Việc chuyển thể một tác phẩm văn học thành phim luôn là một thử thách lớn đối với các êkip. Những bộ phim dưới đây là ví dụ điển hình cho thấy sự thành công của một bản chuyển thể phụ thuộc vào việc cân bằng giữa trung thành với nguyên tác và sáng tạo để phù hợp với màn ảnh. Mặc dù có những thay đổi gây tranh cãi, những tác phẩm trên vẫn được đánh giá là một trong những bộ phim chuyển thể thành công nhất, chứng tỏ sức hút của câu chuyện cùng diễn xuất ấn tượng của dàn diễn viên.
Chân Hoàn Truyện
Theo thống kê của Sina, Chân Hoàn Truyện đã trở thành cơn sốt truyền hình suốt thời gian dài, đến nay vẫn mang về lợi nhuận cho nền tảng sở hữu bản quyền phát sóng. Trước khi bị LeTV mua lại bản quyền chiếu mạng độc quyền, Chân Hoàn Truyện đã chiếu đi chiếu lại trên tivi 186 lần và phủ sóng gần như tất cả các đài có thể. Chân Hoàn Truyện là một trong những bộ phim cung đấu thành công nhất trên màn ảnh Hoa ngữ, khiến khán giả xem hoài không chán lại còn thường xuyên lôi ra bàn luận dù phim đã lên sóng nhiều năm.
Chân Hoàn Truyện cũng có rất nhiều sự thay đổi so với tiểu thuyết gốc và sự thay đổi này nhờ vào bàn tay của đạo diễn Trịnh Hiểu Long cùng biên kịch Vương Tiểu Bình. Vương Tiểu Bình đã hợp tác với Lưu Liễm Tử dành hẳn 1 năm sửa lại kịch bản Chân Hoàn Truyện. Bộ phim truyền hình đã lược bớt đi những nhân vật không ảnh hưởng tới mạch phim như anh trai Chân Hoàn và một số nhân vật không quan trọng trong cung. Các nhân vật đã bị lược bớt khiến cốt truyện trở nên cô đọng hơn, đồng thời cốt truyện chính cũng được điều chỉnh, chẳng hạn như lý do và khiến An Lăng Dung trở nên “hắc hóa”, cũng như chuyện xảy ra với Chân Hoàn sau khi cô trở về hoàng cung. Bên cạnh mạch phim lôi cuốn, còn có sự đầu tư tỉ mỉ và nghiêm túc về trang phục, lời thoại và nghi thức. Mặc dù vẫn còn một số thiếu sót nhưng trình độ sản xuất tinh tế khiến nó nổi bật so với các phim truyền hình khác cùng chủ đề.
Câu Chuyện Hoa Hồng
So với nguyên tác, Câu Chuyện Hoa Hồng phiên bản truyền hình đã có nhiều điều chỉnh để phù hợp hơn với khán giả hiện đại. Việc làm nhẹ nhàng các tình tiết gây tranh cãi và xây dựng hình tượng nhân vật Hoàng Diệc Mai một cách tích cực hơn đã nhận được sự đồng tình của đông đảo khán giả. Nhiều người cho rằng những thay đổi này đã giúp bộ phim trở nên ý nghĩa và nhân văn hơn.
Trong nguyên tác, Hoàng Diệc Mai gặp Chu Sĩ Huy năm 16 tuổi và khiến anh ta mê mẩn dù lúc này Chu Sĩ Huy đã có vợ và chuẩn bị chào đón con đầu lòng nhưng vẫn quyết tâm bỏ vợ con vì Hoàng Diệc Mai. Mặc dù Hoàng Diệc Mai không đồng ý làm bạn gái của Chu Sĩ Huy, nhưng vẫn đi chơi và nhận lời tán tỉnh của anh ta. Năm 17 tuổi, Hoàng Diệc Mai gặp Trang Quốc Đống, bất chấp việc anh ta đã có vợ sắp cưới, cả hai nhanh chóng sa vào lưới tình. Trên phim, những tình tiết về mối tình giữa Hoàng Diệc Mai và Chu Sĩ Huy hay Trang Quốc Đống được làm nhẹ đi, chính vì vậy Hoàng Diệc Mai không bị khán giả ném đá vì năm lần bảy lượt làm tiểu tam.
Phiên bản truyền hình của Câu Chuyện Hoa Hồng còn cho thấy Hoàng Diệc Mai là cô gái thông minh, có năng lực, vững vàng trong sự nghiệp. Tuy nhiên, trong nguyên tác, cô là một cô con gái sinh ra trong gia đình giàu có, chưa từng đi làm, tính cách tùy hứng và bốc đồng. Cư dân mạng rất ghi nhận sự thay đổi trong nhân vật Hoàng Diệc Mai khi xây dựng hình ảnh một người phụ nữ độc lập, đồng thời theo đuổi tình yêu và sự nghiệp. Ngoài ra, Hoàng Diệc Mai trong nguyên tác là người theo đuổi tình yêu và chỉ sống vì mình. Cô ly hôn, để con cho chồng nuôi và suốt cuộc đời không bao giờ gặp lại đứa trẻ. Hoàng Diệc Mai trong phim truyền hình do Lưu Diệc Phi đã được thay đổi so với nguyên tác. Cô nuôi con gái sau khi ly hôn và đưa con trở lại Bắc Kinh. Hoàng Diệc Mai luôn ở bên chăm sóc dạy dỗ con và lựa chọn bạn trai là người có thể hòa hợp với con gái mình.
