân vật này có một câu chuyện liên kết, lôi cuốn, để cho các bạn trẻ có thể biết nhiều hơn, tự hào hơn về thần thoại Việt Nam.
Vậy nên mình bắt tay vào dự án Thần Tích, sử dụng ngôn ngữ chính là cardgame. Dòng game mình theo đuổi tương tự như Yu-Gi-Oh, đó là trading cardgame, có nghĩa là người chơi sẽ đi thu thập các thẻ bài của nhân vật, xây dựng một bộ bài với chiến thuật riêng của mình để đấu với người khác.
PV: Bạn đã từng tham gia thiết kế rất nhiều các sản phẩm về các thể loại game khác nhau, ở cả trong và ngoài nước. Vì sao bạn và các công sự lại chọn để thể hiện Thần tích dưới dạng board game vậy?
Lê Mạnh Cương: Cách đây 5-6 năm, boardgame bắt đầu xâm nhập mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam. Người chơi bắt đầu chơi boardgame nhiều hơn, mang những bộ boardgame như Mèo Nổ, Uno hay Ma Sói đến những quán cafe thay vì chỉ bấm điện thoại. Mình thấy điều đó rất là hay. Boardgame so với video game cũng hay hơn ở chỗ người chơi mới hay cũ đều ngay lập tức có thể chơi, mọi người bình đẳng với nhau, có thể chơi vui vẻ cùng nhau được. Hầu hết videogame hiện tại đều chơi theo kiểu cày cuốc, người chơi rất khó đồng hành với nhau vì sự chênh lệch cấp độ lớn. Boardgame còn hay ở chỗ người chơi có thể tương tác trực tiếp, nói chuyện và hiểu người đối diện mình là người thế nào. Một lý do nữa là phát triển boardgame sẽ đơn giản hơn videogame, nhất là với tầm cỡ mà mình muốn theo đuổi.
PV: Qua các hình ảnh đầu tiên của game, công chúng có thể thấy được đội ngũ Thần Tích đưa các nhân vật như Sơn Tinh, Thủy Tinh hay Mị Nương vào game. Không biết, nhóm thiết kế có thể bật mí xem còn có các nhân vật nào nữa không?
Lê Mạnh Cương: Cổ tích và thần thoại Việt Nam rất phong phú, không chỉ các nhân vật nổi tiếng mà còn có các vị thần hay yêu ma quỷ quái từ các dân tộc khác. Ví dụ như thần Mặt Trời, sử thi Đam San, họ chưa nổi tiếng nhưng nhờ tạo hình và qua việc chơi game, mình sẽ biến những nhân vật này trở nên gần gũi hơn. Mình cũng cho rằng là sẽ không thiếu các nhân vật để khai thác trong các thần thoại, cổ tích của Việt Nam.
PV: Trước đây, cũng đã có 1 số tựa game lấy đề tài lịch sử Việt Nam và gây ra rất nhiều tranh cãi về mặt thiết kế. Vậy, đội ngũ Thần Tích có cảm thấy e ngại điều này không và có lo rằng công chúng sẽ có đánh giá kỹ lưỡng với sản phẩm đầu tay của các bạn?
Lê Mạnh Cương: Trước khi dự án bắt đầu, mình cũng thống nhất rằng dự án sẽ mang lại sự tích cực. Sự tích cự đến từ việc khi người ta thấy một nhân vật đẹp, không mang đến cảm giác khó chịu, phản cảm, thì là một nhân vật thành công. Một nhân vật đẹp nhưng tạo cảm giác phản cảm, không phù hợp thì sẽ không thành công, và mình sẽ cố gắng tránh.
Các nhân vật của mình đều hướng đến hai tiêu chí: Đầu tiên là "ngầu", thứ hai là đẹp. Đó cũng là lý do mình muốn khai thác các nhân vật trong thần thoại, vì họ chưa có tạo hình cố định trong mắt người chơi. Người chơi chưa tưởng tượng được nhân vật đó cụ thể trông như thế nào, và mình muốn là người đi đầu để phổ biến tạo hình các nhân vật thần thoại bằng game.
Game cũng có một điểm hay vì đó là thế giới fantasy, mọi người sẽ đánh giá không quá khắt khe đối với tạo hình như là các nhân vật lịch sử. Với nhân vật lịch sử, thứ nhất họ là những người có thật, thứ hai họ có rất nhiều ghi chép, hình ảnh hay tượng để tham khảo đối chiếu. Nếu mình đi quá xa so với tạo hình, tư liệu đó sẽ dễ gặp phải phản đối từ khán giả.
PV: Theo bạn, tựa game của bạn có thể mang đến điều gì đó mang tính giáo dục cho các bạn trẻ không?
Mình nghĩ từ giáo dục thì hơi nặng nề, mà là phổ biến thì đúng hơn. Mình đã cho nhiều người tham khảo, đọc và thử Thần Tích. Có nhiều tích truyện sâu hơn về lĩnh vực này mà không nhiều người biết đến, khiến người ta ngạc nhiên về xuất xứ hay câu chuyện của họ. Mức hiểu biết về thần thoại, cổ tích của người Việt Nam vẫn khá "nông", mình cố gắng đưa cả những điều đã biết rồi và những cái mới mà người ta chưa biết vào game. Người chơi sẽ biết thêm rất nhiều điều về cổ tích, yêu thích và tự hào hơn về cổ tích, thần thoại Việt Nam.
PV: Hiện tại, tầm nhìn và mục tiêu của nhóm trong năm 2021 là gì? Bạn có thể chia sẻ về quyết định gây quỹ cộng đồng tựa game này không?
Lê Mạnh Cương: Mục tiêu của mình trong năm nay là phát hành thành công Thần Tích phiên bản season đầu tiên. Từ giờ đến cuối năm có thể có nhiều season nữa, nhiều card mới và content mới đến từ team của mình. Là trading cardgame, nên Thần Tích sẽ còn nhiều card mới và nhân vật mới ra mắt sau khi mọi người đã thử chơi phiên bản đầu tiên. Đó là mục tiêu chính của team mình trong năm nay.
Lý do mình gây quỹ là để mọi người biết đến dự án nhiều hơn; thứ hai là để quảng bá các sản phẩm khác ngoài game trong Thần Tích. Đó là những sản phẩm để mình xây dựng một vũ trụ Thần Tích sâu hơn, như truyện tranh, truyện minh họa, thậm chí là video game. Đây cũng là mục tiêu dài hạn của team mình khi phát triển Thần Tích.
PV: Cảm ơn Cương và chúc bạn đạt được nhiều thành công với Thần Tích.
Theo dự kiến, Thần Tích sẽ bắt đầu chiến dịch gây quỹ cộng đồng trong tháng 6 và sớm tung ra những phiên bản cardgame đầu tiên. Mặc dù dự án mới bắt đầu nhưng Thần Tích đã nhận được nhiều sự ủng hộ tích cực với hy vọng rằng trong tương lai, sẽ có nhiều tựa game và sản phẩm giải trí đậm chất văn hóa Việt được giới trẻ ưa chuộng hơn.