Ra mắt năm 1994, The Lion King (Vua Sư Tử) trở thành tác phẩm hoạt hình kinh điển với doanh thu lên tới 968,5 triệu USD – là bộ phim hoạt hình gốc đầu tiên và cũng là tác phẩm hoạt hình vẽ tay gốc có doanh thu cao nhất trong lịch sử. Nhân dịp tác phẩm remake của Disney sắp ra mắt, hãy cùng nhìn lại những sự thật thú vị mà có thể bạn không biết về bộ phim đã quá quen thuộc này.
1. Câu chuyện ban đầu rất khác
Chuyện kể là trong những kịch bản đầu tiên thì đoàn làm phim định để Pumbaa và Timon là bạn chí cốt của Simba, khỉ Rafiki là một con báo còn Scar là một con sư tử đơn độc không có họ hàng hang hốc gì liên quan với Mufasa. Thậm chí Scar còn lãnh đạo cả một bầy... khỉ đầu chó hung hãn.
2. Cặp đôi lồng tiếng cho Timon và Pumbaa ban đầu được chọn lồng tiếng cho... linh cẩu
Nathan Lane (lồng tiếng cho Timon) và Ernie Sabella (lồng tiếng cho Pumbaa) ban đầu hóa ra được mời để thử giọng cho những... con linh cẩu trong phim hoạt hình gốc.
Sau đó đạo diễn Roger Allers cùng đội ngũ làm phim đã quyết định đổi hẳn tông phim cho rực rỡ tươi sáng hơn, và quyết định để Lane và Ernie lồng tiếng cho cặp đôi bá đạo Timon – Pumbaa.
3. Bài hát Hakuna Matata có hẳn phần lời về quá khứ của Timon
Trong phiên bản đầu tiên của Hakuna Matata, Timon có hẳn một phần lời nói về quá khứ của mình, đại loại cậu chàng bị đuổi khỏi đàn chồn meerkat vì không chịu kiếm ăn làm lụng. Tuy nhiên đoàn làm phim thấy như thế khiến bài hát trở nên quá dài và không cần thiết, nên đã cắt đi. Kết quả là chúng ta chỉ biết được một chút về cuộc đời của lợn Pumbaa mà thôi.
4. Pumbaa là nhân vật Disney đầu tiên "xì hơi"
Nghe cho rõ này: Trước The Lion King 1994, chưa có nhân vật hoạt hình nào "xì hơi" trên màn ảnh hết và Pumbaa là kẻ đầu tiên đạt được danh hiệu đó.
5. Pumbaa nghĩa là "lười biếng"
Trong tiếng Swahili – thứ ngôn ngữ phổ biến được sử dụng tại nhiều nước châu Phi như Kenya, Rwanda hay Tanzania – thì Pumbaa nghĩa là lười biếng, bất cẩn. Tất nhiên điều mà chúng ta đều biết thì "Hakuna Matata" trong tiếng Swahili có nghĩa "không phải lo lắng gì".
6. Chồn Meerkat không thường xuyên đứng trên hai chân sau
Trong thực tế, những con chồn meerkat không đường hoàng đi trên hai chân sau như cách mà Timon di chuyển. Chúng có thể đứng trên hai chân, nhưng là để thám thính tình hình xung quanh rồi lại nhanh chóng bò bằng bốn chân.
Phiên bản làm lại năm 2019 vẫn tôn trọng đặc điểm dễ thương dù "vô lý" của Timon khi để cậu chàng tiếp tục chạy nhong nhong bằng 2 chân như người.
7. Mất 2 năm để hoàn thiện cảnh linh dương chạy trong hẻm núi
Để có được 2.5 phút phim cảnh linh dương bị dồn vào hẻm núi khiến Simba suýt thì mất mạng, các họa sĩ của Disney đã phải mất tới 2 năm để vẽ và thậm chí phải viết cả một chương trình máy tính mới nhằm mô phỏng chuyển động các nhân vật. Thật khó có thể tưởng tượng những gì mà công nghệ đã làm được sau đó 25 năm.
8. Nhà nghiên cứu về linh cẩu đâm đơn kiện
Một nhà nghiên cứu về linh cẩu đã kiện bộ phim khi cho rằng The Lion King đã hủy hoại hình ảnh của loài động vật này trên màn ảnh. Qua đó, những con linh cẩu hiện lên trong phim là loài động vật tàn ác, luôn đói khát và phá hủy hệ sinh thái.
9. Đoàn làm phim du lịch tới châu Phi để tìm ý tưởng
Đỉnh cao của sự tận tâm là việc các họa sĩ đã khăn gói tới châu Phi để được truyền ý tưởng, nghiên cứu ngôn ngữ và chuyển động của các loài động vật hoang dã nơi đây trước khi "thai nghén" chúng ra thành The Lion King.
Địa danh mà họ chọn là vườn quốc gia Hell’s Gate ở Kenya. Tuy nhiên địa danh trong phim Pride Rock lại không phải là một nơi nào cụ thể tại đây, mà được sáng tạo ra.
10. Trận chiến cuối cùng đã có thể kết thúc hoàn toàn khác
Trong một số phiên bản đầu tiên, cuộc chiến giữa Simba và Scar đã kết thúc bằng việc Simba thua cuộc nhưng sau đó rốt cục Scar lại bị rơi xuống biển lửa ở dưới và chết.
Phiên bản remake của Disney hiện được chiếu ở tất cả các rạp trên toàn quốc.