Khánh Dư Niên
Khánh Dư Niên phiên bản truyền hình đã thành công trong việc giữ vững tinh thần của nguyên tác đồng thời mang đến những nét mới lạ, hấp dẫn. Việc tinh giản một số tình tiết như thời thơ ấu của Phạm Nhàn hay cốt truyện của Đặng Tử Kinh đã giúp câu chuyện trở nên mạch lạc và tập trung hơn vào cốt truyện chính. Bên cạnh đó, việc bổ sung và phát triển các tình tiết, nhân vật đã giúp câu chuyện trở nên phong phú và sâu sắc hơn.
Nam chính Trương Nhược Quân chia sẻ: "Khi tôi nhận được kịch bản Khánh Dư Niên 2, đó là bản đã được chỉnh sửa 8 lần trước đó. Trong khi đó, một số phim còn chưa viết xong kịch bản, cầm 3 tập phim đầu gửi cho mình. Điều này khiến tôi cảm thấy đoàn phim này rất đặc biệt".
Đông Cung
Dựa trên tiểu thuyết ngôn tình ngược tâm đình đám của Phỉ Ngã Tư Tồn, Đông Cung phiên bản truyền hình đã mang đến một làn gió mới cho khán giả. Phiên bản truyền hình của Đông Cung đã gây ra không ít tranh cãi khi có nhiều thay đổi so với nguyên tác. Trong nguyên tác, Đông Cung được kể lại theo ngôi nữ chính Tiểu Phong. Còn khi lên phim, Đông Cung kể theo ngôi thứ ba đã mở rộng nội dung phim một cách đáng kể. "Đông Cung nguyên tác hay nhưng mà viết theo ngôi một nên người đọc không cảm nhận được tình cảm của Lý Thừa Ngân dành cho Tiểu Phong nên lên phim thấy hay với hợp lý hẳn luôn", một khán giả bình luận.
Trong phim còn bổ sung thêm mối quan hệ giữa Tiểu Phong và Cố Kiếm. Trong nguyên tác, Tiểu Phong không hề có tình cảm nam nữ gì với sư phụ, nhưng trong phần đầu phim, cô lại chút rung động không giống thầy trò cũng không giống bạn bè với sư phụ. Bộ phim cũng nắm được tâm lý khán giả để có những điều chỉnh phù hợp ở nhân vật Lý Thừa Ngân. Theo đúng như nguyên tác, Lý Thừa Ngân đối xử tệ với Tiểu Phong là rõ ràng. Còn trên phim, Lý Thừa Ngân được xây dựng dễ thương hơn khá nhiều. Tuy nhiên, những thay đổi này lại nhận được sự ủng hộ của đông đảo khán giả, cho thấy sự thành công của Đông Cung đến từ việc đáp ứng được thị hiếu của khán giả hiện đại.
Tây Du Ký 1986
Sự thành công của Tây Du Ký 1986 không chỉ đến từ sự trung thành với nguyên tác mà còn nhờ vào những sáng tạo của đạo diễn Dương Khiết. Dù được đánh giá là phiên bản Tây Du Ký sát với nguyên tác nhất, đạo diễn Dương Khiết vẫn không ngần ngại thêm thắt những chi tiết sáng tạo để bộ phim trở nên hấp dẫn hơn. Đạo diễn Dương Khiết đã có những điều chỉnh đáng kể để phù hợp với thị hiếu của khán giả, như việc xây dựng hình tượng Bạch Cốt Tinh trở nên quyến rũ và nguy hiểm hơn, hay tạo ra một mối tình lãng mạn giữa Đường Tăng và Nữ vương Tây Lương.
Phân cảnh Ngọc Hoàng bị Tôn Ngộ Không dọa đến mức phải chui gầm bàn hay Bạch Cốt Tinh trở thành một yêu nữ xinh đẹp và quyền lực đều là những ví dụ điển hình. Những thay đổi này không chỉ làm tăng tính kịch tính cho câu chuyện mà còn giúp khán giả có cái nhìn đa chiều hơn về các nhân vật. "Tây Du Ký chuyển thành phim làm người ta biết được vẻ đẹp của Đường Tăng, sự thông minh lanh lợi của Tôn Ngộ Không, sự hẹp hòi ích kỷ của Bát Giới, sự nhẫn nhịn của Sa Tăng. Các cuộc giao tranh với ma quỷ, các kiếp nạn khổ đau trên đường cũng chân thực hơn đọc truyện. Nó cũng làm người ta thấy rõ vẻ đẹp các vị Phật vị Thánh và sự hung dữ tà ác của các loài yêu quái", khán giả dành lời khen ngợi cho bộ phim.