Điện ảnh từng đơn giản và dễ hiểu: Những bộ phim với kịch bản chỉn chu, câu thoại được trau chuốt kỹ lưỡng, diễn xuất không có gì phải chê. Bạn cứ ra rạp là sẽ được thưởng thức hết. Giờ đây thì sao? Bạn có lẽ cũng không cần ra rạp, bối cảnh trong phim chắc cũng không tồn tại, thậm chí là diễn viên cũng là sản phẩm công nghệ. Một thập kỷ trong phim ảnh đã thay đổi ra sao?
1. Nền tảng trực tuyến trở nên phổ biến
Bạn có thể không tin nhưng Netflix mới chỉ triển khai dịch vụ trực tuyến được 10 năm và mãi tới 2015, Netflix mới tự sản xuất các bộ phim trên nền tảng của mình. Với phương châm chú trọng vào chất lượng hơn số lượng, các nền tảng phim trực tuyến như Netflix hay Amazon đã cho ra đời những tác phẩm ăn khách nhất của thập kỷ.
Amazon đứng đằng sau các bộ phim như Manchester by the Sea, You Were Never Really Here, Cold War và Netflix cũng có các tác phẩm điện ảnh chất lượng như Roma, Marriage Story, The Irishman. Chỉ trong vòng 10 năm, các nền tảng trực tuyến đã thay đổi đáng kể thói quen xem phim của khán giả trên toàn thế giới.
2. Sự trỗi dậy của những bộ phim thực tế (ảo)
Những hình ảnh được tạo ra từ công nghệ và đồ họa vốn không còn quá mới mẻ, kể cả trong thập kỷ trước. Tuy nhiên nó đã có bước nhảy vọt trong những năm gần đây. Chỉ trong năm 2018, người ta đã chứng kiến hàng loạt nhân vật trở lại với kỹ thuật de-aging (kỹ thuật thị giác nhằm tái hiện lại hình ảnh hồi trẻ của các nhân vật, đặc biệt trong các cảnh quay flashback) như Samuel L Jackson trong Captain Marvel, Arnold Schwarzenegger trong Kẻ Hủy Diệt…
Samuel L Jackson trong Captain Marvel
The Hobbit
Những đột phá công nghệ khác có thể kể tới như các cảnh quay với khung hình tốc độ cao đáng kinh ngạc trong series The Hobbit, sự phát triển của thực tế ảo (VR). Liên hoan phim Venice còn có một hạng mục riêng dành cho các bộ phim với công nghệ thực tế ảo. Nếu bạn lo sợ rằng chúng ta đang sống trong một Ma trận, đừng quên những bộ phim như Tangerine của đạo diễn Sean Baker được quay bằng 3 chiếc iPhone. Công nghệ của thế kỷ 21 đội khi được sử dụng để ghi lại thực tế, thay vì thay thế nó.
3. Thập kỷ của sự đa dạng
Khi Ridley Scott tuyển chọn dàn diễn viên cho bộ phim Exodus: Gods and Kings vào năm 2014, ông cho rằng dàn diễn viên lý tưởng nhất thủ vai những nhân vật Ai Cập cổ đại sẽ là Christian Bale, Joel Edgerton, Sigourney Weaver và Aaron Paul. Vấp phải lời chỉ trích rằng trông không ai trong số họ giống người Ai Cập, Scott cự cãi: "Tôi không thể làm một bộ phim với ngân sách như vậy…".
Christian Bale trong Exodus: Gods and Kings
Scott là một ví dụ về việc "tẩy trắng" diễn viên của Hollywood nhưng có vẻ công chúng không còn mặn nồng với việc Hollywood lôi các diễn viên da trắng vào những vai người da màu. Thiếu tính đa dạng là yếu tố then chốt dẫn đến những dòng hashtag đầy giận dữ #OscarsSoWhite khi danh sách các đề cử Oscar 2015 dường như toàn các diễn viên da trắng.
Một thập kỷ đã trôi qua với rất nhiều bộ phim được đánh giá cao khi để các diễn viên da màu được vào đúng vai của mình. Từ Black Panther, Spider-Man: Into The Spider-Verse cho tới Moonlight, tất cả đều đã thu được thành công nhất định về mặt phòng vé hoặc giải thưởng. Các chủ đề về phân biệt chủng tộc cũng xuất hiện trong nhiều bộ phim như The Help, 12 Years a Slave, Django Unchained, Selma, Green Book, BlacKkKlansman, Harriet và đều có được thành công vang dội. Oscars kể từ này đã không còn là sàn diễn của một thế hệ #Sowhite.
