Điều làm nên thành công trong những bộ phim Việt ngoài kịch bản và cách sản xuất còn có một yếu tố khá đặc biệt. Đó là cách các biên kịch đặt tên cho nhân vật của mình. Từ nhân vật chính đến phụ, cái tên dường như ngầm quyết định số phận cho từng người theo những ẩn ý sâu xa. Nhưng cũng có những trường hợp các biên kịch đặt tên quá sát với số phận của nhân vật, khiến phim phần nào mất đi sự thú vị.
1. 100 Ngày Bên Em (2018): Anh tên "Mặt Trời", cô tên "Nắng" - cặp đôi có chạy đi đằng nào cũng sẽ yêu nhau
Trường hợp 100 Ngày Bên Em là điển hình cho những phim chỉ cần nghe tên nhân vật là đoán được nội dung phim sẽ ra sao. Trong phim, nam chính tên Nhật Minh (Mặt Trời) còn nữ chính tên Ánh Dương (Tia Nắng). Trong tự nhiên, mặt trời và ánh nắng là hai thứ không bao giờ có thể tách rời.
Jun Phạm và Khả Ngân vào vai Minh Nhật - Ánh Dương trong "100 Ngày Bên Em".
Khỏi phải nói, hai nhân vật này phí nửa đầu phim để cự cãi vô ích. Khán giả dường như đã có thể tin chắc rằng cặp đôi này sớm muộn cũng sẽ yêu nhau. Với tên tuổi đặt như thế thì có chạy đâu cũng không thể tách rời số phận của hai con người này được. Hệt như mặt trời và tia nắng vậy!
2. Thất Sơn Tâm Linh (2019): Cặp đôi hóa học chỉ cần nghe tên là biết sẽ phản ứng với nhau "chan chát"
Hai nhân vật chính trong Thất Sơn Tâm Linh tên là Lưu Huỳnh (Quang Tuấn) và Thủy Ngân (Hoàng Yến Chibi). Nếu là một khán giả thuộc trường phái vừa xem phim vừa suy luận, đắm chìm trong suy nghĩ thì sẽ đoán ra ngay kết cục và diễn biến của Thất Sơn Tâm Linh qua cách đặt tên nhân vật.
Cặp Lưu Huỳnh - Thủy Ngân của "Thất Sơn Tâm Linh"
Trong đó, lưu huỳnh là một phi kim còn thủy ngân là một kim loại dạng lỏng. Hai chất này gặp nhau chắc chắn sẽ có phản ứng hóa học xảy ra. Gã nam nhân tên Lưu Huỳnh chắc chắn không thể nào là người tốt vì bản thân chất phi kim này chuyên dùng để bào chế axit - vốn rất nguy hại cho con người. Vốn dĩ, lưu huỳnh được dùng để hạn chế thủy ngân rơi vãi. Người ta rắc bột lưu huỳnh (diêm sinh) để thu nhặt những hạt thủy ngân rơi vãi từ các vật dụng như nhiệt kế, đèn neon v.v... Ai biết qua ứng dụng này của lưu huỳnh đều có thể sẽ đoán ra ngay diễn biến của phim như thế nào.
Quả nhiên, gã thầy bùa Lưu Huỳnh thực chất chỉ là chất xúc tác để cô nàng Thủy Ngân giải phóng sức mạnh tiềm ẩn bên trong. Kẻ thực sự nguy hiểm, gây ra tai họa cho cả sự nghiệp của Lưu Huỳnh chính là cô gái nhỏ tưởng chừng vô hại, vừa câm vừa điếc tên Thủy Ngân.
3. Những Cô Gái Trong Thành Phố (2018): 4 nhân vật chính được đặt tên theo bộ cây tứ quý, cây như thế nào - số phận của con người thế nấy
Mai - Lan - Cúc - Trúc là bốn loại cây đại diện cho bốn mùa, được gọi là cây tứ quý. Số phận, tính cách của các nhân vật chính trong Những Cô Gái Trong Thành Phố giống hệt như tính cách của các loại cây mà mỗi cô được đặt tên.
Bốn cô gái trong "Những Cô Gái Trong Thành Phố"
Ví dụ như Cúc - loài cây thân cỏ chỉ hữu dụng khi hoa còn tươi sắc, sau khi hóa héo thì cây không còn giá trị, bị người ta vứt đi, giày xéo không thương tiếc. Trong phim, cô Cúc (Thu Trang) có số phận tương tự. Sắc đẹp rực rỡ, mình gọn eo thon nhưng suốt ngày bị những gã đàn ông tồi tìm cách hãm hiếp.
