‘Drama’ bủa vây series tiền truyện The Witcher: Điểm số thấp tệ hại, bị tố vi phạm bản quyền hình ảnh

Vũ trụ The Witcher đã có màn trở lại không mấy thuận lợi vào cuối năm 2022 vừa qua.

Vũ trụ Thợ săn quái vật đã trở lại trên Netflix vào ngày 25/12 vừa qua với dự án tiền truyện The Witcher: Blood Origin. Lấy bối cảnh 1200 năm trước những sự kiện xảy ra trong series chính, bộ phim này đã mang đến cho khán giả những cái nhìn sâu hơn về lịch sử của vùng đất Lục Địa thần bí, về sự ra đời của witcher đầu tiên trên thế giới, về nguồn gốc của dòng máu cổ xưa (Elder Blood) cũng như nhiều cột mốc quan trọng khác.

‘Drama’ bủa vây series tiền truyện The Witcher: Điểm số thấp tệ hại, bị tố vi phạm bản quyền hình ảnh - Ảnh 1.

The Witcher: Blood Origin lấy bổi cảnh hơn 1000 năm trước những sự kiện trong The Witcher - Ảnh: Netflix.

Với những thành công mà The Witcher đã đạt được sau 2 mùa phim đầu tiên, không có gì bất ngờ khi Blood Origin lại là một trong những cái tên nhận được nhiều sự quan tâm nhất trên Netflix trong năm 2022 vừa qua. Thế nhưng, khác xa với “những người anh em” như series chính hay dự án hoạt hình The Witcher: Nightmare of the Wolf, những gì mà Blood Origin mang về chỉ là số điểm thấp đến tệ hại và vô vàn lời đánh giá tiêu cực, cùng với đó là những lùm xùm liên quan đến vấn đề bản quyền hình ảnh.

The Witcher: Blood Origin thất bại toàn diện trong mắt giới chuyên môn lẫn khán giả đại chúng

Ra mắt vào dịp lễ hội cuối năm, The Witcher: Blood Origin đã nhanh chóng thống trị bảng xếp hạng Netflix trong tuần đầu tiên lên sóng. Đã từng có thời điểm, series này leo lên vị trí đầu tiên của bảng xếp hạng Top 10 bộ phim được nhiều người theo dõi nhất, vượt qua cả hiện tượng Wednesday hay Alice in Borderland mùa 2.

Tuy nhiên, tạp chí Forbes đã nhận định rằng đây thực chất là một con dao hai lưỡi, bởi số lượng người xem càng cao, mức độ thất bại sẽ càng trở nên nghiêm trọng. The Witcher: Blood Origin không những bị các chuyên trang lớn chê tả tơi, mà còn ghi tên mình vào lịch sử khi trở thành series được đánh giá thấp nhất trong lịch sử Netflix, tính đến thời điểm hiện tại.

‘Drama’ bủa vây series tiền truyện The Witcher: Điểm số thấp tệ hại, bị tố vi phạm bản quyền hình ảnh - Ảnh 2.

The Witcher: Blood Origin liên tục nhận được những số điểm tệ hại trên các trang đánh giá lớn - Ảnh: Rotten Tomatoes.

Cụ thể, trên Rotten Tomatoes, tiền truyện của The Witcher nhận được đánh giá “héo” với số điểm 32% (điểm chuyên môn) và 13% điểm khán giả. Tình hình cũng không khả quan hơn trên một số website khác, ví dụ như IMDb - 4,4/10 điểm sau 27.000 lượt review; hay 45 điểm từ 15 nhà bình và 1,1 điểm từ 256 khán giả trên Metacritic. Rõ ràng, về mặt số liệu, Blood Origin không phải là món quà lý tưởng nhất mà Netflix nhận được trong dịp Giáng sinh 2022 vừa qua.

Đi kèm với điểm số bết bát đương nhiên sẽ là những lời nhận xét cực kỳ tiêu cực đến từ hàng loạt reviewer của những tờ báo, trang tin lớn. Cây viết Erik Kain của Forbes nhận định: “Một series ngắn tồi tệ, không có giá trị gì đối với series chính, và cũng không hề liên quan một chút nào đến nguyên tác. Nó quá tẻ nhạt và mang đến quá nhiều thay đổi không cần thiết cho lịch sử của vũ trụ The Witcher”.

Cây viết Narayan Liu cũng đồng tình với quan điểm đó và cho rằng Blood Origin đã bỏ quên những yếu tố đặc trưng nhất của The Witcher: “Netflix đã cố mang đến một vùng đất Lục Địa mới mẻ và khác biệt hơn. Thế nhưng, họ lại chỉ tập trung đẩy nhanh mạch truyện để giới thiệu hàng loạt nhân vật mới của mình mà quên đi mất sự quan trọng của việc xây dựng bối cảnh, xây dựng thế giới và những nguyên tắc đầu tiên trong việc phát triển kịch bản, cốt truyện”.