4. Oscars và một thập kỷ khác biệt
Hãy dành đôi lời để nói về sự thay đổi đáng kể của Oscars trong 10 năm qua. Đúng như đã đề cập ở trên, giải thưởng điện ảnh của Viện Hàn Lâm đã không còn là sân chơi của các nhà làm phim và diễn viên da trắng. Các tác phẩm của những nghệ sĩ da màu hoặc khai thác đề tài cuộc sống của người da màu đã có những thành công vang dội. Sự đa dạng là một yếu tố dễ nhận thấy trong Oscars suốt thập kỷ qua. Các đề cử dành cho những bộ phim về đề tài chiến tranh, sắc tộc, môi trường cũng xuất hiện nhiều. Phong trào #MeToo cũng đã giúp nữ giới có tiếng nói hơn trên sân chơi Oscars với những tác phẩm xuất sắc. Oscars từng lờ đi các bộ phim kinh dị suốt nhiều năm nhưng Get Out là một ngoại lệ. Sự đa dạng, có kể mãi cũng không hết được suốt 10 năm qua.
Indie movies (phim độc lập) xuất hiện ngày càng nhiều trong Oscars khi các công ty nhỏ cùng các bộ phim chi phí thấp gây được tiếng vang với giải thưởng điện ảnh Hàn Lâm. Whiplash, Boyhood hay Moonlight đều là các bộ phim với chi phí khiêm tốn được sản xuất bởi các studio vừa và nhỏ. Các ông lớn trong làng điện ảnh phải thực sự coi chừng các tác phẩm điện ảnh độc lập trong thập kỷ tới đây. Và có thể bạn đã biết, Roma của Netflix có được 10 đề cử Oscars, thắng ở 3 hạng mục trong năm vừa qua. Không chỉ sản xuất các series để khán giả binge-watch, Netflix cũng biết làm phim Oscars đấy chứ?
Roma - bộ phim được 10 đề cử Oscar của Netflix
Còn một điều dễ nhận thấy là số lượng đề cử cho Best Picture đã tăng vòn vọt từ năm 2010, mỗi năm tới 8-9 đề cử, khi trước đó chỉ có 5 bộ phim cho đề cử cao quý này (trừ giai đoạn 1930s, 1940s cũng có số lượng đề cử lớn). 2010 cũng là năm một nữ đạo diễn đầu tiên đạt giải đạo diễn xuất sắc nhất và giải thưởng biên kịch được trao cho một người Mỹ gốc Phi.
5. Tương lai của nữ giới
Ngày tàn của Harvey Weinstein đánh dấu sự trỗi dậy của phong trào Me Too và Time’s Up. Nó không chỉ chấm dứt vấn nạn xâm hại tình dục với nữ giới trong làng điện ảnh mà còn mở ra một thời kỳ mới khi phụ nữ được đối xử công bằng hơn, có tiếng nói hơn. Các bộ phim về nữ quyền chứng tỏ được sự thành công, nhiều liên hoan phim và các công ty hứa sẽ cân bằng tỷ lệ giữa các bộ phim của đạo diễn nam và đạo diễn nữ về ngưỡng 50/50, thu nhập của các diễn viên nữ không còn dưới ngưỡng so với diễn viên nam quá nhiều. Mọi thứ đang dần thay đổi, từng chút một trên toàn thế giới.
Bombshell - bộ phim tôn vinh phong trào Me Too và đề cao vai trò của nữ giới
6. Disney tiếp tục lên ngôi
Các nhà lịch sử điện ảnh sẽ nhớ mãi giai đoạn 2010-2019 và gọi bằng cái tên "thập kỷ Disney". Các bộ phim remake hay live-action lần lượt sống lại và đạt được những thành công đáng kể. Ngoạn mục hơn, Disney đã thâu tóm được các công ty như Marvel, Lukas film, sở hữu những franchise điện ảnh hái ra tiền trong thập kỷ vừa qua như Avengers, Star Wars. Disney cũng đã thâu tóm 20th Century Fox và tung ra nền tảng trực tuyến của riêng mình để cạnh tranh cùng Netflix. Thập kỷ 2020s có lẽ vẫn sẽ gọi tên Disney.
Disney - bá chủ của Hollywood
7. Siêu anh hùng thống trị toàn cầu
Siêu anh hùng, siêu anh hùng, người ta thấy "Siêu anh hùng" khắp màn bạc từ năm này qua năm khác. Hài hước thay, có lẽ mỗi tháng các hãng phim lớn sẽ lần lượt tung ra một nhân vật: X-Men từ Fox, Spider-man từ Sony, Superman, Batman, Wonder Woman hay Joker từ Warner Bros. Nhưng "nặng đô" hơn cả chắc chắn là Marvel Studios khi các làn sóng bom tấn siêu anh hùng của công ty này có thể càn quét mọi phòng vé dù ở bất cứ thời điểm nào trong năm, cả về số lượng phim và doanh thu áp đảo.
Các bộ phim "trá hình" siêu anh hùng cũng xuất hiện nhiều hơn dù rõ ràng nó thuộc về các dòng phim khác. Bạn không nghĩ Hobbs & Shaw, Doctor Sleep hay Frozen II là các bộ phim siêu anh hùng phải không? Trá hình cả thôi! Các studio cũng đang thi nhau copy mô hình "vũ trụ" của Marvel khi nhiều bộ phim đều có một mối liên kết chặt chẽ với một khung cảnh, hiện thực cụ thể. Đó là thế giới của Stan Lee; chúng ta chỉ sống trong đó mà thôi.
