Du hành thời gian luôn là 1 trong những yếu tố yêu thích nhất của các nhà làm phim khoa học viễn tưởng, bởi mức độ ảo diệu đến mức rối não mà nó mang lại chính là những gì mà fan hâm mộ mong đợi nhất ở 1 tác phẩm sci-fi. Tuy nhiên, vì du hành thời gian chỉ là 1 lý thuyết chưa được chứng minh trong thực tế, nên mọi franchise đều sẽ phải tự bịa ra những quy tắc logic nhất có thể của riêng mình. Đôi khi, những quy tắc đó lại khá lỏng lẻo, không đủ sức thuyết phục, và được xử lý rất vụng về. Nhưng chúng ta sẽ không nói quá nhiều đến vấn đề này, bởi suy cho cùng phim ảnh cũng chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng, chứ không phải 1 bài nghiên cứu khoa học.
Sau hơn 1 thập kỷ tồn tại và phát triển, Marvel Studios cuối cùng cũng đã đưa yếu tố du hành thời gian vào sản phẩm của mình 1 cách rõ nét, thông qua bom tấn Avengers: Endgame. Điều này cũng cho phép họ phát triển mô hình vũ trụ song song (Multiverse), và các thực tại mới sẽ được tạo ra như 1 phần kết quả khi con người hack timeline để trở về quá khứ. Tuy nhiên, ngay trong nội bộ của Marvel, đội ngũ đạo diễn và biên kịch vẫn có nhiều bất đồng quan điểm về yếu tố này.
Marvel Studios chính thức đưa yếu tố du hành thời gian và vũ trụ song song vào Avengers: Endgame.
Theo ý tưởng của các nhà biên kịch, 1 dòng thời gian mới được tạo ra khi và chỉ khi ít nhất 1 viên đá vô cực biến mất khỏi dòng thời gian cũ. Ví dụ rõ nét nhất chính là khi Loki năm 2012 lấy được khối Tesseract và biến mất vào hư không, và rồi mang đến hẳn 1 series cho riêng mình trên Disney+ để nói về thực tại mới của mình.
Trong khi đó, các đạo diễn thì tin rằng bất cứ hành động nào đi ngược lại với dòng chảy thời gian đều có thể gây ra hậu quả tương tự. Điều này lý giải vì sao khi Steve Rogers quay trở về quá khứ để trả lại đá vô cực, đồng thời lựa chọn ở bên người mình yêu, lại tạo ra 1 thực tại mới - thực tại mà Captain America của Avengers không tồn tại.
Với cuốn sách The Wakanda Files mà Marvel mới xuất bản gần đây, quy tắc du hành thời gian của MCU lại càng trở nên hại não hơn nữa nhờ những phát hiện mới của Tony Stark. Không chỉ nhìn thấu thuyết vũ trụ song song từ trước khi Endgame xảy ra, gã tỉ phú lắm tài nhiều tật này còn lý giải điều gì sẽ sinh ra 1 nhánh timeline mới, nếu áp dụng giải pháp dải Möbius.
Tony Stark đã có những phát hiện mới về thuyết vũ trụ song song, nhưng điều đó lại càng làm cho các nguyên tắc du hành thời gian trong MCU trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.
Trong file mã hóa lưu trữ trong hệ thống tại trụ sở Avengers, Stark cho biết: “Đáng lý ra cái thứ khoa học lý thuyết này (du hành thời gian) không nên được thử nghiệm, chứ đừng nói đến việc tạo ra được 1 hệ thống mô phỏng thành công. Tôi từng đọc rất nhiều lần nghiên cứu “Cơ học lượng tử trong các dòng chảy gần giống với dòng thời gian” của Deutsch để đảm bảo mình không bỏ sót bất cứ chi tiết nào. Khi sử dụng mô hình này, mọi sự việc thay đổi trong quá khứ sẽ không bao giờ ảnh hưởng đến vòng tuần hoàn của thời gian. Tuy nhiên, nó có thể tạo ra những nhánh timeline khác. Thế nhưng đừng lo về vấn đề đó quá nhé. Hãy cứ tập trung vào thực tại của chúng ta đã, đừng tự làm mình rối trí làm gì”.
Phát hiện của Stark đóng 1 vai trò quan trọng trong việc giải đáp câu hỏi liệu hành động trở về và ở lại quá khứ của Captain America ở đoạn cuối Endgame có tạo ra 1 nhánh timeline mới hay không. Theo Stark, mô hình Möbius không có phép chúng ta thay đổi quá khứ, mà chỉ có thể, về mặt lý thuyết, tạo ra 1 thực tại song song khác mà thôi. Như vậy, không cần quan tâm đến việc những viên đá vô cực có biến mất hay không, Cap cũng đã có thể tạo ra 1 dòng chảy thời gian mới, bởi đơn giản là anh đã tự thêm vào lịch sử 1 yếu tố chưa từng có trước đây - chính là bản thân anh.
Nghiên cứu của Stark giải quyết được 1 vấn đề quan trọng của Endgame, nhưng lại để lại quá nhiều khúc mắc khác có thể ảnh hưởng đến tương lai của MCU.
Thế nhưng, rắc rối nằm ở chỗ phát hiện của Stark chỉ đúng đối với mô hình Möbius, chứ không thể áp dụng cho nguyên tắc du hành thời gian của cả MCU. Và điều này lại khiến nảy sinh ra 1 vấn đề mới: Rất có thể các thiên tài, các nhà vật lý khác sẽ phát minh ra những phương pháp, công nghệ thời gian mới. Và mỗi phương pháp này sẽ lại có nguyên tắc hoạt động cũng như sức ảnh hưởng đến thời gian của riêng mình.
Công nghệ của Stark không thể sử dụng để thay đổi quá khứ. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc các công nghệ khác cũng vậy. Và chưa chắc mô hình Möbius là giải pháp du hành thời gian duy nhất trong MCU. Theo 1 số nguồn tin cho biết, nhân vật phản diện chuyên hack timeline Kang the Conqueror sẽ chính thức xuất hiện trong Ant-Man 3, do Jonathan Majors thủ vai. Chưa biết chừng hắn sẽ còn mang đến nhiều yếu tố rối não hơn nữa cho quy tắc du hành thời gian trong vũ trụ điện ảnh rộng lớn này.
Theo ScreenRant