Ani Bundel, biên tập viên của NBC, cho rằng Blood Origin là một bước thụt lùi của The Witcher và có thể ảnh hưởng đến tương lai của series này: “Một bộ phim bạo lực một cách không cần thiết. Dường như họ đã quên mất những yếu tố đặc trưng làm nên thành công của The Witcher. Đây thực sự là một dấu hiệu đáng lo ngại cho franchise này, đặc biệt là sau khi họ đã đánh mất nam chính Henry Cavill”.

The Witcher: Blood Origin bị giới họa sĩ tố vi phạm bản quyền hình ảnh

‘Drama’ bủa vây series tiền truyện The Witcher: Điểm số thấp tệ hại, bị tố vi phạm bản quyền hình ảnh - Ảnh 3.

Netflix bị tố sử dụng các bức tranh của họa sĩ Shawn Cross trong cảnh phim cuối cùng của The Witcher: Blood Origin - Ảnh: Netflix.

Họa vô đơn chí, khi mà thất bại trong mắt giới phê bình và khán giả còn chưa nguôi ngoai, The Witcher: Blood Origin lại tiếp tục phải nhận trái đắng từ giới họa sĩ. Khoảng 1 tuần sau khi series này lên sóng, Netflix đã bị tố sử dụng trái phép tranh vẽ từ họa sĩ minh họa Shawn Cross.

Trên Twitter cá nhân, Cross đã đăng tải ảnh chụp phân đoạn cuối cùng trong Blood Origin và khẳng định đội ngũ sản xuất đã tự ý sử dụng các tác phẩm của anh để mô tả những loài quái vật mới xuất hiện tại Lục Địa. Nam họa sĩ thậm chí còn gắn thẻ trực tiếp tài khoản chính thức của The Witcher (@witchernetflix), nhưng lại không nhận được bất cứ phản hồi nào.

Cross nhận định rằng đây không hoàn toàn là lỗi của Netflix. Có thể một họa sĩ khác đã sao chép, chỉnh sửa lại tác phẩm của anh và nộp cho đội ngũ sáng tạo của dự án Blood Origin - những người không hề biết, và cũng không hề kiểm tra, nguồn gốc của những bức tranh đó. Cross cho biết tình trạng này xảy ra khá thường xuyên với giới họa sĩ, đặc biệt là những họa sẽ nhỏ, chưa có nhiều danh tiếng.

‘Drama’ bủa vây series tiền truyện The Witcher: Điểm số thấp tệ hại, bị tố vi phạm bản quyền hình ảnh - Ảnh 4.

Netflix đã chỉnh sửa tác phẩm của Cross để minh họa cho những loài quái vật mới xuất hiện trên Lục Địa sau sự kiện Kết Cầu - Ảnh: Twitter.

Bài đăng của Shawn Cross đã ngay lập tức nhận được sự chú ý từ phía cộng đồng mạng trên Twitter, với gần 500.000 lượt xem, hơn 1000 bình luận và hơn 7000 lượt yêu thích. Vụ lùm xùm này chẳng khác nào một can dầu đổ thẳng vào ngọn lửa phẫn nộ đang bùng cháy trong lòng người hâm mộ - những người vốn dĩ đã quá cảm thấy bức xúc trước cái cách mà Netflix xây dựng cốt truyện cho The Witcher: Blood Origin.

Là một nhà sáng tạo nội dung, tôi nghĩ anh nên nhờ đến pháp luật. Nếu là tôi thì tôi cũng sẽ làm vậy, và chắc chắn rất nhiều công ty luật sẽ tiếp nhận vụ việc này, bởi khả năng anh thắng kiện là rất cao mà không cần phải tốn quá nhiều công sức. Đừng để họ (Netflix) thoát tội sau khi đã ăn cắp những kiệt tác của mình”, người dùng Maximtoch bình luận.

Netflix Witcher lại tiếp tục “ghi điểm” rồi. Kịch bản dở tệ, đạo nhái hình ảnh, đã thế Cavill lại dứt áo ra đi nữa. Thôi thì dẹp luôn series đi cho rồi, nói nghiêm túc đấy”, người dùng Buffalo Billy chia sẻ.

Đến thời điểm hiện tại, Netflix vẫn chưa đưa ra thông báo chính thức liên quan đến vụ việc này. Và điều đó lại càng khiến cho The Witcher: Blood Origin thêm mất điểm trong mắt khán giả.

