5 bộ phim gây tranh cãi vì dựa trên sự thật nhưng lại xuyên tạc sự thật

Bất chấp việc bị phản đối, những bộ phim dưới đây khi tường thuật lại chuyện có thật đã biến tấu, thay đổi nhiều tình tiết để cho hấp dẫn hơn

1. Rush (2013)

Rush kể về cuộc cạnh tranh giành chức vô địch thế giới giải đua xe Công thức 1 giữa hai tay đua huyền thoại Niki Lauda và James Hunt. Hai tay đua, hai tính cách trái ngược. Niki điềm tĩnh, đầy cẩn trọng còn James Hunt phóng khoáng và bất cần.

Bộ phim tái hiện đường đua nghẹt thở năm 1976 tại Nhật một cách xuất sắc, khiến người xem không thể rời mắt khỏi màn hình bởi không muốn bỏ lỡ bất cứ phân cảnh gay cấn nào. Tuy nhiên, mối quan hệ ngoài đời giữa Niki và James đã bị bóp méo khi lên màn ảnh. Khán giả có thể nhận thấy sự ganh đua khốc liệt giữa hai đối thủ "không đội trời chung" trong Rush. Nhưng đáng ngạc nhiên khi ngoài đời, họ là những người bạn tốt, từng ở chung một căn hộ và thường xuyên đi uống bia cùng nhau.

2. Captain Phillips (2013)

Captain Phillips là bộ phim dựa trên câu chuyện có thật về vụ cướp tàu chở hàng Maersk Alabama xảy ra năm 2009. Nội dung chính của phim xoay quanh tài ứng biến nhanh nhạy và sự dũng cảm của thuyền trưởng Phillips (Tom Hanks), giúp cứu mạng nhiều thủy thủ khỏi tay những tên cướp biển Somali.

Khi công chiếu, bộ phim đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ chính các thủy thủ chứng kiến vụ cướp này. Họ tố cáo Phillips thật sự không phải là anh hùng và "không ai muốn đi biển cùng anh ta nữa". Trong phim, thuyền trưởng Phillips là người luôn chú trọng đến sự an toàn của cả đoàn. Tuy nhiên, trong thực tế, Phillips đã không thực hiện bất cứ điều gì đúng với các quy định an toàn.

Thuyền trưởng Phillips cũng được cho là đã nhận nhiều email cảnh báo về nhóm cướp biển Somali. Những email này đều khuyến cáo tàu nên cách bờ biển Somali ít nhất 600 dặm. Nhưng trên thực tế, Phillips chỉ để tàu cách bờ biển Somali chưa đầy 300 dặm. Đoàn thủy thủ tiết lộ họ đã phải trải qua hai cuộc tấn công trong chuyến đi đó. Kỹ sư trưởng Mike Perry, người chỉ được nhắc đến như một vai nhỏ trong phim lại chính là anh hùng thực sự ngoài đời. Anh đã đưa tất cả thủy thủ xuống tầng dưới và nhốt họ để ngăn cướp biển đột kích vào bên trong.

3. Argo (2012)

Tác phẩm Argo năm 2012 của đạo diễn Ben Affleck đã thắng lớn khi giành giải Oscar cho hạng mục Phim hay nhất. Kịch bản phim dựa trên vụ khủng bố đại sứ quán Mỹ tại Tehran, Iran xảy ra năm 1979. Trong đó, nội dung phim tập trung vào cuộc giải cứu 6 con tin người Mỹ khi họ đang ẩn náu ở Đại sứ quán Canada. Bằng cách đóng giả một đoàn làm phim dưới sự dẫn dắt của điệp viên CIA Tony Mendez, họ đã trốn thoát thành công.

Tuy nhiên, khi bộ phim được công chiếu, một số quan chức Canada đã lên tiếng chỉ trích bộ phim không đưa ra đủ những đóng góp của Đại sứ quán Canada trong cuộc giải cứu con tin đó. Không ai ngoài Tổng thống thứ 39 của Mỹ - Jimmy Carter dám nói lên rằng: "90% kế hoạch giải cứu con tin, từ ý tưởng cho đến việc thực hiện là của người Canada. Nhưng bộ phim lại hoàn toàn ghi công cho người Mỹ".

4. Rudy (1993)

Rudy là một trong những bộ phim hay nhất về bóng bầu dục. Nội dung phim xoay quanh chàng trai Daniel E. Rudy Ruettiger đam mê bóng bầu dục nhưng chưa bao giờ được chơi chính vì thân hình nhỏ con. Trong phim có một cảnh ấn tượng là khi các cầu thủ đặt áo đấu lên bàn của huấn luyện viên Devine để thuyết phục ông cho Rudy chơi chính. Sau đó, mọi người cùng hô vang tên anh.

Tuy nhiên, trên thực tế, cảnh này không có thật. Joe Montana, thành viên cùng đội với Rudy chia sẻ: "Đó chỉ là phim thôi. Rudy đã được chơi chính nhờ vào khả năng và nỗ lực của mình. Không có ai hò reo và cũng không có ai thuyết phục huấn luyện viên cả".

5. A Beautiful Mind (2001)

A Beaitiful Mind là bộ phim tiểu sử nói về cuộc đời của nhà bác học phi thường John Nash, người từng giành giải Nobel Kinh tế. Tuy nhiên, anh bị mắc căn bệnh tâm thần phân liệt khiến gánh nặng gia đình đè lên vai người vợ Alicia.

Bộ phim lấy nước mắt người xem bởi những tình tiết xúc động về tình yêu, sự cảm thông giữa Nash và vợ. Câu chuyện tình yêu đã được tái hiện trên phim rất sống động và chân thật.

Tuy nhiên, không phải tình tiết nào trong phim cũng là sự thật. Ngoài đời, Nash chưa bao giờ tham gia Phòng thí nghiệm Wheeler tại MIT (Massachusetts Institute of Technology) vì nó không tồn tại. Dẫu vậy, ông từng là một giảng viên tại đây. Nash cũng chưa bao giờ làm việc cho Bộ Quốc phòng. Trong phim, Nash là một người cha và ngoài đời, anh cũng làm cha nhưng là cha của một đứa trẻ ngoài giá thú bị mẹ bỏ rơi. Bỏ qua một số tình tiết hư cấu, A Beautiful Mind vẫn là một bộ phim ý nghĩa và đáng xem.