Cúc bị gã sếp hãm hiếp
Lan là loài cây dễ chết nhất trong bộ cây tứ quý. Chỉ cần để bị úng nước ba ngày, lan sẽ là loài cây đầu tiên bị chết trong bộ thực vật bốn mùa. Tương tự với Những Cô Gái Trong Thành Phố, Lan (Kim Oanh) là cô gái không sống được đến cuối phim.
Cuối phim Lan chết
4. Gia Đình Là Số 1 phần 2 bản Việt (2019): Trí tuệ, phẩm cách của các thành viên trong gia đình được xếp theo... tên?
Hệ thống tên gọi trong Gia Đình Là Số 1 có liên quan đến thứ tự học vị của nước Việt phong kiến. Trong đó có ba kì thi: Hương - Hội - Đình. Kì thi Đình tuyển chọn ra các bậc anh tài làm quan cho đất nước. Kì thi cao cấp nhất là thi Đình, thấp nhất là thi Hương. Tên của các thành viên trong gia đình nhân vật chính của Gia Đình Là Số 1 xếp theo thứ tự trí tuệ và độ... cục súc của từng người.
Dàn nhân vật chính của Gia Đình Là Số 1 phần 2 bản Việt
Trong đó Đỗ Tú Tài - người đứng đầu gia đình là người nóng nảy, cục súc nhất. Tương ứng với tính cách "kém sang" nhất của ông là danh hiệu Tú Tài - vốn là một chức danh thuộc một trong những hàng sơ đẳng nhất trong Khoa bảng nước Việt ngày xưa.
Diễn viên Anh Tuấn vào vai ông Tú Tài
Tiếp theo là đến Đỗ Thám Hoa và Đỗ Trạng Nguyên. Hai chức danh trong tên tuổi của mẹ con này thực ra đến từ Tam Khôi - ba vị trí đến từ kì thi Đình. Hai mẹ con này vốn thừa hưởng tính cục súc, nóng nảy từ Tú Tài nhưng phần nào khá khẩm hơn chứ không quá lỗ mãng. Có thể vì vậy mà tên hai người này đã được lấy cảm hứng từ những học vị cao hơn trong Khoa bảng.
Thúy Diễm vào vai Thám Hoa
Người điềm tĩnh, học sâu hiểu rộng nhất nhà là Đỗ Tiến Sĩ. Tương tự với cái tên, đây là học vị cao cấp nhất trong Tam Khôi, là danh từ bao hàm cho cả ba học vị nhỏ: Trạng Nguyên - Bảng Nhãn - Thám Hoa và chắc chắn là cao hơn Tú Tài. Có thể thấy, tương ứng với tên gọi, Tiến Sĩ là người đàn ông có học thức và kiêu căng, lạnh lùng nhất nhà.
Quang Tuấn vào vai Đỗ Tiến Sĩ
5. Luật Trời (2020) - hai chị em thất lạc, không nhận ra nhau nhưng cô chị tên Ngọc Thủy - cô em tên Ngọc Bích?
Một trong những màn tên nhân vật tiết lộ nội dung phim hiển nhiên nhất phải kể đến Luật Trời. Trong phim có hai chị em cùng cha khác mẹ bị thất lạc nhau từ nhỏ. Lúc cô em gái bị người khác đánh tráo và mang đi nuôi ở một xứ sở khác, người "mẹ mìn" chưa hề gặp qua và cũng không biết cô chị tên gì. Ấy thế mà bà ta vẫn biết mà đặt tên con là Ngọc Bích (Quỳnh Lam). Còn cô chị, người được giữ ở nhà với cha mẹ ruột tên là Ngọc Thủy (Thiên Thanh). Một sự trùng hợp quái lạ. Mười mấy năm sau, hai chị em gặp lại, không nhận ra nhau nhưng chỉ cần đặt hai cái tên bên cạnh nhau là khán giả đã biết ngay vấn đề.
Chị em Ngọc Bích - Ngọc Thủy trong Luật Trời
Ngọc Thủy - Ngọc Bích là hai sắc thái khác nhau của màu xanh. Cô chị là màu xanh của ao hồ còn cô em là màu xanh dịu dàng của đá quý. Ấy vậy mà các nhân vật trải qua 20 tập phim vẫn không nhận ra, trong khi tập nào cũng í ới gọi nhau: "Ngọc Thủy ơi! Ngọc Bích ơi!". Không thấy quen mồm sao ta?