Nhắc đến Tam Quốc diễn nghĩa không thể không nhắc đến cái tên Gia Cát Lượng – Ngọa long tiên sinh. Ông là bậc mưu trí, nhà quân sự tài ba hạng nhất nhì Trung Hoa. Xét về điển tích của ông thì nhiều vô số kể, có thể nhắc đến như: Tam cố thảo lư, Thất cầm Mạnh Hoạch, Lục xuất Kỳ Sơn,…
Đóng góp lớn nhất của Gia Cát Lượng chính là việc bày ra "Long Trung đối sách". Chiến lược này được coi là nền tảng để Lưu bị đánh chiếm đất đai nhằm tạo thế chân vạc với hai thế lực chính thời bấy giờ là Tào Tháo và Tôn Quyền. Ông được công nhận là một trong những chiến lược gia vĩ đại và xuất sắc nhất trong thời đại của mình và được so sánh với một chiến lược gia tài ba khác của Trung Quốc là Tôn Tử.
Bàng Thống – chiến dịch Gò Lạc Phượng
Bàng Thống, tự Sỹ Nguyên (178-214), đạo hiệu Phượng Sồ tiên sinh, sống vào cuối thời nhà Hán, đầu thời Tam Quốc, thường được người đời sau so sánh là tài ngang với Khổng Minh. Tư Mã Huy (Thủy Kính tiên sinh) nhận xét: "Nếu được một trong hai người Ngọa Long (tức Khổng Minh) hoặc Phượng Sồ (tức Bàng Thống) thì có thể định hưng được thiên hạ".
Ông là một vị quân sư tài năng dưới trướng của Lưu Bị. Bấy giờ vung đất Tây Xuyên của Lưu Chương chính là vị trí chiến lược trong Long Trung đối sách của Gia Cát Lượng. Tuy nhiên, vì đặt trung nghĩa lên làm đầu, Lưu Bị tỏ ra không nỡ đánh chiếm Tây Xuyên, vì Lưu Chương cũng mang dòng dõi Hán thất. Tất cả những gì Lưu Bị cần ở đây là một cái cớ để chiếm được vùng đất ấy. Hiểu rõ tâm tư của chủ công, Bàng Thống bấy giờ đã bày ra một mưu kế ép Lưu Chương phải phục kích quân Lưu Bị ở gò Lạc Phượng.
Mọi nước cờ đều cần phải có sự đánh đổi, chính Bàng Thống đã tự nguyện hy sinh thân mình ở gò Lạc Phượng để chủ công Lưu Bị có thể viện cớ báo thù mà đánh chiếm Tây Xuyên. Từ đó tạo bàn đạp để lập nên cơ đồ lãnh thổ rộng lớn nhà Thục Hán. Có thể nói, Bàng Thống đã góp một công vô cùng lớn để đặt nền móng phát triển nhà Thục.
Lục Tốn – chiến thắng Di Lăng, hỏa thiêu 70 doanh trại của Lưu Bị
Lục Tốn (183-245) tự Bá Ngôn, là tướng lĩnh cũng là quân sư của Đông Ngô sống vào cuối đời Hán, đầu đời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông nổi tiếng qua trận Di Lăng vào năm 222 đánh bại quân Thục Hán của Lưu Bị, khiến ông trở thành một trong những quân sư nổi tiếng của thời Tam Quốc.
Trận Di Lăng cũng là chiến tích vĩ đại nhất của ông. Lấy cớ trả thù cho vị nhị đệ Quan Vũ, Lưu Bị đã kéo quân sang thảo phạt Đông Ngô. Lúc bấy giờ, ở Đông Ngô, hàng loạt các mưu sĩ đều đã qua đời như Chu Du, Lỗ Túc,… Do đó, Lục Tốn được đề cử đi giao chiến với Lưu Bị. Ông đã khôn ngoan khi cố thủ trong thành không ra nghênh chiến, mặc cho quân sĩ của nước Thục có chửi bới, lăng mạ ở ngoài thành.
Thấy Lục Tốn nhất quyết không ra nghênh chiến, Lưu Bị bèn lui vè đóng quân bàn kế sách khác. Không lâu sau đó, quân Thục đột nhiên mắc bệnh dịch. Nhận ra đây là thời cơ hiếm có, Lục Tốn quyết định đây chính là thời cơ phản công. Đầu tiên, ông cho quân giả vời tấn công vào một trong số các doanh trại của quân Thục nhằm đánh lạc hướng các tướng Thục. Kế đến ông lệnh cho quân sĩ dùng hỏa công tấn công vào các trại còn lại. Sau cùng ông ra lệnh tổng tấn công vào doanh trại quân Thục từ 3 hướng khác nhau khiến cho quân Thục đại bại, toàn quân gần như bị tiêu diệt. Lưu Bị phải rút chạy về phía tây và qua đời 1 năm sau đó ở thành Bạch Đế. Lục Tốn nổi danh nhờ vào chiến công đại phá quân Thục và nhận được sự ngưỡng mộ từ các tướng lĩnh và quan lại nước Ngô
Quách Gia – Dẹp tan Viên Thị
Sông cùng thời với Ngọa Long – Gia Cát Lượng nhưng lại không có cơ hội cống hiến nhiều như vị quân sư lỗi lạc ấy. Quách Gia là một trong những vị quân sư khiến cho Tào Tháo ngày đêm phải nuối tiếc không nguôi. Tài năng của ông so với Gia Cát Lượng thật sự là kẻ tám lạng người nửa cân. Nếu ông còn sống, chắc chắn thế cục Tam quốc đã đổi thay đi nhiều.
Ông rất nổi tiếng với nhiều điển tích như bày mưu bắt Lữ Bố, đoán được cái chết của Tôn Sách, góp sức dẹp họ Viên, quyết kế đánh Ô Hoàn,… Trong đó nổi tiếng nhất là việc ông bày kế cho Tào Tháo dẹp yên gia tộc họ Viên một cách khéo léo. Năm đó, khi Viên Thiệu qua đời, ông đã lâp vị con thứ là Viên Thượng lên kế tục. Do vậy, người anh trưởng là Viên Đàm sinh long ghen tỵ tìm cách giành ngôi. Khi đó, Tào Tháo đang dốc quân đi đánh trực diện hai anh em nhà Viên Thị. Nhưng Quách Gia đã can ngăn và bảo Tào Tháo không nên tiến quân vào lúc này.
Hai anh em nhà họ Viên đang lăm le sát hại nhau, chi bằng cứ vờ kéo quân sang Kinh Châu dẹp Lưu Biểu, để anh em chúng tự sát hại lẫn nhau. Khi đó, quân Ngụy chỉ cần một trận là định được thế cục. Nhờ vào mưu kế này của Quách Gia, Tào Tháo đã vừa dẹp được nhà họ Viên vừa hạn chế được tổn thất binh lực của nước Ngụy. Quách Gia thường được xem là một trong những mưu sĩ xuất sắc nhất thời Tam Quốc và cả xuyên suốt lịch sử Trung Quốc, không hề thua kém người đương thời là Gia Cát Lượng.