WEBTOON vừa đưa ra số liệu thống kê nền tảng của họ, tốc độ tăng trưởng chóng mặt của trang web cho thấy nó đang là con gà đẻ trứng vàng của nền công nghiệp truyện tranh Hàn Quốc.
Khi nhắc đến Webtoon, có 2 khái niệm dễ nhầm lẫn dành cho cụm từ này nên người viết xin được đặt ra một số quy ước trong bài viết:
♦ Webtoon: Truyện tranh kĩ thuật số của Hàn Quốc.
♦ WEBTOON: Trang web có chứa nội dung về truyện tranh kĩ thuật số của Hàn Quốc bao gồm NAVER WEBTOON (dành cho Hàn Quốc), LINE WEBTOON (dành cho tiếng Anh), XOY (dành cho Nhật Bản) và DONGMAN MANHUA (dành cho Trung Quốc).
♦ Webtoon khác gì Manhwa? Sự khác nhau cơ bản chính là ở hình thái tồn tại của chúng. Trong khi Manhwa nhìn chung là truyện tranh Hàn Quốc, còn Webtoon chỉ là bản kỹ thuật số của Manhwa.
Sau khi đã làm rõ quan điểm, mời bạn đọc trở lại với nội dung chính ở bên dưới cùng KenhTinGame!
1/ Là Youtube dành cho người yêu thích Manhwa:
WEBTOON là một trang web nơi người dùng có thể tự xuất bản truyện tranh của riêng mình dưới dạng kỹ thuật số và đã liên tục tăng trưởng cũng như phổ biến hơn trong nhiều năm qua. Trang web gốc, NAVER WEBTOON, trong một thông báo hồi đầu năm nay cho biết rằng nền tảng này đã nhận được hơn 100 tỷ lượt xem chỉ tính riêng năm 2019, với hơn 60 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.
Sự gia tăng của trang web có thể so sánh với một nền tảng nổi tiếng khác, YouTube, cũng đã tìm thấy thành công ban đầu nhờ vào nhiều nội dung do người dùng tạo ra. Mặc dù không rõ liệu WEBTOON có phải là tương lai của truyện tranh trực tuyến hay không, nhưng trang web có tuổi đời rất trẻ này đang là thiên đường cho những người yêu thích truyện tranh và là nơi để truyền tải những câu chuyện mới mẻ, nguyên bản từ các họa sĩ có đam mê.
Nghĩ lại những ngày đầu của YouTube. Trước đó, internet vẫn còn ở thời kỳ “đồ đá” và là một khái niệm xa xỉ. Video đã lan truyền một cách cứng nhắc, không có nhiều chiều sâu và nền tảng này cũng khá thô sơ so với như hiện nay.
Ấy là cho đến khi thế giới bước vào thời đại smartphone, khi tốc độ internet đã được nâng cấp một cách chóng mặt chỉ trong ít năm qua. Lúc này, YouTube trở thành một trang web, một nền tảng phù hợp, nhất là sau thương vụ Google mua lại công ty này.
Ai cũng sở hữu smartphone, mỗi cá nhân chỉ cần có tài năng, sự sáng taọ, thêm vào chút may mắn là đã có thể tự mình làm một điều gì đó nổi bật, mang chất riêng của bản thân rồi… up lên YouTube. Nhu cầu giải trí cũng tăng mạnh khi lượng người truy cập ngày một nhiều. Hàng loạt nền tảng khác nhau của YouTube theo đó mà xuất hiện như: YouTube Premium, YouTube Music, YouTube Kid, YouTube Go, YouTube Gaming,… Sự bành trướng đó tỏa ra một luồng năng lượng sáng tạo tích cực. Hãy nhìn vào số lượng nội dung hiện này mà YouTube có, chẳng có gì mà nền tảng này không có cả.
WEBTOON hôm nay đã thu được cùng một năng lượng mà YouTube đã có trước đó. Thậm chí nó còn “điên cuồng và giàu trí tưởng tượng hơn” khi không bị gò bó các điều khoản hợp đồng như YouTube dạo gần đây.
2/ Không thua kém Manga về sự đa dạng và chất lượng:
Chất lượng artwork và cách kể chuyện mang tính cạnh tranh trực tiếp với Manga, WEBTOON đưa truyện tranh từ các tác giả chưa được biết đến trước đây tiếp cận khán giả đại chúng. Những Webtoon như: Lore Olympus, một câu chuyện hiện đại có các nhân vật và sự kiện từ thần thoại Hy Lạp đã tự mình thu về gần 300 triệu view; unOrdinary với 241 triệu view; True Beauty với 234 triệu view; My Giant Nerd Boyfriend, 158 triệu view và Let’s Play, 145 triệu view (theo NAVER WEBTOON).
