Trong lịch sử điện ảnh thế giới, đã có rất nhiều bộ phim sinh ra không phải để chiều lòng khán giả. Có những tác phẩm thể hiện tầm nhìn, suy nghĩ của đạo diễn mà chính khán giả cũng phải ngỡ ngàng và sốc óc. Hoặc là quá hở hang, tình dục nặng nề đến mức chối mắt, hoặc là nội dung mang tính nhạy cảm tột độ về mặt chính trị hay tôn giáo, những bộ phim dưới đây đã làm nổ ra biết bao tranh cãi, bị cấm ở rất nhiều nước trên thế giới.
1. The Last Tempation of Christ - Sự Cám Dỗ Cuối Cùng Của Chúa (1988)
Là một trong những "kiệt tác" của đạo diễn lỗi lạc Martin Scorsese, tác phẩm này mang đến một hình ảnh gây tranh cãi tột độ về chúa Jesus, đậm tính tình dục và bạo lực. Dựa trên cuốn tiểu thuyết của tác giả Nikos Kazantzakis, bộ phim này bị nhiều người phản đối kịch liệt (bao gồm cả Giáo hội). Một trong những cảnh phim gây tranh cãi nhất chính là khi Jesus tưởng tượng một cuộc đời khác cho chính mình (bao gồm cảnh nóng gợi cảm) với cô gái mại dâm Mary Magdalene.
Tại một rạp phim ở Paris, một phần tử quá khích đã ném bom xăng vào rạp chiếu bộ phim này, khiến vài người bị thương. Nhiều nước trên thế giới ngay lập tức cấm The Last Tempation of Christ (bao gồm Philippines và Singapore). Tuy nhiên, tác phẩm này vẫn được nhiều nhà phê bình đánh giá cao nhờ sự thể hiện tuyệt vời của tài tử Willem Dafoe trong vai chính, cùng với phần hình ảnh, âm nhạc tuyệt diệu của phim.
2. Triumph of the Will - Niềm Tin Chiến Thắng (1934)
Cho tới ngày cuối đời, đạo diễn Leni Riefenstahl của bộ phim tài liệu này vẫn phải bào chữa rằng bà không phải người ủng hộ Nazi. Tuy nhiên, bà chỉ "vô tình" tạo ra một trong những phim tuyên truyền nổi tiếng nhất về chế độ Đức Quốc Xã mà cho tới nay đã được coi là một trong những tác phẩm "mẫu mực" của điện ảnh.
Nội dung xoay quanh sự bành trướng và quyền lực của Hitler thời điểm chế độ độc tài, dã man của hắn bùng nổ, Triumph of the Will mang tính cổ vũ chế độ Nazi kịch liệt. Bởi vậy, việc chiếu bộ phim này công khai ở Đức ngày nay vẫn bị cấm.
Triumph of the Will là ví dụ điển hình cho tài năng và vẻ đẹp xuất chúng trong nghệ thuật được sử dụng để phục dịch cho ý đồ xấu xa. Phong cách sử dụng máy quay, sắp đặt bối cảnh và âm nhạc của bộ phim vào thời điểm đầu thế kỷ 20 được coi là vô cùng phi thường. Thực tế, nghệ thuật làm phim này của đạo diễn Leni Riefenstahl thực chất vẫn còn ảnh hưởng phim ảnh ngày nay.
3. Salò, or the 120 Days of Sodom - Salò, Hay 120 Ngày Ở Địa Ngục Trần Gian (1975)
Phim kinh dị nghệ thuật này của đạo diễn Pier Paolo Pasolini xoay quanh 4 người Ý phóng đãng, trụy lạc và giàu có thời kỳ Cộng Hòa Salò (1043-1945). Những người này đã bắt cóc 18 thanh thiếu niên, bắt họ trải qua 4 tháng khổ cực với bạo lực, tra tấn về mặt tinh thần và tình dục. Bộ phim khai thác nhiều tầng lớp ý nghĩa, thông điệp và các chủ nghĩa triết học phức tạp. Tuy nhiên, cách thể hiện 18+ với nhiều diễn viên phải khỏa thân 100%, cùng với đó là các hình ảnh tra tấn, hành hạ dã man cũng khiến Salò bị cấm ở Anh, Canada, Úc và New Zealand.
Salò là phim đứng thứ 65 trong danh sách những bộ phim đáng sợ nhất từng được thực hiện - danh sách được tổng hợp bởi Hiệp hội phê bình phim Chicago, Mỹ năm 2006. Bên cạnh đó, bộ phim còn được cho là lý do dẫn đến cái chết dã man của đạo diễn Pier Paolo Pasolini.
4. A Clockwork Orange - Cỗ Máy Con Người (1971)
Lời giới thiệu của bộ phim này đã nói lên tất cả: "Một hành trình của chàng trai trẻ với sở thích chính là hãm hiếp, bạo lực và nhạc Beethoven." Dù được coi là một bộ phim mang tính nghệ thuật với nhiều tầng lớp ẩn dụ, tác phẩm này của đạo diễn Stanley Kubrick huyền thoại lại khiến cả nước Anh phẫn nộ.
Với hàng loạt phân cảnh bạo lực quá ám ảnh và tấn công tình dục trực diện, A Clockwork Orange xứng đáng là một trong những phim gây tranh cãi nhất thế giới. Phim thậm chí còn tạo ra ảnh hưởng tiêu cực khi một số fan bắt đầu "bắt chước" hành động của nam chính.
Sau nhiều tháng cố gắng bảo vệ bộ phim này, cuối cùng chính đạo diễn Stanley Kubrick đã cấm bộ phim không được chiếu tại Anh Quốc - nơi tranh cãi đạt đến đỉnh điểm. Nhiều nước khác như Nam Phi hay Brazil ngay lập tức cấm lưu hành bộ phim.
Nguồn ảnh: Tổng hợp