Vào ngày 10/5 vừa qua, Bệnh viện K Trung ương đã tiến hành báo cáo kết quả thử nghiệm hệ thống IBM Watson for Oncology (IBM WFO) trong hỗ trợ điều trị ung thư. Theo như báo cáo, dựa trên hơn 200 hồ sơ bệnh án, hệ thống Trí tuệ nhân tạo (AI) đã đưa ra phác đồ tương đồng tới hơn 90% so với các phương án của bác sĩ. Đây chắc chắn là một tin vui cho các bệnh nhân ung thư ở nước ta hiện nay, bởi trong tương lai, AI có thể sẽ là phương án tối ưu nhất trong phòng và điều trị căn bệnh ung thư nói riêng cũng như những bệnh khác nói chung.
Bác sĩ Đào Văn Tú cho biết, hiện phần mềm chỉ có vai trò hỗ trợ, cần người có chuyên môn nhập dữ liệu đầu vào thì kết quả mới chính xác. Với bệnh ung thư vú phát hiện giai đoạn sớm, tỷ lệ tương đồng giữa phác đồ của bác sĩ và hệ thống lên đến 97%. Điều đó cho thấy những phác đồ bác sĩ Việt Nam đang áp dụng so với các phác đồ trên thế giới tương đồng rất cao. 7 trường hợp cho kết quả không tương đồng trong thử nghiệm này là những ca khó, hoặc do loại thuốc thế giới có nhưng chưa được sử dụng tại nước ta...
Có thể thấy, Trí tuệ nhân tạo đang ngày càng trở nên phổ biến và đóng một vai trò nhất định trong đời sống con người. Công nghệ Trí tuệ nhân tạo thì ngày càng được quan tâm và phát triển, không chỉ đơn thuần là công cụ hỗ trợ những việc nhỏ nhặt cho con người, giờ đây, Trí tuệ nhân tạo đã góp một phần không nhỏ vào nhiều lĩnh vực khác nhau như y học, giáo dục, công nghiệp hay thậm trí là cả nghành giải trí.
Còn nhớ vào năm ngoái, Trí tuệ nhân tạo còn được ứng dụng vào môn cờ vây và thậm trí là các bộ môn thể thao điện tử, cụ thể là Liên Minh Huyền Thoại và Dota 2. Khi mà trí tuệ nhân tạo của Google đã đánh bại kiện tướng cờ vây số 1 thế giới là Ke Jie, hay Open AI của tỷ phú Elon Musk đánh bại game thủ chuyên nghiệp Dendi của Dota 2 một cách đầy thuyết phục tại The International 7, và còn rất rất nhiều thành tích đáng nể nữa của trí tuệ nhân tạo khiến chúng ta phải trầm trồ kinh ngạc…
Với những tiềm năng sẵn có của mình, Trí tuệ nhân tạo đã và đang giành được nhiều sự chú ý không nhỏ đối với các nhà đầu từ trên thế giới, điển hình như tỷ phú Elon Musk hay mới đây nhất là Trung Quốc với việc chi hàng tỷ đô la Mỹ để tập trung phát triển công nghệ này… thì có lẽ, những hình ảnh trong các bộ phim viễn tưởng sẽ không còn là một điều quá xa vời đối với loài người chúng ta, nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay.
Tuy nhiên, đi kèm với những khả năng mà AI có thể đạt được, đó là những hệ lụy tất yếu. Nhà vật lý cao cấp Stephen Hawking đã từng cho rằng sự xuất hiện của Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể là "sự kiện tồi tệ nhất trong lịch sử văn minh của nhân loại" trừ khi xã hội tìm được cách kiểm soát sự phát triển của nó. Và như những gì chúng ta thấy trong các bộ phim khoa học viễn tưởng, thì con người luôn là những kẻ đã lạm dụng quá mức Robot và Trí tuệ nhân tạo, từ đó dẫn đến những hậu quả khôn lường như việc máy móc không nghe lệnh con người, AI chiếm quyền kiểm soát mọi thứ…
Những gì mà AI đã và đang làm được cho cuộc sống con người là không thể phủ nhận, và liệu AI có kiểm soát hay gây những hệ lụy xấu tới con người như trong phim ảnh hay không thì đó vẫn là một dấu hỏi lớn cần được thời gian trả lời.