WEBTOON chứa rất nhiều nội dung có sẵn, từ drama cho đến fantasy, sci-fi cho đến horror hay thậm chí là truyện tranh 18+, tất cả đều phong phú và đa dạng. Nền tảng này có một sự sáng tạo phải gọi là “hỗn loạn” nhưng hấp dẫn và nó khiến người dùng muốn quay lại nhiều lần.
Trong khi phần lớn phong cách vẽ được lấy cảm hứng từ Manhwa, các thể loại câu chuyện được kể khác nhau khá nhiều. Một số truyện tranh đào sâu, khám phá sự lãng mạn hay chỉ đơn giản là khía cạnh cuộc sống hàng ngày, trong khi những truyện khác dựa trên tính kinh dị, giả tưởng hoặc tâm lí. Điều duy nhất giới hạn các loại câu chuyện được kể là khán giả có sẵn lòng đọc chúng hay không.
3/ Một phong cách riêng:
Từ đầu những năm 2010, các dịch vụ như TappyToon và Spottoon đã bắt đầu dịch chính thức các ấn phẩm Webtoon sang tiếng Anh trong khi một số nhà xuất bản Hàn Quốc như Lezhin và Toomics bắt đầu tự dịch các tác phẩm của họ. Ví dụ về các Webtoon phổ biến đã được dịch sang tiếng Anh là Lookism, Untouchable, Yumi’s Cells, Tales of the Unusual, The God of High School, Noblesse, Tower of God và Solo Leveling. Trong những năm gần đây, các Webtoon này đã trở nên phổ biến ở các thị trường phương Tây, cạnh tranh trực tiếp với truyện tranh Nhật Bản (Manga).
Xem thêm: Tower of God giới thiệu trailer nức lòng người hâm mộ manhwa
Cũng như Manga, Comic hay bất kì thể loại truyện tranh nào, Webtoon đã trải qua nhiều thế hệ, cụ thể có thể gộp thành 4 thế hệ chính như sau:
Thế hệ ZERO: Những Webtoon đầu tiên đơn giản chỉ là những bản scan trực tiếp từ manhwa và upload lên mạng. Vì là scan từng trang sách nên thường Webtoon thế hệ này có dạng “one-page” nằm ngang với 2 nút mũi tên để lật trang.
Thế hệ đầu tiên: Được xem như một bản nâng cấp của thế hệ ZERO. Với sự phát triển của công nghệ, tác giả lúc này đã có thể chèn vào các hiệu ứng hoạt hình flash.
Thế hệ 2: Sự bổ sung tính năng “tải trước” cho phép các tác giả chuyển sang bố cục dọc với thao tác cuộn chuột. Trái ngược với Comic có bố cục ngang dày đặc khung truyện, việc Webtoon sử dụng phong cách cuộn dọc giúp đưa từng khung hình vào trung tâm tầm nhìn của độc giả. Điều này còn làm cho thao tác đọc Webtoon trở nên trôi chảy hơn.
Thế hệ 3: Sự ra đời của Smartphone và máy tính bảng là nguyên nhân buộc WEBTOON phải tổ chức lại giao diện cho phù hợp với các nền tảng mới như “App”. Ngoài ra, âm thanh đôi khi được sử dụng để biểu thị thêm cảm xúc và tông màu, cũng như chuyển động tương tác để tạo sự phấn khích, hướng sự chú ý từ người xem tới một số đối tượng nhất định.
4/ Tổng kết:
Trước năm 2014, hầu hết các Webtoon chỉ có tiếng Anh thông qua các bản dịch của người hâm mộ. Vào tháng 07/2014, Công ty con của NAVER là LINE đã bắt đầu cho xuất bản các bản dịch của các Webtoon phổ biến sang tiếng Anh thông qua dịch vụ LINE WEBTOON.
Xem thêm: Solo Leveling – Việt Nam mua bản quyền, buộc gỡ bỏ mọi bản dịch online hiện có 2 năm
Tuy nhiên, một ngày nào đó WEBTOON có thể đụng phải hoàn cảnh mà YouTube đang phải đối mặt. Với lượng nội dung quá lớn, có thể người đọc sẽ chỉ đổ xô đến những người sáng tạo nội dung nổi tiếng và không muốn tìm kiếm các tác giả mới. Thật khó để nói liệu WEBTOON có phải là tương lai của truyện tranh Hàn Quốc hay không, nhưng bây giờ chúng ta nên hài lòng rằng các nghệ sĩ và độc giả vẫn đang có một không gian, nơi họ có thể thỏa sức sáng tạo, kể những câu chuyện thú vị đến với mọi người.
Tham gia cộng đồng manga/anime cùng KenhTinGame tại Group: Wibu Vạn Tuế (Official)