Cleopatra (1963): Nhà sản xuất Walter Wagner ban đầu dự định thực hiện Cleopatra với 2 triệu USD, nhưng ông nhanh chóng nhận ra sai lầm khi riêng thù lao của ngôi sao Elizabeth Taylor đã lên tới 1 triệu USD. Con số được nâng lên 5 triệu USD, nhưng việc thay đổi bối cảnh quay giữa chừng từ London (Anh) sang Rome (Italy) và xây dựng thêm trường quay khiến con số vọt lên 31 triệu USD. Tính thêm chi phí phát hành, kinh phí thực tế của Cleopatra là 44 triệu USD - tương đương hơn 263 triệu USD tại thời điểm 2020 khi tính yếu tố lạm phát. Phim suýt nữa khiến hãng 20th Century Fox phá sản dù là tác phẩm điện ảnh ăn khách nhất năm.
The Lone Ranger (2013): Disney cảm thấy lo ngại trước khoản kinh phí có thể lên tới 250 triệu USD dành cho dự án điện ảnh dựa trên một thương hiệu cao bồi Viễn Tây ra đời từ năm 1933. Hãng bèn giảm quy mô một số cảnh hành động, kỹ xảo nhằm đưa con số xuống mức 215 triệu USD. Hai ngôi sao Johnny Depp và Armie Hammer cũng vui vẻ đồng ý bớt thù lao. Song, quá trình thực hiện trắc trở và chi phí phát sinh khiến con số lại leo lên mức 250 triệu USD. The Lone Ranger rốt cuộc trở thành “bom xịt” thảm hại khi chỉ thu hơn 260,5 triệu USD tại phòng vé.
Evan Almighty (2007): Phần tiếp theo của Bruce Almighty (2003) có kinh phí dự kiến là 140 triệu USD, nhưng con số thực tế lên tới 175 triệu USD. Nguyên nhân đến từ thời tiết xấu khiến quá trình quay phim thêm kéo dài. Ngoài ra, cát-xê dành cho Steve Carrell lên tới 5 triệu USD, và cảnh “Chiếc rương Noah” đòi hỏi kỹ xảo phức tạp hơn dự kiến. Trước tình hình đó, Sony quyết định nhường lại quyền phát hành bộ phim cho Universal. Thành tích tại phòng vé của Evan Almighty rốt cuộc chỉ là hơn 173 triệu USD.
The Hunger Games: Catching Fire (2013): Lionsgate thắng lớn với The Hunger Games (2012) khi bộ phim thu gần 700 triệu USD, trong khi chỉ tiêu tốn 78 triệu USD để sản xuất. Hãng phim nghĩ rằng phần hai cũng chỉ tiêu tốn cùng lắm 90 triệu USD. Nhưng riêng cát-xê của Jennifer Lawrence tăng từ 500.000 USD lên 10 triệu USD. Bối cảnh Đấu trường Sinh tử phức tạp hơn cũng buộc Lionsgate phải rút thêm hầu bao. Con số cuối cùng mà hãng phải bỏ ra là 130 triệu USD. Tuy nhiên, điều đó là xứng đáng khi Catching Fire được khen ngợi và mang về 865 triệu USD từ phòng vé toàn cầu.
Hugo (2011): Bộ phim được ví như “bức thư tình” dành cho bộ môn nghệ thuật thứ bảy của Martin Scorsese có phần hình ảnh và bối cảnh lung linh, huyền ảo. Tuy nhiên, kế hoạch thực hiện Hugo với 100 triệu USD của nhà sản xuất Graham King sớm đổ bể. Scorsese muốn ghi hình toàn bộ tác phẩm bằng máy quay 3D khiến mọi chuyện càng thêm phức tạp và kéo dài. Rốt cuộc, kinh phí của Hugo bị trội lên tới 160 triệu USD, trong khi doanh thu phòng vé sau đó chỉ là gần 186 triệu USD.