8. Phim kinh dị "đội mồ sống dậy"
Thập niên 2000 thực sự khiến fan phim kinh dị quá chán nản. Sự thành công của Saw đã khiến nhiều đạo diễn đam mê trong dòng phim máu me ghê rợn hơn là đánh vào sự sợ hãi của người xem. Các bộ phim làm lại cũng không ăn thua lắm với các kịch bản cũ mèm, câu chuyện đơn điệu. Nhưng hãy thử nhìn thập kỷ 2010s mà xem, quá nhiều bộ phim kinh dị với kịch bản mới mẻ, câu chuyện kinh dị thoát khỏi khuôn mẫu và đưa vào đó nhiều yếu tố xã hội, chính trị hơn. Các đạo diễn biết gửi vào đó nhiều nỗi sợ trong cuộc sống hiện đại hơn là nỗi sợ những thứ không có thực đầy "cliche".
Cần ví dụ ư? Get Out và Us của Jordan Peele quá đỉnh, Hereditary và Midsommar khôi phục niềm tin vào phim kinh dị của nhiều khán giả. Kể sơ sơ cũng có hàng chục bộ phim kinh dị xuất chúng khác để bạn xem lại trước khi chờ đón một thập kỷ mới.
9. Cái kết buồn của dòng hài kịch lãng mạn
Các bộ phim rom-com (hài kịch lãng mạn) thực sự đã nở rộ vào giai đoạn 1990s, lao dốc vào những năm 2000s và dần biến mất trong những năm 2010s. Đề tài cảm nắng "Một Ai đó" đã không còn màu mỡ để quá tập trung vào khai thác, các đạo diễn thích hơn khi khai thác các câu chuyện của những nhóm bạn, hảo huynh đệ và tình bằng hữu như Bridesmaids, This is the End, The World’s End. Nói vậy chứ dòng phim trên cũng không quá sắc nét trong giai đoạn 10 năm qua.
Hài kịch đã không còn là con cưng của Hollywood. Giai đoạn 2004 với các bộ phim thuần gây cười như Shaun of the Dead, Team America: World Police, Mean Girls, Sideways đã qua đi. Các đạo diễn và diễn viên phim hài kịch cũng dần chuyển hướng, thậm chí sang cả phim siêu anh hùng!
Nói như vậy không có nghĩa là phim hài Hollywood đã biến mất hoàn toàn. Tuy nhiên, các bộ phim hài đáng kể trong vài năm trở lại đây có màu sắc tăm tối hơn, dị hơn và nhiều bộ phim xuất sắc không đến từ Hollywood. Bạn sẽ thấy yếu tố hài hước trong các bộ phim như Anomalisa, Toni Erdmann và Parasite. Và nhiều yếu tố khác...
10. Giả tưởng bước lên tầm cao mới
Thời kỷ đỉnh cao của các bộ phim tài liệu bom tấn đã lùi lại. Khó tìm thấy bộ phim nào có thể so sánh với những kiệt tác như Bowling For Columbine và Super Size Me trong thập kỷ trước. Thể loại tài liệu giờ xuất hiện trên các nền tảng khác như Podcast với các câu chuyện hình sự và phá án kéo dài hàng trăm kỳ.
Khi Hollywood khi muốn kể một câu chuyện có thật, các đạo diễn sẽ lựa chọn hình thức docudrama hậu hiện đại hào nhoáng - các bộ phim không chỉ kịch hóa, điện ảnh hóa các sự kiện có thật mà còn đưa vào đó những số liệu, phá bỏ khoảng cách giữa diễn viên và khán giả, "đập bỏ bức tường thứ tư" và đưa vào đó những lời thoại, câu dẫn từ nhân vật thực mà bộ phim dựa theo.
Liệu điều đó có nghĩa là những bộ phim này phản ánh chính xác hơn những tác phẩm "dựa trên các sự kiện có thật" truyền thống? Đánh giá các tác phẩm như The Big Short, Pain & Gain, I, Tonya, American Animals, Vice, The Laundromat và Bombshell, câu trả lời là không. Nhưng chắc chắn nó sẽ thú vị hơn.
11. Ngày tàn của thế giới
Thập niên 2000s kết thúc với hàng loạt bộ phim miêu tả thế giới giai đoạn hậu tận thế. Các bộ phim với đề tài Apocalypse tiếp tục xuất hiện trong thập niên 2010s. Những tác phẩm như After Earth, Oblivion, Elysium, Interstellar, Passengers and Alien: Covenant đều đưa ra cho người xem những ám chỉ rằng, con người sẽ sống tốt hơn nếu bỏ lại trái đất và tìm đến một hành tinh khác trong hệ mặt trời hay một thiên hà nào đó. Có lẽ bạn cũng có thể thở phào nhẹ nhõm khi chúng ta đã đi qua những giai đoạn chết chóc, tận thế trong nhiều bộ phim.
Và thế giới này, cũng không quá tệ như các bộ phim đã vẽ ra phải không?