Nguyên nhân dẫn đến thất bại cay đắng của The Witcher: Blood Origin

‘Drama’ bủa vây series tiền truyện The Witcher: Điểm số thấp tệ hại, bị tố vi phạm bản quyền hình ảnh - Ảnh 5.

The Witcher: Blood Origin gặp quá nhiều vấn đề cả trong nội dung lẫn hình ảnh - Ảnh: Netflix.

The Witcher: Blood Origin gặp phải rất nhiều vấn đề lớn trong quá trình sản xuất. Netflix đã buộc phải rút ngắn thời lượng series này xuống còn 4 tập, thay vì 6 tập như dự kiến ban đầu để có thể kịp ra mắt vào dịp lễ Giáng sinh năm 2022. Điều này vô tình khiến cho mạch phim liên tục bị đẩy nhanh, lướt qua nhiều tình tiết, nhiều sự việc quan trọng và cuối cùng là mang đến một tác phẩm quá hời hợt, thiếu chiều sâu.

Bên cạnh đó, chất lượng kỹ xảo của series này cũng không được đánh giá quá cao, đặc biệt là sau khi The Witcher mùa 2 đã mang đến hình ảnh quá nịnh mắt và chân thật. Nói cách khác, cả về nội dung lẫn hình thức, Blood Origin đều mất điểm trầm trọng trong mắt khán giả.

Thời lượng phim có hạn là vậy, Blood Origin lại quyết định khai thác đến 7 nhân vật khác nhau, đó là còn chưa kể đến những vai phản diện. Đây đều là những nhân vật do Netflix tự sáng tạo cho series của mình, hoàn toàn không có trong nguyên tác. Điều đó đồng nghĩa với việc ngay cả những fan cứng cựa của bộ tiểu thuyết gốc cũng “mù tịt” về những nhân vật này.

Chính vì vậy, họ cần được khai thác nhiều hơn, cần có nhiều đất diễn hơn, cần có những câu thoại chứa đựng nhiều thông tin hơn để giúp khán giả có thể hình dung rõ hơn về lai lịch và xuất thân của họ. 

Tuy nhiên, những gì Netflix mang đến lại quá hời hợt, mơ hồ và không để lại ấn tượng trong lòng người xem. Điều này đã góp một phần không nhỏ dẫn đến thất bại của Blood Origin, bất chấp sự góp mặt của Dương Tử Quỳnh - ngôi sao đình đám nhất nhì Hollywood trong năm 2022 vừa qua.

‘Drama’ bủa vây series tiền truyện The Witcher: Điểm số thấp tệ hại, bị tố vi phạm bản quyền hình ảnh - Ảnh 6.

The Witcher: Blood Origin ra mắt đúng vào thời điểm khá nhạy cảm, khi mà fan còn chưa nguôi ngoai trước thông tin Henry Cavill sẽ rút khỏi The Witcher - Ảnh: Netflix.

Một nguyên nhân khác khiến cho Blood Origin không đạt được thành công như kỳ vọng đến từ thời điểm ra mắt. Series này lên sóng khi mà cộng đồng người hâm mộ vẫn đang sôi sục trước thông tin Henry Cavill sẽ rút khỏi dự án The Witcher sau khi mùa phim thứ 3 khép lại. Đã có quá nhiều chiến dịch, quá nhiều phong trào nổ ra yêu cầu Netflix giữ chân nam diễn viên và bám sát bộ tiểu thuyết gốc trong những mùa phim sắp tới.

Việc đội ngũ biên kịch sáng tạo kịch bản quá xa rời nguyên tác, đặc biệt là trong mùa phim thứ hai, được cho là nguyên nhân chính khiến Henry quyết định nói lời chia tay với vai diễn tâm huyết Geralt xứ Rivia.

Thế nhưng, Netflix lại tiếp tục đi vào vết xe đổ này với Blood Origin - một series mà họ hoàn toàn làm chủ nội dung từ đầu đến cuối, thậm chí còn thay đổi nhiều chi tiết so với thế giới witcher của nhà văn Andrzej Sapkowski. Chính điều đó đã khiến người hâm mộ cảm thấy bất mãn, khó chịu, bởi dường như những góp ý, những nhận xét mang tính xây dựng họ đều đã bị Netflix thẳng tay gạt bỏ.

Series chính của The Witcher sẽ trở lại với mùa phim thứ ba vào giữa năm 2023. Tuy nhiên, với những lùm xùm trong thời gian gần đây, cộng với thất bại toàn diện của Blood Origin, chắc chắn khán giả sẽ đặc biệt khắt khe với mùa phim này.

Nguồn: GameRant, ScreenRant, Netflix