Trước hết, chúng ta hãy quay ngược lại dòng thời gian vào thời điểm năm 1964, khi 2 kĩ sư Douglas Engelbart và William English tại Viện nghiên cứu Stanford (SRI) vừa sáng chế một thiết bị ngoại vi cho phép người dùng tương tác trực tiếp với máy tính. Vào thời điểm đó, giao diện người dùng của hệ điều hành trên máy tính khá đơn giản. Để thực hiện các tác vụ, người dùng cần gõ câu lệnh bằng bàn phím.
Ban đầu, Douglas Engelbart là người đưa ra ý tưởng về việc phát triển một thiết bị điều khiển máy tính mới. William English sau đó đã hiện thực ý tưởng trên với một thiết bị được gọi là "thiết bị định hướng vị trí X-Y trên màn hình". Tuy nhiên, tên gọi này không thực sự bắt tai, buộc cả 2 kĩ sư của SRI phải nghĩ ra một cái tên mới.
Nguyên mẫu chuột máy tính đầu tiên
Rất tự nhiên, "thiết bị định hướng vị trí X-Y trên màn hình" sau đó đã được Douglas Engelbart và William English gọi là "chuột", đơn giản vì phần ngoại hình và kích thước của nó trông khá tương đồng với…một con chuột thật! Cụ thể, phần "thân chuột" có chứa các thiết bị điện tử và các nút bấm, trong khi "đuôi chuột" là sợi dây kết nối với máy tính.
Khi được hỏi ai đã đặt tên cho phát minh nổi tiếng nhất của mình, Doug Engelbart nhớ lại: "Không ai có thể nhớ được. Nó trông giống như một con chuột có đuôi, và tất cả chúng tôi đều gọi nó như vậy ".
Bản thân tên gọi ‘chuột’ cũng lần đầu tiên được nhắc đến với công chúng vào năm 1965, khi ấn phẩm công nghệ của Bill English ra mắt. Tên gọi này đã dần trở nên phổ biến hơn vào sau này, khi các mẫu máy tính gia đình như Macintosh của Apple hay Amiga của Atari được sản xuất trên quy mô lớn.
So với chuột máy tính ở thời điểm 2020, mẫu chuột máy tính ‘thủy tổ’ thực sự…đơn sơ và khác biệt hoàn toàn. Nó đơn thuần là một chiếc hộp gỗ thông với hai bánh lăn bên dưới để di chuyển trên bề mặt phẳng. Các linh kiện bên trong sẽ theo dõi chuyển động của hai bánh xe nhỏ khi người dùng di chuyển thiết bị.
Khá thú vị, phần ‘đuôi" của mẫu chuột máy tính đầu tiên được đặt hoàn toàn ngược hướng so với các mẫu chuột hiện tại, tức hướng về phía cánh tay người dùng. Tuy nhiên, kiểu đặt dây này đã nhanh chóng thay đổi sau đó, khi Douglas Engelbart và William English nhận ra dây chuột có thể vướng vào cổ tay người dùng.
Các mẫu chuột máy tính của Apple từ thời kỳ đầu cho tới hiện tại
Vào năm 1971, William English rời SRI và gia nhập hãng công nghệ Xerox PARC. Tại đây, ông đã phát minh ra chuột bi, với phần bánh lăn ở bên dưới chuột được thay bằng một viên bi, giúp cho chuột di chuyển tốt hơn và nhiều chiều hơn.
Mặc dù liên tục được nâng cấp trong giai đoạn sau đó, tuy nhiên, phải cho đến khi giao diện người dùng ra đời vào năm 1981, chuột máy tính mới phát huy được sức mạnh vượt trội của mình so với các thao tác bằng bàn phím và lệnh quen thuộc trước đó. Có thể nói, sự phát triển của cả hai nhân tố này gắn bó chặt chẽ với nhau và chúng đã tạo nên bộ mặt mới của giới công nghệ.