Nhờ có Internet và mô hình trò chơi dưới dạng dịch vụ, video games đã tìm ra rất nhiều cách để kiếm tiền. Một số trò chơi như Valorant và Fortnite thu lợi nhuận bằng việc mua vật phẩm trong game, nhiều trò chơi khác như Genshin Impact lại sử dụng cơ chế gacha đang ngày càng phổ biến trong game di động.
Trong game gacha, người chơi phải bỏ tiền để loot những vật phẩm/nhân vật ngẫu nhiên. Từ skin, vũ khí, card, cho đến nhân vật, mô hình gacha rất đa dạng và kiếm được nhiều tiền hơn các giao dịch in-game thông thường. Một số người không thích thể loại gacha hoặc coi nó là một hệ thống "lừa đảo", nhưng các game gacha như Fate/Grand Order, Genshin Impact, Arknight,... vẫn phát triển mạnh mẽ, thu hút nhiều người chơi.
Trên thực tế, nhiều fan không ngại ngần chi hàng trăm triệu hay nhiều hơn vào các game này. Những người này được cộng đồng game gọi là "whale" (cá voi). Nhiều người sử dụng thuật ngữ này không biết nó xuất phát từ đâu, nhưng vì đơn giản, dễ nhớ, thuật ngữ này được cả người chơi Việt Nam và quốc tế sử dụng để ám chỉ những người "chịu chơi" trong gacha game.
Khái niệm về "whale" khá đơn giản: Đó là những người tiêu nhiều tiền cho một trò chơi gacha, nhiều hơn số tiền mà trung bình một người có thể chi. Số tiền này có thể lên tới hàng chục nghìn USD. Việc các NSX luôn khuyến khích người chơi hệ triệu phú chi mạnh tay cho tựa game của họ có thể gây tranh cãi. Nhưng cũng không thể phủ nhận, các "đại gia" này đóng vai trò quan trọng trong việc tựa game có phát triển tốt hay không.
Vậy thuật ngữ "whale" bắt nguồn từ đâu? Giống như bản chất khá "xảo trá" của gacha game, "whale" có nguồn gốc từ ngành công nghiệp cờ bạc. Đồng nghĩa với từ "whale" là "high roller", những người đánh bạc với số tiền cực kỳ lớn, đặc biệt trong các trò chơi như poker. Các nhà điều hành sòng bạc đều cố gắng "săn cá voi", thu hút và duy trì những nguồn tiền khổng lồ này.
Khi game gacha trở nên phổ biến, cộng đồng game thủ đã mượn thuật ngữ "whale" từ giới đánh bạc và áp dụng nó với những người chơi hệ đại gia, bỏ ra số tiền lớn dựa trên may rủi để giành được vật phẩm trong game.
Tuy nhiên, với sự phát triển đa dạng của gacha game, "whale" cũng có dạng này dạng kia. Một số có thể là những gamer không chuyên, có thời gian rảnh rỗi và điều kiện tài chính tốt để chi tiêu vào game. Một số "whale" khác lại được xem là bộ mặt của tựa game đó, có thể là streamer hay các tuyển thủ chuyên nghiệp.
Các trò chơi như Genshin Impact đã tận dụng những chú "cá voi" này để thu hút thêm người chơi cho game. Tận dụng các Youtuber, streamer, content creator hay người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội, các nhà phát hành sẽ trao cho họ một số quyền lợi nào đó để họ tiếp tục quảng bá và đầu tư vào game.
Tất nhiên, thuật ngữ "whale" không chỉ được sử dụng trong game gacha, nhưng ngày nay đã gắn liền với dòng game này. Thậm chí, cư dân mạng còn không ngại sáng tạo các thuật ngữ mới dựa trên "whale", như "Megalodon", "Poisedon" để ám chỉ những người chơi đã chi số tiền khổng lồ vào game.
Không phải ai cũng thích cơ chế game gacha. Nhiều người cho rằng hệ thống này hại nhiều hơn lợi, là chiêu trò để người chơi lôi kéo nhau chi nhiều tiền hơn. Nhưng điều đó cũng không ngăn được nhiều người đã chi hàng trăm triệu hoặc nhiều hơn vào game. Dù tốt hay xấu, gacha game vẫn có ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp video games sau này.