King Kong (2005): Để tái sinh quái vật King Kong, Peter Jackson được Universal rót cho 150 triệu USD. Song, khối lượng kỹ xảo đồ sộ khiến ngần ấy tiền không đủ. Khi kinh phí leo lên mức 175 triệu USD, Universal cảnh báo Jackson sẽ bị phạt nếu không kiểm soát tốt dự án. Nhà làm phim muốn tung ra bản phim dài ba tiếng và Universal chiều lòng ông. Song, điều đó khiến kinh phí tổng dừng ở mức 207 triệu USD, trong đó có 20 triệu USD thù lao cho Jackson. King Kong thoát lỗ với doanh thu hơn 560 triệu USD toàn cầu và nhận ba giải Oscar. Song, không rõ Peter Jackson cuối cùng có bị phạt như lời đe dọa hay không.
World War Z (2013): Bộ phim tận thế đề tài xác sống có Brad Pitt đóng chính khởi quay tại Malta với kinh phí dự trù 125 triệu USD. Nhưng quá trình ghi hình liên tục bị gián đoạn, và Paramount muốn thay đổi toàn bộ hồi ba của tác phẩm. Với thêm bảy tuần quay tại Budapest (Hungary), tổng kinh phí của World War Z bị trội lên mức 190 triệu USD. May mắn thay, sự ủng hộ của khán giả giúp tác phẩm thu 540 triệu USD tại phòng vé. Dẫu vậy, dự án phần hai đến nay vẫn nằm trong bóng tối.
Final Fantasy: The Spirits Within (2001): Cuối thế kỷ XX, hãng trò chơi Square muốn thực hiện một bộ phim hoạt hình dựa trên thương hiệu Final Fantasy. Họ tự thiết lập xưởng phim Square Pictures ở Honolulu (Hawaii, Mỹ), và đặt ra khoản ngân sách 70 triệu USD cho The Spirits Within. Nhưng tới khi tác phẩm hoạt hình có phần kỹ xảo cực kỳ phức tạp và đắt đỏ hoàn thành, con số leo lên mức 137 triệu USD. Đó là chưa kể khoản 40 triệu USD để thành lập Square Pictures. Khi The Spirits Within chỉ thu về 85 triệu USD, công chúng không bao giờ còn thấy bất cứ tác phẩm hoạt hình dài nào từ Square Pictures nữa.
Waterworld (1995): Khi bắt đầu được thực hiện, phiên bản trên mặt nước của Mad Max dự kiến tiêu tốn 100 triệu USD để sản xuất. Nhưng một cơn bão đã đánh sập toàn bộ phim trường được dựng lên ngay trước thời điểm khởi quay. Việc quay phim ngoài bối cảnh tự nhiên khiến mọi chuyện diễn ra không suôn sẻ. Rốt cuộc, Waterworld trở thành bộ phim đắt đỏ nhất lịch sử tại thời điểm ra mắt với kinh phí lên tới 175 triệu USD. Thu 264,2 triệu USD tại phòng vé, phim bị coi là “bom xịt”. Nhưng theo nhà sản xuất, doanh thu từ định dạng băng đĩa và bản quyền truyền hình sau đó đã giúp Waterworld hòa vốn.
Titanic (1997): James Cameron cũng được giao 100 triệu USD để kể câu chuyện bi kịch về con tàu Titanic. Quá trình quay kéo dài, hiệu ứng kỹ xảo phức tạp, nhà làm phim kỳ tài rốt cuộc đã tiêu tốn của Fox tới 200 triệu USD. Bộ phim dài 195 phút, tức trung bình mỗi phút của Titanic tiêu tốn hơn 1 triệu USD. Nhưng không ai có thể phàn nàn về điều đó, bởi bộ phim cuối cùng thu hơn 2 tỷ USD và giành 11 giải Oscar.
(Theo zingnews.vn)